Phụ nữ nông thôn làm nhiều, hưởng ít

Minh Nguyệt Thứ bảy, ngày 04/03/2017 06:20 AM (GMT+7)
Việt Nam có gần 54 triệu lao động, gần 50% trong số này là lao động nữ. Hầu hết lao động nữ sống ở nông thôn làm những công việc giản đơn, vất vả, làm thì nhiều mà hưởng thì ít.
Bình luận 0

Đây là thông tin được nhiều chuyên gia chỉ ra trong Tọa đàm “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm”, tổ chức sáng 3.3.

Lao động nữ nhận lương thấp hơn

Tại buổi tọa đàm, Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTBXH) công bố một nghiên cứu nhỏ cho thấy, hầu hết lao động nữ làm việc trong những lĩnh vực có chuyên môn không cao. Cụ thể như công nhân da giày, dệt may, dịch vụ (chiếm hơn 70% tổng lao động trong các ngành này). Tỷ lệ lao động nữ khu vực phi chính thức khá cao, 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; hơn 43% lao động nữ làm công việc nông nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp ở lao động nữ cũng thấp hơn so với nam giới.

img

  Phụ nữ chủ yếu làm công việc giản đơn, có thu nhập thấp.    Ảnh:  Minh Nguyệt

Số liệu thống kê cũng cho thấy, phụ nữ làm công hưởng lương thấp hơn nam giới, trung bình là 4,58 triệu đồng so với 5,19 triệu đồng của lao động nam.

Chia sẻ với phóng viên bên lề tọa đàm, chị Đỗ Thị Lan (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, chị mới được nhận vào làm tại một xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ ở xã bên. Ngày làm 10 tiếng, tuần làm 6 ngày mà thu nhập không cao, chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Tháng nào bị trừ tiền đi muộn, sản phẩm lỗi thì tiền lương chẳng còn được bao nhiêu.

“Công việc ở xưởng suốt ngày tiếp xúc với máy pha chế nứa, bụi bặm, về nhà lại chăm sóc con, cơm nước, làm đủ thứ việc nhà. Đấy là chưa kể  suốt ngày lo làm sai, làm hỏng sản phẩm bị phạt, trừ tiền lương. Nhiều lúc thấy rất mệt mỏi” – chị Lan than thở.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thừa nhận thực tế: “Làm nhiều nhất cũng là phụ nữ, hưởng thụ ít nhất cũng là phụ nữ”. Ông Dung cho biết, tại nhiều nơi vẫn còn tình trạng coi thường và đánh giá thấp phụ nữ, nhất là ở nông thôn. Do vậy, thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ ưu tiên thực hiện các giải pháp tạo việc làm mới, phù hợp trong bối cảnh kinh tế mới giúp lao động nữ nâng cao thu nhập, nâng cao vị thế.

Phụ nữ cần thay đổi nhận thức

Bà Vương Thị Anh – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục nâng cao năng lực phụ nữ thừa nhận, phụ nữ và nhất là phụ nữ nông thôn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. “Phụ nữ đang làm nhiều và hưởng thụ quá ít. Họ không chỉ gặp khó khăn về vấn đề vật chất, mà còn khó khăn về mặt tinh thần. Bên cạnh đó, sự hạn chế của hệ thống chính sách cũng cản trở tới góc độ hưởng thụ của lao động nữ. Nhiều lao động nữ là nông dân, ở nông thôn không được chăm sóc, hưởng chế độ thai sản vì không tham gia bảo hiểm xã hội, không có bảo hiểm y tế” – bà Anh nói.

Tính đến tháng 11.2016, tổng nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm đạt trên 5.040 tỷ đồng, doanh số cho vay hàng năm từ 2.000 - 2.500 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ và giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động/năm, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 60%”.

Ông Đào Ngọc Dung –
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH

Thậm chí, có số liệu trong nghiên cứu còn chỉ ra rằng, tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp thấp hơn so với nam giới. “Nghe qua có vẻ mừng, nhưng thực tế lại ngược lại hoàn toàn. Phụ nữ ít thất nghiệp là bởi nhu cầu tìm việc cao, họ sẵn sàng tìm và làm mọi công việc, kể cả công việc không mang lại thu nhập cao, môi trường làm việc không tốt. Điều này đồng nghĩa với việc, lao động nữ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe và công việc khi làm công việc đó” – bà Anh phân tích thêm.

Chia sẻ về những nguyên nhân dẫn tới việc lao động nữ thường phải làm việc nhiều mà hưởng thụ chẳng được bao nhiêu, bà Nguyễn Thị Bích Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ nói rằng lý do chính là bởi nhiều chị em còn giữ quan điểm truyền thống. Nhiều khi chị em chỉ mải miết làm việc, chăm sóc cho gia đình mà quên đi việc chăm sóc, hưởng thụ bản thân.

“Nhiều phụ nữ chỉ lo chăm sóc chồng con mà quên mất bản thân cũng cần được chăm sóc. Chính vì vậy họ hay cam chịu, ít khi đòi hỏi, thậm chí còn bị trầm cảm chỉ vì có quá nhiều việc phải làm. Phụ nữ nên thay đổi về nhận thức, biết cách chăm sóc bản thân và hưởng thụ cũng là một cách để tạo động làm việc, tăng thu nhập. Đây cũng là cách để chị em làm nên sự bình đẳng trong gia đình và xã hội, đặc biệt là trong con mắt của chồng” – bà Vân nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem