Phụ huynh "quay cuồng" vì hết giá sách giáo khoa cao lại đến học phí tăng

Tào Nga Chủ nhật, ngày 22/05/2022 07:10 AM (GMT+7)
Ngay sau khi có thông tin học phí sẽ tăng từ năm học sau, nhiều phụ huynh chỉ biết hoang mang vì quá nhiều khoản nặng đè lên vai.
Bình luận 0

Không biết xoay xở thế nào

Mới đây, HĐND TP.Hà Nội đưa ra dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026. Theo đó, học phí đối với bậc THCS tăng gấp đôi so với năm ngoái, từ 19.000-155.000 đồng lên 50.000-300.000 đồng/tháng. Sau 4 năm, học phí sẽ tăng gấp 4 so với mức hiện tại. Ngay sau khi có thông tin này, nhiều phụ huynh đã bày tỏ ý kiến.

Trước vấn đề "nóng", chị Nguyễn Hồng Nhung, phụ huynh có 2 con đang học lớp 1 và lớp 5 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay: "Nhiều gia đình trong đó có vợ chồng tôi chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tôi vừa mới bắt đầu đi làm lại chưa được bao lâu, chưa kịp hết khó khăn, chưa trả hết nợ thì lại nghe tin tăng học phí. 

Phụ huynh "ngất lên ngất xuống" vì hết SGK tăng giá lại đến học phí tăng - Ảnh 1.

Tăng học phí vào thời điểm này là gánh nặng với gia đình tôi. Tôi nghĩ nhiều người cũng sẽ như tôi. Thay vì đợi nền kinh tế phục hồi thì đồng loạt các khoản tăng lên. Mỗi thứ thêm một chút, chúng tôi làm sao chịu được".

Được biết, chị Nhung làm nhân viên cho một công ty chuyên về xuất khẩu lao động. Suốt 1 năm qua, công ty của chị ngừng hoạt động vì giãn cách ở Hà Nội rồi đến lệnh cấm bay ở các nước. Chị và chồng nghỉ ở nhà không lương. Cả nhà 4 miệng ăn nên vô cùng khó khăn, túng thiếu. Chút tiền gom góp tiết kiệm được cũng phải lấy ra để trả tiền thuê nhà và chi tiêu sinh hoạt. 

Đồng quan điểm, chị Ngô Hồng Hạnh, phụ huynh có 2 con học lớp 2 và lớp 6 ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết đang "khóc dở, mếu dở" sau khi nghe tin học phí từ năm học mới 2022-2023 sẽ tăng lên gấp đôi. 

"Mới chỉ nghe dự thảo tăng học phí nên tôi chưa biết năm học tới tôi sẽ phải đóng tổng bao nhiêu tiền cho 2 con. Nhưng cứ tăng giá là tôi lo lắng không biết xoay xở thế nào rồi", chị Hạnh bày tỏ.

Chị Hạnh là mẹ đơn thân, đang phải làm nhiều việc để có tiền lo cho 2 con nhỏ. Thậm chí, chị còn không có thời gian chăm sóc cho bản thân mình. Hai năm qua, con của chị học chương trình giáo dục phổ thông mới nên giá sách giáo khoa cũng đã cao hơn so với bộ sách cũ. Thời gian vửa rồi, khi nghe tin sách giáo khoa lớp 3 và 7 cao hơn 200-300%, cũng là lớp 2 con chị Hạnh học trong năm tới, chị chỉ biết thở dài mệt mỏi: "Sách giáo khoa cao hơn giờ lại đến tăng học phí. Tôi chỉ ước sao học phí được miễn đến hết cấp 2 để những phụ huynh như tôi được chia sẻ khó khăn, các con được tung tăng đến trường như các bạn. Tôi không phải khổ sở tính toán bớt đi miếng thịt mỗi bữa ăn, tối không phải tắt điện hay dùng nước phải dè sẻn".

"Tăng học phí có đi đôi với chất lượng không?"

Bên cạnh ý kiến phản đối việc tăng học phí, một số phụ huynh khác đặt câu hỏi: "Tăng học phí có đi đôi với chất lượng không?".

Chị Nguyễn Thu Hằng, phụ huynh ở quận Thanh Xuân cho hay: "Học phí trường công dù có tăng cũng không phải là vấn đề to lớn. Cái phụ huynh cần chính là chất lượng đem lại và sự lựa chọn của phụ huynh phù hợp nhiều yếu tố chứ không chỉ là số tiền học. Nếu tăng học phí mà học sinh được tận hưởng cơ sở vật chất tiện ích hơn, chất lượng dạy học cao hơn thì phụ huynh cũng sẵn lòng ủng hộ".

Anh Ngô Hồng Hải, phụ huynh ở quận Hoàn Kiếm cũng nghi ngại: "Học phí càng tăng cao thì càng bất lợi cho tương lai. Nhiều gia đình khó khăn chắc chỉ còn cách cho con nghỉ học đi làm kiếm tiền sớm".

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết: “Tăng học phí là phù hợp với thực tế bây giờ vì giá cả đã leo thang. Nhưng phải có chính sách để người nghèo ở Hà Nội, TP.HCM khỏi thất học. Phải có chính sách học 2 buổi ở trường và không phải học thêm các môn học nữa. Các em cần nhiều thời gian để vui chơi (có tổ chức), đừng bắt buộc các em phải học tập những điều không cần thiết. Ngoài ra, cần có chính sách cho vay, lãi suất thật thấp hoặc tài trợ, cho những gia đình có con đang học để các em có cơ hội học tập. Cần có câu trả lời cho những điều trên thì mới tăng học phí được và như thế tăng học phí không là gánh nặng cho gia đình”.

Không chỉ phụ huynh ở Hà Nội mà TP.HCM và một số tỉnh thành khác cũng cho biết đã có dự thảo tăng học phí. Được biết, UBND tỉnh Gia Lai đang xem xét mức phí đối với các bậc học trên địa bàn tỉnh năm học 2022 - 2023. Mức học phí thấp nhất ở địa phương là 15.000 đồng/tháng, nếu thông qua sẽ tăng từ 50.000 - 86.000 đồng/tháng, bậc THPT từ 100.000 - 133.000 đồng/tháng. Bình Định, Phú Yên cũng cho biết đang triển khai xây dựng khung học phí mới. Nếu thông qua, học phí năm học sắp tới cũng sẽ tăng so với mức hiện tại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem