Theo dự kiến, hôm nay (28.1), TAND TP.HCM sẽ đưa vụ án anh Trần Văn Hiền bị đánh chết sau khi cự cãi với CSGT trên đường Lê Trọng Tấn, phường Tân Kỳ, quận Tân Phú (TP.HCM) ra xử phúc thẩm. Hai người đánh chết anh Hiền là Lê Thanh Bằng và Võ Văn Tòng. Bằng đã bị TAND quận Tân Phú xử phạt 12 năm tù, Tòng bị bốn năm tù, cùng về tội cố ý gây thương tích.
Theo cáo trạng, khoảng 9h tối 9.4.2013, sau khi nhậu xong, anh Hiền chạy xe máy rẽ trái qua bên kia đường Lê Trọng Tấn (trước bãi xe Thanh Bằng, 512 Lê Trọng Tấn, của bị cáo Bằng) thì bị tổ CSGT Công an quận Tân Phú chặn lại kiểm tra nồng độ cồn. CSGT lập biên bản tạm giữ xe do hơi thở của anh Hiền có nồng độ cồn vượt quá quy định. Anh Hiền đưa tiền xin được bỏ qua nhưng CSGT từ chối, từ đó dẫn đến cự cãi. Sau đó anh Hiền đón xe ôm đi về.
Bị cáo Lê Thanh Bằng (đứng) và bị cáo Võ Văn Tòng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: H.T.D
Cáo trạng nói rằng lúc này Bằng và Tòng thấy sự việc nên lấy xe máy đuổi theo. Được khoảng 500m thì hai bị cáo đuổi kịp, chặn đầu xe ôm chở anh Hiền. Bằng dùng tay đánh vào mặt anh Hiền ba cái làm anh Hiền té xuống đường và tử vong sau đó.
Theo kết quả giám định, anh Hiền tử vong do chấn thương sọ não. Khi biết tin, hai bị cáo Bằng và Tòng đã ra công an đầu thú.
Vụ án này TAND quận Tân Phú từng đưa ra xét xử vào tháng 12.2013 nhưng tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số tình tiết. Đó là cơ quan điều tra (CQĐT) đã không thu giữ chiếc điện thoại của Bằng và Tòng sử dụng vào buổi tối gây án để trích xuất nhật ký nội dung tin nhắn và cuộc gọi nhằm làm rõ những ai đã gọi cho Bằng và Tòng; mối quan hệ giữa hai bị cáo và CSGT Công an quận Tân Phú; liệu có ai gọi điện thoại “chỉ đạo” Bằng và Tòng đi đánh anh Hiền hay không…
Kết quả điều tra bổ sung kết luận: Tại thời điểm xảy ra sự việc có dày đặc các cuộc gọi và tin nhắn đến số điện thoại của hai bị cáo nhưng không xác định danh tính các chủ thuê bao. Đồng thời, nội dung tin nhắn và hội thoại vào điện thoại hai bị cáo nhà mạng đã không còn lưu trữ.
Dư luận đặt câu hỏi tại sao ngay từ đầu CQĐT đã không trích xuất nội dung tin nhắn và cuộc gọi đến và đi từ điện thoại của hai bị cáo. Bởi về mặt kỹ thuật, điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay của CQĐT và nhà mạng. Đến khi cần trích xuất thì mọi chuyện đã quá muộn, nhà mạng đã không còn lưu trữ…
(Theo Hồng Tú/Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.