Dự thảo Luật Nhà giáo: "Tại sao có bằng Sư phạm vẫn phải có chứng chỉ hành nghề?"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 26/05/2024 06:30 AM (GMT+7)
Liên quan đến quy định Chứng chỉ hành nghề và Đạo đức nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo đang được lấy ý kiến, các chuyên gia bày tỏ: "Rất cần thiết và quan trọng". Tuy nhiên, tại sao có bằng Sư phạm vẫn phải có chứng chỉ hành nghề nhà giáo?
Bình luận 0

"Tại sao có bằng Sư phạm vẫn phải có chứng chỉ hành nghề nhà giáo?"

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho biết: "Giáo dục cũng như ngành Y hay Luật... mang tính chuyên nghiệp cao, tác động đời sống xã hội lớn. Để đảm bảo an toàn cho xã hội nên đòi hỏi người hành nghề trong dạy học phải đảm bảo năng lực, phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện nghề của mình. Chứng chỉ hành nghề nhà giáo là cần thiết. 

Mọi người sẽ đặt câu hỏi tại sao sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm rồi mà vẫn phải cấp chứng chỉ hành nghề. Câu trả lời là sinh viên tốt nghiệp đại học mới có kiến thức lý thuyết, để hành nghề được cần thêm kiến thức thực tế. Kiến thức này có được từ trải nghiệm chứ không phải học đại học xong là có thể làm việc ngay.

Dự thảo Luật Nhà giáo: "Tại sao có bằng Sư phạm vẫn phải có chứng chỉ hành nghề?"- Ảnh 1.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT. Ảnh: NVCC

Kiến thức lý thuyết trong trường đại học cung cấp kiến thức cơ bản, cái nhìn sâu rộng và toàn diện về giáo dục, giúp người học nắm nguyên lý để vận dụng vào thực tế. Trong khi đó, kiến thức thực tế là hiểu biết được rèn luyện qua kinh nghiệm và là cách thức ứng dụng linh hoạt các lý thuyết vào thực tiễn giảng dạy. Cả hai loại kiến thức này đều quan trọng và bổ trợ cho nhau để tạo nên một giáo viên giỏi. 

Giấy phép hành nghề chỉ được cung cấp sau thời gian tập sự. Quá trình tập sự rất quan trọng, người được hướng dẫn sẽ được kèm cặp, sau đó cả hội đồng đánh giá và sát hạch để lấy giấy phép hành nghề. Lấy ví dụ một cách dễ hiểu: Lý thuyết hướng dẫn sinh viên cách chuẩn bị bài giảng nhưng thực tế làm thế nào với mỗi bài giảng và mỗi đối tượng học sinh lại khác. Sinh viên học ngành Sư phạm ra trường cũng chưa có kỹ năng thực tế quản lý lớp học, xử lý tình huống, trao đổi, chia sẻ, hợp tác với đồng nghiệp. Vì vậy, sau thời gian đào tạo ở trường, giai đoạn thứ 2 hình thành nghề dạy học của giáo viên chính là tập sự, trải nghiệm. Giai đoạn này giáo viên sẽ vừa tự học vừa được bồi dưỡng, đào tạo nhằm cập nhật, bồi dưỡng kiến thức mang tính thực tế, những kiến thức về công nghệ, pháp lý, chính sách mới... để đảm bảo điều kiện hành nghề".

Chia sẻ thêm, TS Vinh cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo cũng là một bài toán: "Chứng chỉ hành nghề có nhiều lợi ích nhưng trong dự thảo Luật chỉ ghi chung chung "đánh giá theo phẩm chất nhà giáo". Trong khi đó, phẩm chất nhà giáo đánh giá rất khó. Chúng ta có giáo viên thường, giáo viên chính, giáo viên cao cấp. Mỗi giáo viên này có giá trị, hành vi, đạo đức khác nhau không? Nếu có thì giấy phép hành nghề cần phải tương ứng với từng vị trí sát hạch ra sao?

Ngoài ra, việc cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo cũng đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước có đủ năng lực để sát hạch. Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm gì nếu sát hạch sai, không trung thực. Tiêu chí đánh giá thế nào, năng lực người sát hạch ra sao, sự thống nhất thế nào giữa các vùng khi giáo viên muốn dịch chuyển. Cũng không nên nói những modul ở trường đại học Sư phạm sẽ được miễn trừ khi cấp giấy phép hành nghề vì giai đoạn sau chương trình phải khác giai đoạn trước... Tôi cho rằng tất cả phải được tính toán đánh giá tính khả thi và đưa vào luật".

Quy định rất cần thiết và quan trọng

PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Giáo dục Hà Nội, nêu quan điểm: "Quy định chứng chỉ hành nghề và đạo đức Nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ GDĐT lấy ý kiến rộng rãi trong tầng lớp nhân dân và xã hội thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với một nghề rất cao quý. 

Dự thảo Luật Nhà giáo lấy ý kiến lần này có 2 điểm rất quan trọng là chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo. Cá nhân tôi thấy đây là quy định rất cần thiết và quan trọng. Mặc dù không phải quốc gia nào cũng có chứng chỉ hành nghề nhưng đối với các quốc gia có hệ thống giáo dục phát triển thì phần lớn đều có chứng chỉ hành nghề. 

Chứng chỉ hành nghề và Đạo đức nhà giáo:

PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Giáo dục Hà Nội. Ảnh: Bộ GDĐT

Thứ nhất, chứng chỉ hành nghề sẽ góp phần nâng cao vị thế cũng như trách nhiệm, phát triển đội ngũ, đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu của nhà giáo. Sinh viên sau khi được đào tạo tại các trường đại học cần được cấp phép chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ này cần thiết để chứng minh nhà giáo đó đã đạt được kỹ năng, năng lực nghề nghiệp và được đánh giá bởi hiệp hội nghề trước khi hành nghề.

Thứ hai, đối với nhà giáo cũng như nhiều ngành nghề khác như bác sĩ, kỹ sư… Chứng chỉ hành nghề thể hiện vị thế cũng như tính chuyên nghiệp của ngành nghề đó.

Thứ ba, chứng chỉ hành nghề góp phần nâng cao trách nhiệm đối với xã hội và kiểm soát ngành nghề sau khi có luật về chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo.

Thứ tư, điều này cũng góp phần hỗ trợ dịch chuyển nhằm tạo mặt bằng chung vì giáo viên dạy nhiều khu vực khác nhau cả thành phố, vùng sâu vùng xa, thậm chí là giáo viên nước ngoài đã có chứng chỉ nghề nghiệp muốn dạy một số môn học tại trường quốc tế ở Việt Nam.

Thứ năm, chứng chỉ hành nghề nhà giáo đảm bảo độ tin cậy, yên tâm cho phụ huynh khi giao con em cho các trường công lập và cả các đơn vị giáo dục tư nhân được cấp phép mở trường, trung tâm tại Việt Nam".

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành: "Nhiều giáo viên và dư luận đặt câu hỏi: Tại sao cần phải có chứng chỉ hành nghề khi đã có bằng tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm, chứng chỉ được cấp như thế nào, ai quản lý, thời gian bao lâu, nếu vi phạm có được thi lại không hay có sự phân biệt chứng chỉ giữa giáo viên tập sự, giáo viên xuất sắc… Tôi nghĩ vấn đề trên cần được nghiên cứu và thể hiện rõ trong Luật Nhà giáo.

Chúng ta cũng đã có nhiều văn bản quy định về đạo đức nhà giáo ở trong trường và trong các luật khác nhau như Luật Viên chức… Tuy nhiên, Luật Nhà giáo sẽ cụ thể hóa, tập trung hơn sẽ góp phần tạo thành chế tài. Tôi cho rằng, luật phải được thể hiện thông qua những hành vi rất cụ thể (giống như luật giao thông). Từ đó, nhà giáo và xã hội mới có thể soi chiếu để biết được hành vi nào được làm hay không được làm, tránh hành vi lệch chuẩn thường thấy ở trong các trường phổ thông hiện nay.

Đây là một số điều tôi nghĩ chúng ta cần phải lưu ý khi hoàn thiện Luật Nhà giáo, đặc biệt trong đó có phần chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo".

PGS.TS Nguyễn Chí Thành cũng đặt ra những thách thức khi thực hiện Luật Nhà giáo liệu có tạo thêm các thủ tục hành chính và chi phí cho giáo viên; Vấn đề thống nhất sự kết nối và phân cấp về mức độ giữa các chuẩn đào tạo (cho sinh viên sư phạm); Nội dung cho các bài kiểm tra đánh giá mà ứng viên giáo viên cần trải qua để được cấp phép chứng chỉ hành nghề; Cần có sự phối hợp giữa các phương tiện báo, đài, cơ quan quản lý trong việc truyền thông về chứng chỉ hành nghề cho giáo viên vì đặc thù của việc tuyển dụng viên chức, giáo viên tại Việt Nam.

Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo phù hợp với thực tiễn, bối cảnh mới

Sau một thời gian tiến hành soạn thảo với nhiều công việc, quy trình phức tạp, nội dung mới khó, ngày 13/5, Bộ GDĐT công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.

Một trong những quy định được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo là quy định Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.

Để không gây xáo trộn khi áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề, dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo đã được tuyển dụng vào ngành trước khi Luật có hiệu lực sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem