Trả lời báo Dân Việt chiều 10.10, ông Đỗ Việt Phương – Phó trưởng Phòng Tổng hợp kiêm Thư ký Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, thông tin về bằng đại học của ông Trịnh Xuân Thanh hiện vẫn chưa tìm thấy.
“Do đặc thù là tư liệu đã lâu, hơn 20 năm rồi, nên chúng tôi phải lên Trung tâm Lưu trữ quốc gia (thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – NV) để tìm lại sau khi có yêu cầu từ báo. Hiện tôi đã trao đổi với lãnh đạo nhà trường để sớm có thông tin cung cấp cho phóng viên. Bản thân tôi không phải là người làm việc này nên chưa thể đưa ra được yêu cầu của báo. Nếu thông tin mới gần đây thì tìm trong hồ sơ là ra ngay” - ông Phương nói.
Trả lời câu hỏi vì sao thông tin quá trình cấp bằng đại học của chính nhà trường mà trường lại không lưu, phải lên Trung tâm lưu trữ Quốc gia, ông Phương cho biết: “Tôi không làm lĩnh vực đào tạo nhưng theo tôi hiểu, cách đây 20 năm hệ thống lưu trữ của chúng ta không như bây giờ”.
Ông Trịnh Xuân Thanh có nhiều dấu hiệu mập mờ trong bằng cấp.
Ông Phương cũng nói thêm, đại diện Phòng Thông tin - Truyền thông (Bộ Xây dựng) sau khi có thông tin từ báo chí đã trực tiếp xuống rà soát, nhưng nhà trường đã khẳng định là chưa có kết quả.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương - Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông (Bộ Xây dựng) cho biết, vấn đề này thuộc thẩm quyền của trường ĐH Kiến trúc, lãnh đạo Văn phòng của Bộ Xây dựng và Phòng Thông tin - Tuyên truyền đã làm việc với bên trường rồi nên phóng viên cứ liên hệ với nhà trường.
“Nhà trường phải rà soát, có thể do thủ tục hồ sơ nhiều năm nên phải rà soát lại hơi lâu. Hôm trước tôi đã làm việc trực tiếp với anh Quân (Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội - PV) và nhà trường đã đảm bảo sẽ trả lời đúng quy trình và thời hạn cho báo chí” - bà Hương khẳng định.
Trước đó, với băn khoăn của dư luận về việc trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có cấp bằng Đại học chính quy sai quy trình cho bị can Trịnh Xuân Thanh (người đang bị công an Việt Nam truy nã quốc tế-PV), ngày 20.9, nhằm xác minh cụ thể sự việc, Dân Việt đã liên hệ làm việc với trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Ông Đỗ Việt Phương – Phó trưởng Phòng Tổng hợp kiêm Thư ký Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã báo cáo lãnh đạo nhà trường nhưng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội vẫn tìm cách thoái thác, không cung cấp thông tin và giải thích là phải xin ý kiến Bộ Xây dựng mới được quyền phát ngôn.
Ngay sau đó, Dân Việt đã gửi công văn sang Bộ Xây dựng và trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông (Bộ Xây dựng). Bà Hương cũng khẳng định đã cùng với lãnh đạo Đại học Kiến trúc rà soát lại toàn bộ thông tin và thực tế, ông Trịnh Xuân Thanh được cấp bằng năm 1993 chứ không phải 2003.
“Cái này có đầy đủ hồ sơ chứ không có gì khuất tất cả. Trong trường hợp này, các anh ấy rất máy móc (trường Đại học Kiến trúc – PV). Quy chế phát ngôn của Bộ là căn cứ theo Quy chế phát ngôn của Chính phủ, nhưng đây là vấn đề của trường chứ không phải vấn đề của Bộ. Trường đã hiểu sai về Quy chế phát ngôn của Bộ”, bà Hương cho biết.
Bà Hương cũng khẳng định, ngay chiều 29.9 bà sẽ làm việc với trường Đại học Kiến trúc Hà Nội để phối hợp, rà soát lại toàn bộ hồ sơ liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, sau đó trả lời Dân Việt.
Tuy nhiên, cho tới ngày 11.10, sau 3 tuần, khi gọi điện liên lạc lại với bà Hương và ông Phương thì cả hai vị này vẫn tìm cách “đá bóng” cho nhau để thoái thác không cung cấp thông tin (?).
Trước đó, theo thông tin phản ánh của độc giả qua Đường dây nóng của Dân Việt, có một số vấn đề chưa rõ trong việc bị can Trịnh Xuân Thanh được cấp bằng Đại học chính quy tại Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Cụ thể, ông Thanh học tại Đại học Kiến trúc Hà Nội ngành Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị giai đoạn từ năm 1985-1990, nhưng phải tới năm 2003 mới nhận bằng tốt nghiệp?
Năm 1999, ông Thanh thi lại môn tiếng Nga được 7 điểm. Liệu có phải ông Thanh đi học là để trả nợ môn Nga văn bị nợ năm học cuối từ 1990 để làm tốt nghiệp Đại học Kiến trúc hay không? Có quy chế nào cho phép một sinh viên bảo lưu kết quả sau 9 năm?
Thực tế, trong giai đoạn từ 1985 – 1990, quy chế bảo lưu điểm của Bộ Giáo dục – Đạo tạo là không quá 2 năm. Nếu sau thời gian bảo lưu 2 năm này không trả được thì sinh viên sẽ bị đánh trượt Đại học.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi vì sao thời gian bảo lưu của bị can Trịnh Xuân Thanh ở Đại học Kiến trúc Hà Nội lại được kéo dài như vậy? Có sự ưu ái nào của lãnh đạo nhà trường thời gian đó đối với ông Thanh hay không?
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.