PTSC: Cần hành lang pháp lý để phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi

Phuong Vy Thứ năm, ngày 16/11/2023 11:30 AM (GMT+7)
Cần thiết có hành lang pháp lý hoàn chỉnh, rõ ràng để kích hoạt phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK) là mong mỏi của nhiều nhà đầu tư, trong đó có Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).
Bình luận 0

Hiện nay, PTSC đã cung cấp hoàn chỉnh chuỗi dịch vụ cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn. Vài năm gần đây, trên cơ sở phát huy các dịch vụ cốt lõi của mình, PTSC đã tham gia mạnh mẽ chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK)...

PTSC: Cần hành lang pháp lý để phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi - Ảnh 1.

Một góc cảng Dịch vụ Dầu khí PTSC, nơi đang chế tạo các cấu kiện chân đế điện gió ngoài khơi theo hợp đồng ký kết với đối tác Đài Loan (Trung Quốc).

PTSC hiện đã trở thành nhà thầu cung cấp hầu hết các công đoạn dịch vụ cho các dự án NLTTNK, bao gồm công tác khảo sát, thiết kế, mua sắm, thi công chế tạo, vận chuyển, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa.

PTSC với vai trò nhà thầu, đã trúng thầu hơn 10 dự án điện gió ngoài khơi ĐGNK với tổng công suất phát điện là 5,2GW, tổng giá trị hợp đồng hơn 1,2 tỷ USD, 100% là các dự án xuất khẩu, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho hơn 4.000 người lao động.

Tháng 5/2023 vừa qua, PTSC đã ký kết hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi cho dự án CHW2204 tại Đài Loan (Trung Quốc). Theo thỏa thuận trong Hợp đồng, PTSC sẽ sản xuất 33 kết cấu móng chân đế hút chân không (suction bucket) cho tuabin. Các kết cấu móng trụ tuabin này sẽ được lắp đặt tại trang trại điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4 vào cuối năm 2025.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực rất mới là NLTTNK. Việc trúng thầu và thực hiện hợp đồng này, ngoài việc tạo ra bước ngoặt lịch sử cho PTSC trong việc phát triển dịch vụ mới còn là lần đầu tiên ghi tên Việt Nam trên bản đồ NLTTNK thế giới, sẽ còn tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần hình thành chuỗi cung ứng cho ngành NLTTNK tại Việt Nam...

Đặc biệt, PTSC và Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU – Singapore) hiện đang triển khai các bước đầu tiên trong việc hợp tác đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với công suất ban đầu dự kiến khoảng 2,3 GW và xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore qua đường cáp ngầm cao thế dưới biển…

Dự án này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam trao Quyết định về việc chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển (giấy phép khảo sát) cho PTSC. Đồng thời, đối tác SCU của PTSC được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore trao Ý định thư chấp thuận dự án này.

Sau khi nhận được giấy phép, Liên danh PTSC - Sembcorp sẽ triển khai các công tác đo gió, khảo sát biển và địa chất tại một số khu vực ngoài khơi vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm thu thập các dữ liệu cần thiết để triển khai công tác đầu tư, phát triển dự án.

PTSC: Cần hành lang pháp lý để phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi - Ảnh 3.

Đại diện PTSC giới thiệu với các nhà báo về dự án điện gió mà PTSC đang triển khai.

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc PTSC cho biết, khi các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý, sớm phê duyệt và cho phép được tiến hành khảo sát, sử dụng khai thác vùng biển và xuất khẩu điện thì PTSC sẽ sớm khởi động dự án để có thể có dòng điện thương mại vào năm 2030.

Với hơn 3.200 km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng phát triển NLTTNK lớn nhất khu vực Đông Nam Á, lên tới 599 GW. Phát triển NLTTNK, Việt Nam có thể kết hợp các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, công nghiệp hóa với phát thải carbon thấp hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

PTSC: Cần hành lang pháp lý để phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi - Ảnh 4.

Công trường chế tạo chân đế điện gió tại cảng PTSC.

Chia sẻ trong buổi làm việc với báo chí ngày 10/11, ông Lê Mạnh Cường khẳng định, để thích ứng với xu thế chuyển dịch năng lượng và thực hiện theo cam kết Net zero vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam, PTSC đã và đang chủ động tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng dịch vụ cũng như sẵn sàng cho các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực NLTTNK. Năm 2021, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của PTSC đã phê duyệt bổ sung năng lượng tái tạo trở thành lĩnh vực kinh doanh thứ 8 của PTSC, sau 7 lĩnh vực kinh doanh truyền thống; và tháng 5/2023 PTSC đã phê duyệt triển khai chương trình hành động xanh.

Ông Lê Mạnh Cường nhận định, "đối với việc hình thành chuỗi cung ứng, nếu chúng ta là người đi đầu thiết lập hạ tầng để phục vụ cho ngành NLTTNK thì sẽ có nhiều cơ hội, chiếm lợi thế và trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ năng lượng gió ngoài khơi cho khu vực và thế giới, đồng thời hỗ trợ rất lớn cho việc hiện thực hóa các mục tiêu đầu tư và phát triển các dự án NLTTNK tại Việt Nam".

Nội dung Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Tuy nhiên, đây vẫn là câu chuyện dài khi nhiều rào cản còn ở phía trước và khó khăn lớn nhất đối với lĩnh vực NLTTNK là phải xây dựng được hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ... để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng có thể triển khai công việc thuận lợi.

PTSC: Cần hành lang pháp lý để phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi - Ảnh 6.

Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường chia sẻ với các nhà báo về hoạt động của Tổng công ty.

Ông Lê Mạnh Cường nhận định rằng, một quốc gia muốn chuyển dịch năng lượng thành công thì doanh nghiệp nhà nước mạnh như Petrovietnam phải chuyển dịch năng lượng thành công, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: "Với vai trò tập đoàn kinh tế, năng lượng hàng đầu của đất nước, Petrovietnam phải là doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt ngành công nghiệp năng lượng tái tạo".

Với tình hình hiện nay, Petrovietnam, PTSC nói riêng và các doanh nghiệp, nhà đầu tư nói chung cần có một hành lang pháp lý đủ "rộng", đủ "thoáng" để có thể chủ động xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển NLTTNK và năng lượng Hydro, cũng như đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án NLTTNK thử nghiệm, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước làm chủ công nghệ, có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới, nắm bắt tốt các cơ hội "vàng" trong lĩnh vực năng lượng mới.

"Với truyền thống chinh phục những thử thách cùng khát khao vươn lên, chúng tôi tin tưởng rằng bên cạnh lĩnh vực dịch vụ dầu khí truyền thống, mảng NLTTNK sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới cho PTSC theo đúng tinh thần "Trọn giải pháp - Vẹn niềm tin", Tổng giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường bày tỏ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem