Từ năm 2018 đến nay đã có khoảng 4 lần nước sông Đà rút xuống mức thấp khiến người nuôi cá lồng trên sông bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo anh Dương Tiến Dũng, khu 5 xã Xuân Lộc, trong những ngày gần đây, nước sông Đà bỗng rút mạnh, khiến những người nuôi cá lồng ở đây lao đao.
“Nhà tôi có 17 lồng cá, từ năm 2018 đến nay đã có khoảng 4 lần nước sông Đà bị rút xuống thấp, khiến việc nuôi cá lồng bị ảnh hưởng. Nhà ít mất vài trăm triệu, nhà nhiều có thể mất nhiều tỷ đồng. Trước việc nước sông Đà xuống thấp, nhiều chủ lồng đã dừng nuôi, hạn chế tối đa số lồng hiện có, đồng thời di chuyển lồng ra khu vực nước sâu...”, anh Dũng cho biết.
Nhà ít thì mất vài trăm triệu, còn nhà nhiều có thể mất hàng tỷ đồng.
Còn theo anh Đặng Văn Luyện, trước đây nhà anh có 22 lồng cá, hiện tại đã giảm rất nhiều sau các đợt thủy điện xả lũ, phải rút bớt số lồng hiện có do cá chết nhiều, phải di chuyển nhiều lồng cá xuống khu vực nước sâu để đảm bảo chăn nuôi, chi phí tăng.
Nước rút cạn, khiến các lồng cá phải bỏ không, phơi sương, phơi nắng.
Tình trạng khan cạn nước sông Đà trong thời gian gần đây đang gây ra nhiều khó khăn cho các hộ nuôi cá lồng trên sông Đà, địa bàn huyện Thanh Thủy nói chung và xã Xuân Lộc nói riêng; khiến cho chi phí chăn nuôi tăng, sản lượng cá giảm, nhiều hộ có nguy cơ “cụt vốn” và không tái đàn, cần được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đơn vị liên quan về kinh phí, vốn vay và kỹ thuật ứng phó với tình trạng này kéo dài…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.