Phú Thọ giải ngân hơn 560 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
Phú Thọ giải ngân hơn 560 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nâng cao đời sống bà con miền núi
Hoan Nguyễn
Thứ ba, ngày 05/11/2024 05:52 AM (GMT+7)
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến nay tỉnh Phú Thọ đã giải ngân hơn 560 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Phú Thọ đang từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc, miền núi.
Giải ngân đạt tỷ lệ cao, đời sống đồng bào dân tộc, miền núi ở Phú Thọ được nâng cao
Ông Hoàng Anh Nghĩa - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết, giảm nghèo là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Các chương trình, chính sách về giảm nghèo, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719) do Đảng, Nhà nước ban hành được tỉnh Phú Thọ triển khai có hiệu quả, đang từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, Phú Thọ huy động, phân bổ trên 1.736 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó ngân sách Trung ương trên 962 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 774 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương trên 215 tỷ đồng.
Tính đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Phú Thọ ước đạt 37,4 triệu đồng/người/năm (tăng 2,2 triệu đồng so với năm 2022); hộ nghèo giảm 1,3%; người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 96% (tăng gần 3% so với năm 2022)…
Đến giữa năm 2024, toàn tỉnh Phú Thọ giải ngân trên 560 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và trên 200 tỷ đồng vốn sự nghiệp (bao gồm cả vốn Trung ương và địa phương). Nguồn vốn tập trung đầu tư cho 10/10 dự án thuộc Chương trình gồm công tác đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn thiết yếu; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư...
Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Phú Thọ triển khai hỗ trợ đầu tư 204 công trình trên địa bàn, trong đó có 123 công trình giao thông, 8 công trình thủy lợi, 26 trường học, 4 công trình y tế... góp phần quan trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo ông Nghĩa, các mục tiêu cơ bản đạt so với kế hoạch đề ra, giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển đạt tỷ lệ cao; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn...
Gỡ vướng nâng chất lượng, hiệu quả chính sách dân tộc
Dù đạt được một số kết quả tích cực nhưng sau 3 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã phát sinh nhiều khó khăn tại Phú Thọ; nhiều cơ chế, chính sách và phương thức hoạt động vẫn chưa được tháo gỡ đang chờ tỉnh và bộ, ngành Trung ương gỡ vướng, khai thông.
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ, nguyên nhân là do một số dự án, tiểu dự án còn hạn chế ở khâu thực hiện, một số quy định về định mức hỗ trợ còn thấp, đối tượng quy định còn hạn chế nên chưa phủ rộng hết đối tượng địa bàn được hỗ trợ…
Điển hình, tại Dự án 1 về Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đang có một số tồn tại như: Công tác triển khai ở một số đơn vị còn chậm, một bộ phận cán bộ thực thi chính sách ở cấp xã, khu dân cư chưa nắm được cụ thể các nội dung hỗ trợ...
Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, nguồn lực của Trung ương trong việc triển khai Chương trình 1719 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động lớn tới sự phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Do đó, việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư đang là vấn đề bức thiết đối với tỉnh. Trước mắt, UBND tỉnh Phú Thọ sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với đó, Phú Thọ đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh điều chỉnh mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 2% xuống còn 1,2% để phù hợp với thực tiễn của địa phương khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025.
Tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc có phương án tháo gỡ quy định về việc thực hiện nội dung hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt liên quan đến đối tượng các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn để địa phương thực hiện.
Chính quyền tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị một số bộ, ngành (Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính...) sớm tháo gỡ các khó khăn liên quan đang tồn tại trên địa bàn tỉnh.
"Với những nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, Phú Thọ phấn đấu đến năm 2030 thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào mỗi năm giảm 2%/năm.
Tỉnh đặt mục tiêu trên 54% số xã và 50% thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường ôtô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bêtông hóa; trên 80% thôn, bản vùng dân tộc thiểu số có đường ôtô đến trung tâm được cứng hóa...", Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.