Ly hôn và ly thân khác nhau thế nào?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 26/08/2022 19:08 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia pháp lý, nhiều người lầm tưởng ly hôn và ly thân giống nhau nhưng thực tế hoàn toàn khác nhau.
Bình luận 0

Khái niệm ly hôn và ly thân

Trên mạng xã hội đang xôn xao câu chuyện một doanh nhân từng tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam có hình ảnh thân mật với diễn viên Phương Oanh (đóng vai Quỳnh Búp bê).

Có thông tin cho rằng vị doanh nhân đã ly thân vợ từ 2 - 3 năm nay, tuy nhiên trao đổi với Dân Việt vợ doanh nhân này khẳng định vẫn còn Giấy đăng ký kết hôn.

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, ly thân là dùng để mô tả quan hệ vợ chồng mà theo đó hai người không còn chung sống, ăn ở với nhau nhưng vẫn chưa ly hôn.

Ly hôn và ly thân khác nhau thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa về ly hôn và ly thân.

Vợ chồng tự thỏa thuận với nhau để sống ly thân chứ không cần yêu cầu tòa án giải quyết, trên phương diện pháp lý họ vẫn là vợ chồng hợp pháp, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của vợ chồng.

Hiện nay, theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì chưa có khái niệm pháp lý về ly thân.

Còn ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Ly thân và ly hôn đều có nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn gia đình khiến cho cuộc sống vợ chồng trở nên bế tắc, tình cảm rạn nứt, không còn mặn nồng và không muốn tiếp tục sống chung với nhau.

Sự khác nhau của ly hôn và ly thân

Theo bà Thơ, căn cứ vào khái niệm ly thân và ly hôn có thể thấy sự khác nhau được thể hiện qua các tiêu chí sau:

Thứ nhất, về hậu quả pháp lý, ly thân chỉ là hình thức vợ chồng không còn chung sống với nhau trên thực tế nhưng trên phương diện pháp lý, giữa họ vẫn tồn tại quan hệ vợ chồng và được pháp luật thừa nhận. Vợ chồng ly thân vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng theo Luật hôn nhân và gia đình.

Ly hôn là hình thức làm chấm dứt quan hệ vợ chồng trên phương diện pháp lý. Quan hệ vợ chồng được chấm dứt theo quyết định, bản án của tòa án. Kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật, họ không còn là vợ chồng của nhau và không có các quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Thứ hai, thủ tục thực hiện ly thân và ly hôn, ly thân là do vợ chồng tự thỏa thuận không chung sống với nhau nữa mà không cần yêu cầu tòa án giải quyết. Sau một thời gian ly thân nếu vợ chồng còn tình cảm, muốn quay lại, vẫn có thể trở về chung với với nhau như trước.

Ly hôn là việc vợ chồng yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết. Ly hôn có hai kiểu là ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương. Ly hôn thuận tình là việc vợ chồng tự nguyện thỏa thuận được với nhau về vấn đề ly hôn, nuôi dưỡng con, chia tài sản chung và yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận đó.

Ly hôn đơn phương là một bên vợ/chồng gửi đơn ly hôn đến tòa án yêu cầu giải quyết việc ly hôn, chia tài sản chung, quyền nuôi dưỡng con.

Sau khi ly hôn, vợ chồng còn tình cảm có thể quay lại chung sống với nhau nhưng nếu họ muốn được pháp luật công nhận, phải thực hiện lại thủ tục đăng ký kết hôn.

"Tóm lại, ly thân có thể dẫn đến chuyện ly hôn và cũng có thể không bao giờ có ly hôn nếu hai bên biết nhường nhịn nhau, biết hàn gắn tình cảm gia đình" – bà Thơ nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem