Phú Thọ: Trước nghèo rớt mồng tơi, nay dân xã này đổi đời nhờ thứ cây ra quả có bán rẻ cũng vẫn lãi

Việt Hoàng - Tuấn Trung Thứ năm, ngày 31/12/2020 06:25 AM (GMT+7)
Nhận thấy cây bưởi Diễn phát triển tốt, cho chất lượng và thu nhập cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, UBND huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã chủ trương nhân rộng mô hình và biến cây này trở thành cây chủ lực của địa phương.
Bình luận 0

Tất Thắng là một xã khó khăn thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, đời sống kinh tế của bà con chỉ xoay quanh chăn nuôi gà, vịt, trồng lúa... Do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu bất lợi, cộng thêm việc đường sá đi lại còn nhiều cản trở nên cuộc sống của bà con khó càng thêm khó.

Bất ngờ phát hiện bưởi "siêu ngon" và kế hoạch trồng 1.000ha, xây cả nhà máy nước ép ở huyện Thanh Sơn - Ảnh 1.

Nhận thấy bưởi Diễn phát triển tốt, cho chất lượng cao nên huyện Thanh Sơn đã chú trọng phát triển mô hình để cây này trở thành cây chủ lực ở địa phương

Với bản tính chịu thương chịu khó, ham học hỏi nên người dân ở đây bủa đi khắp nơi tìm tòi những mô hình nông nghiệp hay, phù hợp với điều kiện địa phương, mang về truyền dạy lại cho bà con để sớm thoát khỏi các nghèo, cái khổ.

Từ năm 2016, khi huyện Thanh Sơn triển khai dự án trồng cây bưởi Diễn trên địa bàn các xã khó khăn, Tất Thắng là một trong những nơi đầu tiên đưa vào thực tiễn.

Bất ngờ phát hiện bưởi "siêu ngon" và kế hoạch trồng 1.000ha, xây cả nhà máy nước ép ở huyện Thanh Sơn - Ảnh 2.

Tất Thắng là xã đầu tiên trồng thử nghiệm giống bưởi Diễn và cho kết quả bất ngờ

Ông Lã Thành Lâm, Chủ tịch Hội nông dân xã Tất Thắng cho biết, trước đây, ông lặn lội khắp các vùng xem đâu có mô hình hay, phát triển được ở vùng đất đồi khô cằn như Thanh Sơn là đem về áp dụng. Tuy nhiên hiệu quả không như mong đợi.

"Đến với cây bưởi Diễn, tôi vừa vui cũng vừa lo lắng. Vui vì người dân sẽ được nhà nước quan tâm, hỗ trợ sát sao hơn, nhưng lo không biết cây bưởi có hợp vùng đất cát sỏi này không. Những ngày đầu đi tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi mô hình từ làm nông sang trồng cây ăn quả cũng rất vất vả, mình sợ 1 thì người ta sợ 10 vì đằng sau họ còn cả gia đình", ông Lâm chia sẻ.

Cũng theo ông Lâm, nhờ Viện nông nghiệp, các cán bộ khuyến nông tỉnh Phú Thọ, huyện Thanh Sơn đào tạo, hướng dẫn người dân trồng, phòng trừ sâu bệnh nên mọi thứ đều đi đúng hướng. Ngay năm đầu tiên trồng bưởi Diễn, bà con đã bội thu, có hộ trồng chỉ 0,5ha nhưng lợi nhuận lên đến 186 triệu đồng.

4 năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên người trồng bưởi luôn có thu nhập cao hơn so với trồng giống cây khác. Các hộ gia đình từ đó kinh tế ổn định hơn, con cái được học hành đầy đủ, nhà cửa xây sửa lại khang trang.

Bất ngờ phát hiện bưởi "siêu ngon" và kế hoạch trồng 1.000ha, xây cả nhà máy nước ép ở huyện Thanh Sơn - Ảnh 3.

Bất ngờ phát hiện bưởi "siêu ngon" và kế hoạch trồng 1.000ha, xây cả nhà máy nước ép ở huyện Thanh Sơn - Ảnh 4.

Từ những nụ hoa, cho ra những quả bưởi có chất lượng cao

Ông Nguyễn Ngọc Quý (khu 15, xóm Ấp, xã Tất Thắng) là một trong những hộ nông dân tiêu biểu trồng bưởi có thâm niên. Ông hào hứng chia sẻ về hành trình làm giàu của mình: "Nhà tôi trồng bưởi đến nay là sang năm thứ 10 rồi. Trước đây tôi cũng mang giống bưởi Diễn về trồng mấy chục gốc nhưng kinh nghiệm chăm sóc không có nên quả bé, múi mỏng, mẫu mã xấu nên thu về chả bao nhiêu".

Cũng theo ông Qúy, giống bưởi đem trồng đều được lựa chọn, kiểm tra đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn và được thực hiện bằng phương pháp ghép mắt từ cây đầu dòng đã được tuyển chọn theo quy trình kỹ thuật của Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây có múi (thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả).

Thời điểm này sắp hết mùa, cũng là lúc phải làm đất, tỉa cây để chuẩn bị vụ năm sau. Đầu tiên phải tỉa hết những mầm hoa "vô lý" mọc rải rác trên cành cây, chỉ để lại mầm hoa đầu cành, tránh sau này mọc lá rậm rạp quả không phát triển được. Sau đó là đến làm cỏ quanh gốc, làm rãnh xung quanh, đổ vôi bột tránh bị thối rữa, tiếp theo bón các loại phân chuồng, phân NPK... là hoàn thành.

Theo ông Qúy, với giá bưởi Diễn hiện nay dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/quả, trung bình mỗi năm ông thu không dưới trăm triệu. Người dân chỉ ngồi ở nhà, thương lái người nọ mách người kia tự tìm đến mua, nhiều lúc không có mà bán.

"Bưởi Diễn Thanh Sơn tuy trồng trên đất đồi khô cằn nhưng chất lượng không thua kém bất cứ đâu. Khi chín, vỏ bưởi màu vàng tươi, múi mọng, róc vỏ, nếu được đầu tư thì không thua kém với bưởi Đoan Hùng", ông Qúy tự tin.

Bất ngờ phát hiện bưởi "siêu ngon" và kế hoạch trồng 1.000ha, xây cả nhà máy nước ép ở huyện Thanh Sơn - Ảnh 5.

Trên trồng bưởi Diễn, dưới nuôi gà, vừa có phân để bón, đỡ mất công phát cỏ, lại cho thêm một khoản thu nhập lớn

Trao đổi với Dân Việt, ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng phòng NNPTNT huyện Thanh Sơn, ông cho biết: "Sau những thành công bước đầu từ việc triển khai mô hình bưởi Diễn trên địa bàn huyện, chúng tôi rất phấn khởi và được tỉnh quan tâm sát sao. Do đó, giai đoạn 2020 - 2025, cây bưởi được định hướng là cây trồng chủ lực".

Cũng theo ông Mạnh, đích thân Bí thư và Chủ tịch tỉnh Phú Thọ chỉ đạo Thanh Sơn là 1 trong 3 huyện trồng bưởi tập trung trọng điểm của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Thanh Sơn sẽ mở rộng diện tích thành các vùng trồng bưởi tập trung và trọng điểm tại 6 xã: Tất Thắng, Cự Thắng, Thục Luyện, Tân Lập, Tân Minh, Văn Miếu.

Nhận thấy bưởi phát triển tốt, chất lượng, mang lại thu nhập cao, lại được sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật... nên người dân ở huyện Thanh Sơn đã dần chuyển dịch sang trồng bưởi Diễn.

Đến nay, toàn huyện Thanh Sơn đã trồng được hơn 580ha, đến năm 2025, diện tích trồng bưởi phấn đấu lên trên 1.000ha. Đặc biệt, theo định hướng của tỉnh Phú Thọ, một vài năm tới, tại huyện Thanh Sơn sẽ xây dựng nhà máy làm nước ép để tăng thu nhập cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem