Phụ huynh "mách" cách tặng quà cho thầy cô Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa hợp lý lại được khen

Tào Nga Thứ tư, ngày 15/11/2023 06:38 AM (GMT+7)
Dù những thông báo không nhận quà Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 nhận được nhiều ủng hộ nhưng cũng không ít phụ huynh tâm tư cho rằng, không nên bỏ đi truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là nhớ ơn công lao của thầy cô.
Bình luận 0

Phụ huynh mách nhau tặng quà cho thầy cô Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Mỗi dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đến, không chỉ có thầy cô giáo, những người làm ngành Giáo dục hân hoan, tưng bừng mà ngay cả học sinh, phụ huynh cũng được vui chung. Đây là dịp để học trò, cũng như các bậc cha mẹ tri ân thầy cô, những người đã tận tâm, nhiệt huyết, chỉ bảo các em nên người. 

Tuy nhiên, quà tặng cho thầy cô Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 như thế nào đang là chủ đề gây tranh cãi vì... nhạy cảm.

Mới đây, Sở GDĐT TP.HCM cho hay, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Sở đã có thông báo không tiếp khách, không nhận hoa, quà chúc mừng nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023) tới các đơn vị. Đây là chủ trương nhiều năm nay của ngành GDĐT TP.HCM. "Sở Giáo dục cảm ơn sự quan tâm và những tình cảm tốt đẹp của các cơ quan, đơn vị, cá nhân, và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ với sự nghiệp GDĐT thành phố", Chánh văn phòng Sở GDĐT TP.HCM Hồ Tấn Minh chia sẻ.

Phụ huynh "mách" cách tặng quà cho thầy cô Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa hợp lý lại được khen - Ảnh 1.

Học sinh tặng hoa cho các cô giáo mầm non. Ảnh: Tào Nga

Sở GDĐT Tây Ninh cũng có thông báo gửi đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đơn vị, trường học trực thuộc Sở với nội dung tương tự. Theo đó, đơn vị này cũng không tổ chức lễ kỷ niệm, không tổ chức đón tiếp các đoàn đến thăm, chúc mừng và đề nghị các cơ quan, đơn vị không gửi lẵng hoa chúc mừng nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cũng quán triệt học sinh, phụ huynh và người lao động trong toàn trường không tổ chức đến nhà giáo viên và lãnh đạo nhà trường tặng quà nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Lý do được lãnh đạo nhà trường đưa ra là trường nằm ở xã đặc biệt khó khăn, nơi đây đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do đó, nhà trường không muốn phụ huynh và học sinh phải suy nghĩ và lo lắng đến việc tặng quà cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường. Việc không tặng quà thầy, cô giáo sẽ tạo ra sự đối xử công bằng với tất cả các em học sinh.

Dù những thông báo này nhận được nhiều ủng hộ nhưng cũng không ít phụ huynh tâm tư cho rằng không nên bỏ đi truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là nhớ ơn công lao của thầy cô. 

Chị Lê Thanh Hoa, ở Hà Nội cho rằng: "Phụ huynh không nhất thiết phải tặng quà đúng ngày 20/11 mà có thể tặng cảm ơn khi con tốt nghiệp, đi du lịch, đi xa đâu đó về... Đây là tùy tâm, không có cũng không sao vì phụ huynh cũng đóng quỹ lớp, quỹ trường rồi".

Chị Vũ Hương, phụ huynh có con học lớp 1 ở Hà Nội bày tỏ: "Theo tôi, trưởng ban phụ huynh nên mua một lẵng hoa hay quả tặng chung cho các thầy cô chứ không riêng tặng mình thầy cô chủ nhiệm. Các cô bộ môn những ngày này cảm thấy tủi thân vô cùng. Tốt nhất nên bỏ chuyện tặng phong bì, quà cáp riêng mà tặng chung là hay nhất". 

Một cô giáo ở Hà Nội cho hay: "Khi còn đi học tôi được bố mẹ dạy rằng, cô thầy là người bố, người mẹ thứ hai. Mẹ mua hoa và dạy tôi cách nói lời cảm ơn thầy cô và cách cầm bó hoa bằng 2 tay để tặng cô, tặng thầy. Khi học xong, ra trường tôi cũng trở thành cô giáo và tôi cũng muốn học sinh của mình biết "tôn sư trọng đạo". Tôi không bàn tới chuyện "đi phong bì" trong những ngày này. Thay vào đó, khuyến khích con mang hoa, viết thiệp tặng thầy cô, dạy con biết yêu quý, trân trọng người đã dạy dỗ, chăm sóc hàng ngày. Công lao của bố mẹ rộng lớn như biển khơi nhưng công lao của thầy cô thì cũng như bầu trời bao la vậy. Và biết đâu sau này, con cũng sẽ làm công việc "việc trồng người ", trở thành "người lái đò" đưa từng lớp thế hệ trẻ qua sông".

Quà Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: "Nói không với phong bì"

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ câu chuyện từng được nhận phong bì 10 triệu đồng: "Tôi nhớ có 1 lần, tôi dạy 1 lớp tại chức và hướng dẫn mọi người làm bài tập, chấm bài... Đến ngày nộp, mọi người mang theo một hộp quà to. Tôi ghét lắm nhưng lại trộm nghĩ: Chắc trong đó không có phong bì đâu, quà to thế mà. Thế rồi khi họ về, tôi mở ra và thấy phong bì 10 triệu đồng. Tôi khóc, tôi giận, tôi muốn điên lên. Gọi trả thì sợ mọi người nghĩ ngợi, không trả thì tôi không chịu được. Cuối cùng tôi nghĩ ra cách hay nhất là bỏ hết 10 triệu đồng đó vào Quỹ vì trẻ em vùng cao".

Qua câu chuyện trên, TS Hương nhắn nhủ tới phụ huynh: "Tôi biết, có không ít các nhà giáo từ chối phong bì, từ chối quà của phụ huynh. Có cô trốn biệt mấy ngày gần Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và cấm học sinh tặng phong bì. Tôi hiểu, họ giống tôi, họ cảm thấy tổn thương khi nhận được cái phong bì, đặc biệt là từ phụ huynh học sinh. Bởi vì đó không phải là thể hiện tình cảm và sự tri ân của họ với giáo viên mà là động thái trút trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con họ cho những nhà giáo.

Với các phụ huynh học sinh ở trung tâm tôi đang dạy, thông điệp trao cho họ cũng hết sức rõ ràng: các giáo viên ở trung tâm sẽ không được phép nhận quà của phụ huynh nếu không muốn bị kỷ luật. Bởi vì điều tôi muốn là giữ gìn sự trong sáng và tình yêu của trẻ. Phụ huynh nào còn mong phong bì là thứ để cô giáo thiên vị con mình cũng mong nghĩ lại, bởi vì phong bì là thứ giết chết sự tốt đẹp của ngành giáo dục".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem