Không chỉ trong gia đình, chốn công sở cũng lắm thị phi khi chị em ra sức "dằn mặt" nhau chỉ để ngầm khẳng định chủ quyền với một người đàn ông. Với những phụ nữ khác, hành động đó chẳng khác nào tự hạ thấp bản thân mình.
Ly thân, ly hôn rồi, vợ vẫn hằn học khi chồng có tình mới
Mới đây nhất, vợ Shark Bình tuyên bố lập vi bằng các bài đăng trên Facebook của diễn viên Phương Oanh nhằm củng cố hồ sơ yêu cầu xử phạt vì những hành vi, tư cách không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Đến lần thứ hai dằn mặt chồng và "tiểu tam", nữ doanh nhân nhận được nhiều phản hồi trái chiều, cho rằng chị "cố đấm ăn xôi", dựa hơi người nổi tiếng và lòng còn đầy sân si mỗi khi chồng có động thái khoe tình yêu mới.
"Khán giả bây giờ thông minh lắm. Chị doanh nhân nói dài, nói dai thành nói dại. Đã ly thân ba năm, ai cũng có người khác rồi, còn hằn học làm chi. Chồng chị mà ngon nghẻ, chắc chị đã không ly thân. Được người khác "gánh nợ" thay nên cảm ơn, giành giật làm chi một người không đáng", cô gái tên Vi An bình luận trên một hội nhóm của riêng chị em phụ nữ.
"Ba điều đáng buồn nhất đối với phụ nữ, đó là già đi, tình yêu nguội lạnh và hôn nhân đi vào dĩ vãng. Có lẽ vợ Shark Bình là minh chứng cho điều này khi còn quyết tâm khẳng định chủ quyền với thứ đã không thuộc về mình", một độc giả nam bình luận dưới bài đăng về phát ngôn chưa hồi kết của cặp vợ chồng doanh nhân.
Doanh nhân Đào Lan Hương, vợ Shark Bình, không phải là trường hợp duy nhất còn để tâm nhiều tới mọi động thái của "chồng cũ" và "tình mới" của chồng.
Trên thực tế, hầu hết phụ nữ khi chồng ngoại tình, hoặc hai vợ chồng đã đồng thuận ly hôn, đều không cam tâm để mất người đàn ông từng là của mình.
"Tôi có anh bạn, tự lực cánh sinh mở công ty làm ăn, kiếm tiền rất giỏi, sắm nhà đất, xe hơi... đều để vợ đứng tên hết. Vợ anh vẫn lo chồng có quỹ đen, lo chồng ngoại tình, đòi vào công ty chồng, nắm toàn bộ mảng thu chi... Cách hành xử của chị khiến nhân viên chán nản bỏ việc hết. Anh chồng chịu đựng mãi không nổi đành ly thân, dọn ra ngoài sống. Anh bảo, chị cũng đã có bạn trai mới, lại đứng tên mọi tài sản, vậy mà vẫn luôn theo dõi, kiểm soát chồng, chỉ sợ chồng có bồ thì quên nghĩa vụ gửi tiền nuôi con và đem tiền cho bồ...", anh Hải kể về người bạn thân thời THPT.
Hiện bạn anh vô cùng bế tắc, như bị cầm tù vì vợ không đồng ý ly hôn dù anh không đòi chia tài sản, cũng không cho anh được quen ai khác. Chị luôn làm chồng mất mặt khi thường xuyên dằn mặt những phụ nữ ở gần chồng, dù người đó, đơn giản chỉ là nhân viên hay đối tác làm ăn.
Ngấm ngầm diệt nhau chốn công sở chỉ vì "sếp thương ai hơn"
Họp giao ban đầu tuần, đám phụ nữ công ty Y xôm tụ tám chuyện trong nhà vệ sinh khi trưởng phòng Vân nộp đơn xin nghỉ. Đây là lần thứ ba chị Vân xin nghỉ, cũng như hai lần trước, Vân đều viết đơn nghỉ việc ngay sau khi họp giao ban kết thúc.
"Chắc do lúc họp sếp lại lỡ mồm khen con bé thực tập mới vào vừa nhanh nhẹn, giỏi giang lại có duyên. Thấy mình bị "thất sủng" nên nộp đơn dằn mặt sếp cho bõ tức ấy mà", đám phụ nữ rỉ tai nhau.
Cả công ty đều biết, chị Vân không giỏi giang nhưng được nết trung thành, theo sếp từ những ngày đầu. Không biết giữa chị và sếp có tư tình hay không nhưng chị luôn kín đáo hay công khai có những hành động "dằn mặt" nhân viên mới rằng "không ai ngoài chị được phép gần gũi sếp" hoặc "sếp với chị là một". Biết được điều đó, phụ nữ trong công ty đều hạn chế tiếp xúc riêng tư hay có hành động thân thiết với sếp, dù chỉ là trong công việc.
Nhưng gần đây bé thực tập mới vào công ty, với sự vui tươi, nhiệt thành tuổi trẻ, như thổi làn gió mới vào công ty, khiến không chỉ sếp mà cánh đàn ông đều thấy vui vẻ. Sếp tính chan hòa nhưng rất hiếm khen ai công khai, không ngờ lần này, cuộc họp giao ban nào cũng khen bé thực tập, còn nói những chị em khác nên học tập cách làm việc và nhìn cuộc sống đầy tích cực của cô bé.
"Sếp khen công khai như thế ai chẳng chạnh lòng, nhất là các bà chị già đã gắn bó với sếp nhiều năm, chịu đựng gian khó cùng sếp... Nhưng đến mức nộp đơn nghỉ việc để tỏ ý giận dỗi thì hơi quá, chứng tỏ thiếu chín chắn. Chấp gì một cô bé mới ra trường và càng không nên giành sếp với cô bé, vì không đời nào bé đó chịu sếp - người đáng tuổi ông cha mình", anh Trường, phòng IT góp chuyện.
Chị lao công đứng gần đó, cũng ngừng tay tới góp chuyện. "Gớm, nộp đơn xin nghỉ để dằn mặt sếp đã là gì. Xưa tôi làm trong một cơ quan nhà nước, mấy mẹ ma cũ còn dựng chuyện, phao tin, đồn thổi trắng trợn cho con bé nhân viên mới, chỉ vì sếp cũng công khai khen nó trước mặt những nhân viên khác. Nào là nó ngủ với sếp nên mới được tuyển vào, nào là gu sếp lạ thế, con bé có xinh xắn gì đâu... Cái con bồ của sếp mới ghê cơ, nó còn hack mọi tài liệu trong máy tính con bé nhân viên mới, khiến con nhỏ một phen xanh mặt đi khôi phục dữ liệu. Chung quy cũng chỉ là sợ mất mối hời ngon mà sếp ưu ái dành cho trước giờ", chị lao công kết luận.
Cũng theo lời chị lao công, cô bé nhân viên không ngờ cao tay hơn. Tiếp cận con trai sếp một thời gian, cô trở thành con dâu sếp. Được mẹ chồng và chồng giao cho sứ mệnh thay mặt gia đình làm trợ lý đắc lực cho sếp, cô nghiễm nhiên trở thành người chăm sóc cũng như giám sát nhất cử nhất động của người vừa là sếp, vừa là bố chồng. Cũng vì thế mà bồ sếp cũng như phe cánh của cô bồ hoàn toàn bị thất sủng. Người bị cho thôi việc, người bị điều chuyển đi phòng ban khác.
"Chung quy lại, ở chốn công sở, chị em tranh giành nhau một người đàn ông chỉ vì ông ta có tiền, có quyền. Không ai đi giành nhau một anh bảo vệ hay anh văn thư cả", anh Huấn, một cán bộ công chức lâu năm kết luận.
"Phụ nữ tự chủ kinh tế, giỏi giang, không ai đi giành đàn ông với phụ nữ khác. Sức hấp dẫn từ họ như nam châm, đủ thu hút đàn ông về mình. Chỉ những cô tài năng kém cỏi nhưng muốn an nhàn, tham lam... mới dựa vào đàn ông để có tất cả, để rồi sân hận khi phải chia sẻ mối lợi đó của mình cho những phụ nữ khác. Không đáng!", chị Phương, thư ký giám đốc một cơ quan nhà nước đưa quan điểm .
Vui lòng nhập nội dung bình luận.