Phụ nữ nông thôn gặp nhiều thách thức trong sản xuất, kinh doanh

Nguyễn Minh Hồng Thứ sáu, ngày 18/10/2019 05:30 AM (GMT+7)
Ngày 17/10, được sự hỗ trợ của Mạng lưới Phát triển nguồn nhân lực nông thôn Việt Nam (VietDHRRA), Ban thường vụ T.Ư Hội NDVN đã tổ chức Diễn đàn “Vai trò của phụ nữ nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp”. Bà Bùi Thị Thơm- Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN dự và phát biểu tại diễn đàn.
Bình luận 0

Khó khăn và thách thức

Theo báo cáo năm 2018 của Tổng cục Thống kê, mặc dù nông nghiệp chỉ đóng góp 14.56% GDP của Việt Nam, nhưng có đến 36, 53% lực lượng tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Lao động nữ cả nước là 26,54 triệu người, trong đó khoảng hơn 40% đang làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở nông thôn, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong nông nghiệp lên tới trên 60% so với trên 50% của nam giới. Con số trên thể hiện, phụ nữ là lực lượng lao động quan trọng và chủ chốt trong sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cho các hộ gia đình.

img

Phó Chủ tịch Hội NDVN - Bùi Thị Thơm phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Trần Quảng

Tuy nhiên, theo bà Hồ Thị Quý -Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), phụ nữ nông thôn Việt Nam hiện vẫn đang gặp phải nhiều rào cản, khó khăn và thách thức. Chất lượng làm việc của lao động nữ nông thôn còn thấp, tính ổn định, bền vững trong việc làm và tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội không cao. Việc đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn đã được chú trọng, nhưng loại hình đào tạo nghề dành cho phụ nữ thường là ngắn hạn, tập trung vào các kỹ năng truyền thống, đầu ra sau học nghề gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Hồ Thị Quý, khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất như đất đai, công nghệ, dịch vụ tài chính của phụ nữ nông thôn còn rất hạn chế. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đã tạo ra những bước tiến vượt bậc trong sản xuất kinh doanh, nhưng lại làm giảm đáng kể số lượng việc làm của lao động giản đơn do được máy móc thay thế, đòi hỏi lao động phải có trình độ kỹ thuật cao. Điều này đang tạo ra nhiều bất lợi cho phụ nữ nông thôn, vốn được coi là có trình độ kỹ thuật thấp.

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Hoàng Yến - quản lý chương trình Viện Phát triển Cộng đồng Ánh sáng phân tích những yếu tố tác động bên ngoài (vốn, chính sách, thiên tai, thị trường, đối thủ cạnh tranh…) và tác động bên trong (động cơ, quyết tâm, sức khỏe, trình độ, hoàn cảnh gia đình…) mà phụ nữ nông thôn Việt Nam đang chịu tác động khi sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Chủ động khẳng định bản thân

Theo báo cáo năm 2018 của Tổng cục Thống kê, mặc dù nông nghiệp chỉ đóng góp 14.56% GDP của Việt Nam, nhưng có đến 36,53% lực lượng tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Lao động nữ cả nước là 26,54 triệu người, trong đó khoảng hơn 40% đang làm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chia sẻ tại diễn đàn, chị Nguyễn Thị Dung - hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi (xã Thành Vân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) kể về những những năm tháng loay hoay tìm hướng làm giàu của gia đình trước vùng đất cằn cỗi Thạch Thành. Nhờ nỗ lực, quyết tâm, nêu cao khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng”, “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, đến nay gia đình chị đã có doanh thu hàng năm trên dưới 3,5 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư 2 tỷ đồng, lợi nhuận thu về là 1,5 tỷ đồng từ mô hình trang trại tổng hợp, kết hợp chăn nuôi, trồng trọt; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 người lao động, lao động thời vụ 40-50 người, với mức lương trung bình từ 4-5 triệu đồng/người/tháng, 180-200 ngàn đồng/người/ngày với lao động thời vụ…

Là một phụ nữ dân tộc Dao, xã Tân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, chị Lý Thị Ba luôn mong muốn học hỏi, khát vọng thoát khỏi đói nghèo. Từ năm 2011 đến nay, với vai trò là chi hội trưởng phụ nữ, tổ viên tổ hòa giải, hội viên Hội ND, chị Ba đã sắp xếp thời gian tham gia học ngành luật để có thêm kiến thức bảo vệ mình, đồng thời tư vấn, giúp đỡ hỗ trợ chị em trong thôn bản thoát khỏi nạn bạo hành gia đình, tảo hôn, hòa giải những mâu thuẫn không đáng có. Hiện nay, chị Lý Thị Ba còn là Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Tân Sơn với 11 thành viên, điều đặc biệt các thành viên đều là nữ và hoạt động khá hiệu quả.

Chị Huỳnh Thị Trang-Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi gà đồi, Hội ND xã Hoàng Hoa Thám, TP.Chí Linh, tỉnh Hải Dương kiến nghị, phụ nữ nông thôn đang đảm nhận đa phần các công việc liên quan đến sản xuất nông nghiệp nhưng họ lại ít có cơ hội tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kiến thức KHKT. Tình trạng “nữ làm, nam học” còn khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, Nhà nước, các cấp, các ngành cần ưu tiên đào tạo nghề và việc làm cho phụ nữ nông thôn...

    Sau khi lắng nghe các ý kiến tham luận, Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm nhấn mạnh: “Trong tời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế cần có tư duy, nhận thức mới, nhất là trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chúng ta không thể sản xuất theo phương pháp truyền thống. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Hội ND các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục để thấm và ngấm vào cán bộ, hội viên, nông dân, đặc biệt là hội viên nữ”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem