PTT Trương Hòa Bình: Khai thác nước ngầm quá mức gây ô nhiễm, xâm thực

Trần Đáng-Hồ Văn Thứ ba, ngày 18/06/2019 16:24 PM (GMT+7)
Chiều 18/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính Phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Bình luận 0

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 120. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đến dự còn có Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thành Mẫn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, khách quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá cao việc 2 Bộ TNMT và Bộ NNPTNT tổ chức tốt 4 diễn đàn chuyên đề trong sáng 18/6, gồm: Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL và diễn đàn Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút đầu tư cho vùng ĐBSCL.

img

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình: "Thủy điện làm biến đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa". Ảnh: H.V

Theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt là BĐKH, nước biển dâng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó việc phát triển các đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.

Việc phát triển kinh tế với cường độ cao ở các địa phương trong vùng gây ra nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề cùng với việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở.

“Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng chiều nay trình bày tập trung vào tồn tại hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp về BĐKH và phát triển bền vững cho ĐBSCL. Dành thời gian cho các chuyên gia, khách quốc tế, doanh nghiệp phát biểu ý kiến, nhất là đánh giá thực trạng tình hình và các nhiệm vụ giải pháp thích ứng với BĐKH”, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu.

Theo Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà, cái lớn nhất là cơ chế chính sách tập trung phát triển nông nghiệp hiện đại và cụ thể hoá các cơ chế đó; thúc đẩy liên kết vùng, liên kết  nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà nông…; sản xuất nông nghiệp phải giảm lúa, tăng trái cây, thúc đẩy nông sản chế biến… Đồng thời, tìm đường xuất khẩu vào các thị trường khó tính, ;ồng ghép cơ chế chính sách với mô hình tăng trưởng, hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực ĐBSCL.

img

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: H.V

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tổng thể quy hoạch tầm nhìn xây dựng khu vực đến năm 2030, năm 2050. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta thực hiện các quy hoạch, chính sách cho khu vực ĐBSCL phát triển bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, cần có cơ chế điều phối liên kết vùng, tập trung và tạo điều kiện bố trí vốn, thu hút vốn đầu tư cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tổn thương lớn nhất của BĐKH và vùng ĐBSCL là vùng chịu tổn thương lớn nhất, chịu tác động trực tiếp của BĐKH. Ứng phó BĐKH, phát triển bền vững không những cấp bách mà còn là chiến lược. Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ thể hiện tầm nhìn mới, chiến lược mới, quy hoạch tổng thể… nhằm giúp khu vực ĐBSCL thích ứng với BĐKH. “Tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với BĐKH sau 2 năm triển khai, kết quả nổi bật rõ nhất là sự chuyển biến nhận thức đồng bộ. Từ đó kết quả đạt được không chỉ về mặt kinh tế mà còn là sự chủ động của các địa phương và người dân trong việc ứng phó và thích ứng với BĐKH”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem