Phút nhân ái của “người thứ ba”

Thứ bảy, ngày 27/07/2013 07:11 AM (GMT+7)
Xưa nay, trong xã hội “người thứ ba” thường hay bị lên án là người nhẫn tâm đi giựt chồng/vợ, phá hoại gia đình người khác. Trong tiểu thuyết hay trên sân khấu họ là nhân vật phản diện tượng trưng cho cái xấu, cái ác.
Bình luận 0
Nhưng câu chuyện sắp được kể ra đây sẽ cho chúng ta một cái nhìn khác về “người thứ ba”. “Nhân chi sơ tính bổn thiện” - con người ta sinh ra vốn tính lành - mà cuộc đời lại là một vòng xoáy nghiệt ngã. Đôi khi cái thiện bị che khuất do những toan tính đời thường, nhưng nó không bao giờ mất đi nếu như mỗi chúng ta biết thức tỉnh đúng lúc.

Nam được sinh ra và lớn lên trên dãy đất miền Trung nắng gió khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi. Chứng kiến cái nghèo hằn trên mái tóc xác xơ của cha và đôi tay khô héo của mẹ, Nam quyết tâm phải học thật giỏi, phải đổi đời bằng chính tri thức của mình. Năm 1984, tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc, anh dễ dàng có được chỗ đứng trong một doanh nghiệp nhà nước danh giá.

Con đường sự nghiệp mở ra thênh thang, anh cứ thế guồng chân mà chạy, có khi đến vài ba năm mới về thăm gia đình một lần. Không những ba mẹ anh chị em mà cả họ hàng ở quê cũng dần có cuộc sống sung túc nhờ sự giúp đỡ của Nam. Chừng ngoảnh lại đã gần bốn mươi, anh vẫn không nhớ là mình chưa từng có một mối tình vắt vai. Mẹ anh cứ hối thúc mãi, anh đánh liều nhờ mẹ coi ngoài quê có cô nào ưng ý thì chọn giùm. Rốt cuộc một đám cưới cũng được diễn ra vào năm 1998.

Người vợ mà mẹ Nam chọn cho anh là một cô giáo mới ra trường nhà ở cùng xóm, nhỏ hơn anh gần hai mươi tuổi, tên Linh. Nam rời quê lúc Linh chỉ mới biết đi lẫm chẫm. Sau này lớn lên, loáng thoáng đôi lần thấy Nam về quê thăm nhà, Linh cũng không có ấn tượng gì nhiều. Trong suốt bốn tháng “tìm hiểu”, Linh chỉ nhận được từ Nam vỏn vẹn một lá thư, ngoài những câu hỏi thăm sức khoẻ, gia đình, Nam tóm lại một câu rất “hành chính”: “Anh đã lớn tuổi, không còn nhiều thời gian để nghĩ đến chuyện yêu đương.

Nếu em đồng ý làm vợ anh thì mẹ anh sẽ qua nhà nói chuyện và sau đó anh sẽ về tổ chức đám cưới”. Linh nghĩ, dẫu sao đó cũng là một người đàn ông thành đạt, có tiền của, địa vị, hơn nữa hai nhà ở cùng xóm, biết rõ gốc gác gia đình nên Linh bằng lòng. Dẫu rằng lúc đó cô giáo tương lai cũng đang có vài anh chàng để ý và theo đuổi.

Sau đám cưới chóng vánh, Linh theo chồng vào Sài Gòn sinh sống. Ngôi nhà khang trang trong một khu dân cư yên tĩnh là tổ ấm mà họ trở về sau tuần trăng mật trên thành phố cao nguyên lộng gió. Lập gia đình, với Nam, là một nghĩa vụ và anh luôn luôn hoàn thành nghĩa vụ của mình một cách hoàn hảo, không hề có một sơ hở để có thể chê trách. Cuộc sống với Nam là một chuỗi kế hoạch mà trong từng thời điểm anh cân nhắc vạch ra và kỳ công thực hiện một cách nghiêm túc.

Dần dần Linh nhận ra giữa nàng và Nam có một khoảng cách thế hệ rõ rệt. Lối sống, tính cách sở thích của hai người đều khác biệt nhau. Trong khi anh luôn chỉn chu nghiêm túc thì nàng lại có một chút phá cách cầu kỳ. Anh tỏ ra khó chịu khi nàng mê đọc loại tiểu thuyết diễm tình, xem phim Hàn Quốc và nghe nhạc sến, thì nàng lại không cảm thụ nổi các tác phẩm được gọi là kinh điển mà anh say sưa thưởng thức. Mỗi lần đi du lịch, nàng thích chỗ đông người với những cuộc vui sôi động anh lại chọn không gian yên tĩnh để nghiền ngẫm. Đi siêu thị mua sắm, anh cũng ấn định thời gian chỉ đủ để đến nơi, mua và về…
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Kết cuộc bao giờ nàng cũng phải ngoan ngoãn nghe lời anh như cô con gái nghe lời ông bố khó tính. Trong con mắt anh, nàng là một đứa trẻ cần được dạy bảo để hoàn thiện, và quan trọng hơn, nàng phải thay đổi cách nghĩ, cách sinh hoạt sao cho giống như mình. Linh luôn tôn trọng, ngưỡng mộ kể cả mang ơn Nam vì anh đã mang đến cho nàng và cả gia đình nàng ở quê một cuộc sống sung túc. Nhưng nàng vẫn luôn cảm thấy bất an, thấy cô đơn buồn bã trong cái cuộc sống lúc nào cũng tròn trịa đến nhẵn nhụi kia.

Một năm sau, con gái đầu lòng ra đời, năm đó anh đã bốn mươi tuổi. Anh chuẩn bị lập công ty riêng và suốt ngày quần quật với những công việc không tên. Lý do mà anh đưa ra thật chính đáng là để làm nền tảng cho con gái trong tương lai. Tiếp theo là những ngày dài Nam thường xuyên đi công tác xa nhà. Nỗi cô đơn trong Linh trở thành nỗi ám ảnh bủa vây, càng cố vùng vẫy nàng càng bị nó bám riết. May mà còn có công việc và lũ học trò làm nguồn an ủi.

Cách đây ba năm, do yêu cầu công việc, Linh được cử đi học một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. Anh lớp trưởng (đồng nghiệp) tên Thiện lớn hơn Linh hai tuổi, cao to, đẹp trai, trẻ trung, năng động. Thiện mới chia tay với người yêu sắp cưới sau 5 năm sánh bước vì nàng phải theo gia đình đi nước ngoài. Ngay lần gặp và nói chuyện đầu tiên, Thiện đã làm cho Linh xao xuyến, bồi hồi. Đặc biệt là anh lại rất hay cười và có khiếu gây cười cho mọi người bằng những câu chuyện dí dỏm, hài hước. Ngược lại, đôi mắt thẳm sâu buồn và gương mặt xinh xắn đằng sau cái vẻ rụt rè ít nói của Linh cũng lập tức đánh gục Thiện.

Chuyện gì đến đã đến. Khóa học kết thúc cũng là lúc hai người họ đã mặn nồng sâu đậm với những cảm xúc mới mẻ của một mối tình ngoài chồng ngoài vợ. Lúc đầu là những tin nhắn nồng nàn tình cảm, những nụ hồng tươi thắm mỗi khi có dịp. Chỉ vài tuần sau đó, những cuộc ái ân với đầy đủ cung bậc cảm xúc đã trở thành một thứ ma túy thiêu đốt tâm hồn họ. Họ lao vào cuộc tình tội lỗi ấy như con thiêu thân lao vào một ngọn đèn sáng.

Nhưng giấy không gói được lửa, câu chuyện rồi cũng đến tai các đồng nghiệp trong trường. Mọi người bóng gió xa xôi, Linh mặc kệ… Có điều Linh không thể ngờ, là cô con gái mười một tuổi của nàng cũng mang máng hiểu chuyện. Lần đầu tiên, nó thấy mẹ dám trả treo với ba câu gì đó và hai người cãi nhau dữ dội. Con bé sợ quá, trùm chăn run rẩy. Nàng ôm con thút thít, mong tìm thấy sự an ủi. Không ngờ con bé xô mẹ ra, giận dỗi: “Tại mẹ, tại mẹ hết. Tại mẹ làm ba tức giận, mẹ xin lỗi ba đi”. Nói rồi nó rấm rứt khóc. Linh trố mắt nhìn con. Như một người có tật giật mình. Không lẽ con bé đã biết chuyện. Ý nghĩ ấy làm nàng bủn rủn…

Sau bữa đó, rất nhiều lần nàng có ý định sẽ thoát ra khỏi cuộc tình nông nổi ấy. Nhưng cứ độ vài hôm không gặp Thiện là Linh lại quay quắt nhớ như điên cuồng, không thể làm được việc gì. Thế là nàng buông xuôi. Thiện bắt đầu nhận ra sự mâu thuẫn đang giằng xé trong Linh. Trước đây, Thiện yêu nàng vì thấu hiểu được hoàn cảnh đáng thương mà nàng buột phải hứng chịu. Nay, Thiện tội nghiệp nàng vì cuộc sống bất an mà trong đó có anh góp phần gây ra.
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Một đêm, thấy bứt rứt khó ngủ, nhớ lại thái độ bồn chồn, thẫn thờ, có lúc im lặng ra vẻ hối hận của Linh ban chiều, Thiện đâm ra lo lắng. Sau một lúc đắn đo, anh gọi vào di động cho Linh, máy không liên lạc được. Càng sốt ruột, Thiện đánh liều gọi vào máy bàn. Bên kia đầu dây, con gái Linh giọng còn ướt nước: “Ba má con từ chập tối đến giờ cãi nhau ở trong phòng, không trả lời máy cho chú được đâu. Điện thoại mẹ bị ba quăng vô hồ cá rồi”.

Thiện cố gắng đánh lừa bằng cách giả vờ gọi cho mẹ cô bé để trao đổi công việc của trường. Nhưng Thiện không ngờ cô bé đã nhận ra giọng nói của mình: “Con biết chú, chú thường gọi cho mẹ con những lúc ba con không có ở nhà, mẹ con đã nhiều lần vào phòng nói chuyện điện thoại với chú hàng tiếng đồng hồ. Nhiều lần như thế ba con gọi vào máy mẹ không được thì y như rằng sau đó là cuộc cãi vã kéo dài nhiều ngày. Chú đừng tìm mẹ con nữa được không chú!”. Thiện cố nghe những lời nói của đứa trẻ ở đầu dây bên kia và giải thích nhẹ nhàng sau đó tắt điện thoại và nằm thẫn thờ cả đêm.

Thật ra, Linh không phải là người phụ nữ đa tình dễ dãi, càng không phải là loại đàn bà trắc nết. Nàng đến với Thiện cũng không hoàn toàn vì tình dục mà đơn giản chỉ vì sự cảm thông, chia sẻ của người đàn ông cùng trang lứa. Việc nàng lấy chồng vội vã, không xuất phát từ tình yêu cùng với sự chênh lệch tuổi tác đã đẩy nàng vào bi kịch. Anh biết, anh mới chính là tình yêu của nàng - mối tình đầu muộn màng và ngang trái. Nhiều khi Thiện cũng tự hỏi mình có thật sự yêu Linh hay không? Anh nhận ra cho đến thời điểm này, trong trái tim anh, Linh đã có một vị trí nhất định.

Nhưng bây giờ điều đó có nghĩa gì khi gia đình nàng đang đe dọa đổ vỡ kéo theo bao số phận lao đao khốn khổ, trong đó có hai đứa trẻ, con của Linh... Nhưng xét cho cùng, cuộc tình tội lỗi này cũng không đi được đến đích vì Thiện không thể cưới Linh làm vợ. Nhiều ngày sau đó anh thẫn thờ như một người vừa thoát ra cơn ác mộng kinh hoàng. Anh biết mình phải can đảm đối diện với sự thật. Anh quyết định sẽ nói lời chia tay. Thiện sẽ rất buồn nếu phải xa Linh nhưng điều anh lo lắng hơn là làm sao để nàng ít bị tổn thương nhất. Làm sao để Linh hiểu và chấp nhận lời đề nghị của anh một cách nhẹ nhàng nhất. May mà Linh là một người biết nghe lý lẽ. Tất cả không phải dễ dàng nhưng cuối cùng cũng trôi qua một cách bình yên.

Giờ đây, mỗi người họ đang có một cuộc sống hạnh phúc với gia đình riêng của mình. Linh đã sinh thêm một bé trai. Thiện đã lập gia đình và sắp có em bé. Tôi kể lại câu chuyện này để tự răn mình và để chia sẻ với mọi người: Ranh giới giữa cái thiện và cái ác thật mỏng manh, đôi khi chỉ cần một chút bất cẩn là chúng ta có thể vấp ngã. Nhưng kể cả khi chúng ta lỡ vấp ngã mà biết dừng lại đúng lúc, biết tự mình đứng lên, hành động ấy cũng thật đáng trân trọng. Xin cảm ơn phút nhân ái của “người thứ ba”.
Cát Tường (Dòng Đời) (Cát Tường (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem