Phụ huynh thắc mắc một từ "lạ" trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 chương trình mới

Tào Nga Thứ bảy, ngày 17/08/2024 10:25 AM (GMT+7)
Mặc dù chưa vào năm học mới nhưng nhiều phụ huynh rất quan tâm đến việc học của con, thậm chí có người còn đọc gần hết nội dung và thắc mắc một từ "lạ" trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Bình luận 0

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 có một chữ khiến phụ huynh băn khoăn

Phản ánh với PV báo Dân Việt, chị Trần Kiều, một phụ huynh có con năm nay học lớp 4 ở Vũng Tàu cho biết: "Trong khi chuẩn bị sách vở, đồ dùng cho con chuẩn bị năm học mới, mình có mở sách giáo khoa ra để xem nội dung. Khi đọc đến bài thơ Quả ngọt cuối mùa (trang 49) trong sách Tiếng Việt, bộ sách Chân trời sáng tạo, mình thấy bài thơ rất khó hiểu. Trong đó có 2 câu thơ là "Quả ngon dành tận cuối mùa/ Chờ con, phần cháu bà chưa trẩy vào". 

Mình không hiểu từ trảy là từ gì, có nghĩa thế nào. Người lớn mà còn không hiểu thì làm sao đứa trẻ lớp 4 hiểu được?".

Phụ huynh thắc mắc một từ "lạ" trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 chương trình mới - Ảnh 1.

Bài thơ Quả ngọt cuối mùa trong sách giáo khoa lớp 4. Ảnh: CMH

Cũng theo phụ huynh này: "Mình thấy bài thơ với nhiều từ khó hiểu, kết cấu bài thơ không ý nghĩa, người lớn đọc còn thấy mệt".

Không chỉ có chị Kiều, trước đây, một số phụ huynh khác cũng thắc mắc các từ, câu "lạ" trong sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Một bài tập đọc khác có nội dung "Bé Lê mê ti vi. Ti vi có sâm cầm. Bé chỉ: Cò... cò... Ti vi có cá mập. Bé la: Sợ. Má bế bé, vỗ về: Cá mập ở ti vi mà. Má ấm quá, bé chả sợ nữa". Nhiều phụ huynh không hiểu từ sâm cầm là gì.

Ví dụ khác như trong bài số 31 (môn tiếng Việt, bộ sách Cánh diều) đến bài học về vần "ua, ưa", sách đã đưa ví dụ về từ chứa vần này. Trong đó, gây tranh cãi là từ "dưa đỏ". Ngoài ra, một bài tập đọc khác cũng trong bộ sách này là "Quạ và chó" cũng sử dụng nhiều từ khó và ít khi được sử dụng. Ví dụ như "khổ mỡ", "cuỗm", "tợp",... rất khó để trẻ lớp 1 có thể đọc hiểu.

Chia sẻ về nội dung sách giáo khoa chương trình mới xuất hiện từ "lạ", TS Lê Thị Thùy Vinh, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, cho biết: "Trảy (hay trẩy) theo Từ điển tiếng Việt trang 1031là hái, thu hái (thường gắn với quả).

Đây là từ thuộc phương ngữ Bắc Bộ. Từ này xuất hiện trong những kết hợp của tiếng Việt như "trẩy lộc" (tức hái lộc), "trẩy một giỏ sim" (Khách xa nhớ đến nhau tìm/ Lên đồi trẩy một giỏ sim làm quà (thơ Phạm Thiên Thư).

Trong bài "Quả ngọt cuối mùa" của Võ Thanh An (trang 20, Tiếng Việt 4, Kết nối tri thức với cuộc sống", từ "trảy" cũng xuất hiện trong câu thơ "Quả ngon dành tận cuối mùa/Chờ con, phần cháu bà chưa trảy vào". Tác giả SGK cũng đã chú thích rất rõ nghĩa của từ "trảy" trong ngữ cảnh này do đây là từ địa phương nên học sinh Tiểu học ở các vùng miền chưa thể hiểu được nghĩa của từ.

Có thể thấy rằng, các từ địa phương của tiếng Việt, hiện nay đang tồn tại như một tất yếu. Điều này cho thấy ngôn ngữ tiếng Việt tồn tại trong sự đa dạng của nó, vì thế việc đưa từ ngữ địa phương vào văn bản SGK Tiếng Việt ở cấp Tiểu học nói chung và SGK Tiếng Việt 4 là thực sự cần thiết. Học sinh chỉ cần hiểu nghĩa của từ ngữ địa phương trong ngữ cảnh (thông qua phần chú thích của tác giả SGK) là phù hợp.

Cũng trong SGK Tiếng Việt 4, tuần 29 Bài 19, trong bài tập đọc Đi hội chùa Hương có một kết hợp xuất hiện là "trẩy hội". "Trẩy" trong "trẩy hội" là đi dự ngày hội, tuy nhiên đáng tiếc là SGK chưa chú thích từ này. Bởi "trẩy" (trong trẩy hội) có nghĩa là đi cũng là một kết hợp có tính hạn chế".

Phụ huynh thắc mắc một từ "lạ" trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 chương trình mới - Ảnh 2.

TS Lê Thị Thùy Vinh, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và con gái đang học tiểu học. Ảnh: NVCC

TS Vinh tư vấn thêm: "Trong bối cảnh dạy và học hiện nay, ngoài việc giáo viên giảng dạy trên lớp, ở nhà nhiều phụ huynh học sinh cũng kèm thêm cho các con để các con đọc trước các văn bản trong SGK và ôn luyện củng cố các bài học này. Đối với các từ khó (từ địa phương, từ cổ hay từ biểu thị những khái niệm trừu tượng) xuất hiện trong văn bản, phụ huynh cần tra cứu cẩn thận những từ này trong một số sách công cụ như Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học và giảng giải ý nghĩa của từ cho các con. Lưu ý rằng, đối với lớp từ địa phương, từ cổ chỉ cần giúp các con hiểu nghĩa của từ trong ngữ cảnh cụ thể chứ không cần đi sâu tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc của từ hay sự phát triển nghĩa của từ.

Những trường hợp chưa có câu trả lời rõ ràng, xác đáng phụ huynh có thể liên hệ giáo viên hoặc các chuyên gia để tham vấn bởi đây mới chính là các kênh tham vấn tin cậy và đúng đắn. Việc đăng tải trên mạng xã hội những cảm nghĩ có tính chủ quan (nhiều khi cực đoan) có thể dẫn đến những hậu quả không đáng có".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem