Phụ huynh chán "bệnh thành tích", tự giáo dục con ở nhà thay vì đến trường
Phụ huynh chán "bệnh thành tích", tự giáo dục con ở nhà thay vì đến trường
Thứ hai, ngày 05/12/2022 07:03 AM (GMT+7)
Một số phụ huynh cho rằng hình thức Homeschool (giáo dục tại nhà) có hiệu quả hơn so với chương trình phổ thông truyền thống do nội dung học sẽ được chính bố mẹ biên soạn riêng để phù hợp với con trẻ.
Khi giáo dục truyền thống không còn phù hợp với nhu cầu
"Học sinh bây giờ tới trường, học chỉ để thi lấy điểm, làm mất đi bản chất tự nhiên của việc giáo dục là lấy kiến thức", anh Lê Nguyễn Đăng Khoa (TP.HCM) chia sẻ dưới góc độ của một giáo viên.
Anh Đăng Khoa nhấn mạnh phương châm giáo dục của gia đình anh là tự do về tư duy và khai phóng về trí tuệ. Vì vậy, để đảm bảo thỏa mãn sự tò mò, duy trì được sự hứng thú với tri thức và rèn luyện tư duy phản biện của trẻ, gia đình anh lựa chọn tự giáo dục con tại nhà.
Anh Đăng Khoa mong muốn con khi hiểu biết về một kiến thức thì có thể lý giải nguồn gốc, lập luận logic và thuyết phục. Khác với sự thụ động khi tiếp thu kiến thức trên trường lớp của học sinh, theo sự quan sát của anh với tư cách là một giáo viên.
Giải thích thêm về lựa chọn không cho con tới trường, anh Đăng Khoa nói: "Mặc dù mỗi đứa trẻ là những cá thể khác nhau nhưng tất cả chúng đều bị đánh giá bởi cùng một hệ thống. Cá nhân tôi thấy việc đánh giá năng lực của học sinh, thông thường dựa trên 3 môn toán, văn và anh là không công bằng.
Bởi mỗi trẻ sẽ sở hữu những tố chất riêng, có những em năng khiếu về nghệ thuật, nhưng có những em sẽ thiên về tư duy logic hoặc có những em sẽ trội về các môn xã hội thì không thể đánh giá được rằng ai hơn ai hoặc ai kém ai.
Để tránh trường hợp con bị chịu áp lực so sánh cao thấp trong học tập, tôi cho con học theo một lộ trình riêng. Tôi muốn con có sự tự do phát triển theo khả năng, sở thích thay vì suốt ngày quay cuồng với bài tập. Bởi việc học chỉ thực sự hiệu quả khi đứa trẻ không nhận thức được mình đang học".
Đồng quan điểm với anh Khoa, chị Nguyễn Vi (TP.HCM) cũng ưu tiên giáo dục tại nhà vì yếu tố hàng đầu là tạo môi trường phù hợp, thoải mái cho con trẻ thích khám phá, tự học hỏi.
Đã từng trải qua giáo dục tại trường công, đánh giá từ góc độ của cả phụ huynh và học sinh, chị Vi thấy rằng môi trường trường lớp không phù hợp với con mình. Vì vậy, chị lựa chọn tự tìm cách thay đổi để phù hợp với nhu cầu giáo dục của con và mình.
"Tôi không muốn bản chất tò mò, tư duy phản biện của con bị mai một hoặc hình thành sự tiêu cực trong tính cách của con khi bị ép vào khuôn khổ trường lớp", chị Vi chia sẻ.
Giáo dục tại nhà là lựa chọn, không phải là lối thoát
Theo quan điểm của chị Vi, hình thức Homeschool (giáo dục tại nhà) đang được một số phụ huynh Việt Nam đẩy lên với sự "thần thánh hóa" như một phép màu.
"Một số phụ huynh Việt Nam khi đang loay hoay trong việc tìm cách giáo dục cho con và vô tình biết đến Homeschool, chưa tìm hiểu kỹ và nhìn nhận phiến diện khiến họ cho rằng chỉ những ai học Homeschool (giáo dục tại nhà) mới là giỏi, mới là tốt và còn kêu gọi tinh thần không cần bài tập, không cần thi cử, không cần thành tích.
Mặc dù gia đình tôi tự giáo dục con tại nhà nhưng quan điểm của tôi là không phải mọi cái cũ đều tệ và mọi cái mới đều tốt", chị Vi nhấn mạnh.
Việc lựa chọn hình thức Homeschool cho con đòi hỏi tiềm lực rất lớn ở phụ huynh trong nhiều yếu tố.
Chị Vi giải thích thêm rằng, từ việc thấu hiểu năng lực của con, xây dựng chương trình học phù hợp cho đến tạo điều kiện môi trường đảm bảo phát triển về cả thể chất và tinh thần cho trẻ theo từng giai đoạn yêu cầu sự phối hợp và hiểu biết kỹ lưỡng của bố mẹ.
Nếu chỉ lựa chọn Homeshcool (giáo dục tại nhà) như một giải pháp nhằm giải quyết những khúc mắc riêng trong quan điểm giáo dục của bố mẹ thì không nên, vì về lâu dài nó sẽ bộc lộ nhiều khó khăn cho con trẻ khi học lên những chương trình cao hơn.
Chị Vi bày tỏ rằng phụ huynh nên có sự tìm hiểu nhất định, nên dựa theo điều kiện của gia đình để lựa chọn cho phù hợp. Giáo dục tại nhà hay giáo dục tại trường, dù là hệ giá trị nào quan trọng nhất vẫn phải là con trẻ có được sự phát triển toàn diện.
Một phụ huynh sinh sống tại nước ngoài cũng chia sẻ, lựa chọn giáo dục con tại nhà không nên theo trào lưu. Quyết định đó nên được hình thành bởi những lý do đặc biệt nhất định.
Riêng trường hợp gia đình phụ huynh này là do tính chất công việc của bố mẹ cần di chuyển liên tục, mỗi quốc gia chỉ ở lại một khoảng thời gian. Nếu con đi học sẽ phải học trường quốc tế, chi phí cực kì đắt đỏ và thời gian đưa đón cũng vất vả.
Vì thế, tính toán mức chi phí tương đương phải bỏ ra nếu con đi học tại trường quốc tế, phụ huynh nước ngoài này chọn tự cho con học qua các khóa học trực tuyến, tổ chức các hoạt động trải nghiệm giúp con vừa học vừa chơi. Hình thức này giúp gia đình chủ động về thời gian, cân đối hoạt động và tập trung được vào lĩnh vực con thực sự yêu thích.
Phụ huynh này chia sẻ: "Homeshcool có rất nhiều điểm cộng và phù hợp với điều kiện và định hướng của gia đình tôi, ít nhất là tại thời điểm này".
Đề cập đến vấn đề lựa chọn hình thức giáo dục nào mới là ưu việt, anh Đăng Khoa khẳng định không có đúng sai trong quan điểm giáo dục mà quan trọng là phụ huynh cần xác định môi trường giáo dục nào phù hợp với con của mình, phù hợp với phương châm giáo dục của gia đình để áp dụng.
"Homeschool hay đến trường cũng chỉ là một con đường và cho dù phụ huynh lựa chọn con đường nào thì phải chắc chắn con mình - người trực tiếp trải nghiệm phải có khả năng theo được.
Bởi sự phát triển của mỗi một đứa trẻ là khác nhau. Đối với gia đình tôi thì cảm thấy cách phù hợp nhất là mình tự dạy con tại nhà, vừa tận dụng được tối đa thời gian học của con, vừa có thể theo sát sự phát triển của cháu", anh Đăng Khoa cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.