PVN không quên nộp ngân sách 19.000 tỷ đồng

Thứ ba, ngày 10/07/2012 08:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - PVN khẳng định không quên nộp ngân sách 19.000 tỷ đồng mà luôn ở nhóm dẫn đầu khối các doanh nghiệp với tỷ trọng nộp từ 25 – 30% tổng thu ngân sách hàng năm.
Bình luận 0

Trước thông tin “PetroViệt Nam quên nộp ngân sách 19.000 tỷ đồng”, trong cuộc họp báo sơ kết 6 tháng đầu năm diễn ra chiều 9.7, ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã khẳng định: PVN không quên nộp ngân sách 19.000 tỷ đồng và cho biết PVN luôn ở nhóm dẫn đầu khối các doanh nghiệp với tỷ trọng nộp từ 25 – 30% tổng thu ngân sách hàng năm.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng khẳng định không có thất thoát tài chính tại PVN. Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định PVN vẫn sai trong việc không cập nhật, bổ sung báo cáo danh mục đầu tư.

img
Giàn khoan của PVN đang khai thác dầu trên Biển Đông.

Theo ông Tuấn, trong 19.000 tỷ đồng, phần lớn là chi phí của Tập đoàn PVN thực hiện theo nhiệm vụ Nhà nước giao. Ngoài ra, còn khoản 1.900 tỷ là tiền cổ phần hóa mà “theo quy định, các đơn vị khi cổ phần hóa xong phải nộp về Tập đoàn, nhưng PVN đã thực hiện chậm chứ không phải thất thoát” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Lý giải rõ hơn về việc PVN không “quên” nộp ngân sách 19.000 tỷ đồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN cho biết: Theo quy định tại Điều 18, Nghị định 142/2007/NĐ-CP của Chính phủ thì tiền lãi dầu khí thu được từ Vietsovpetro và các hợp đồng chia sản phẩm được nộp 50% vào ngân sách Nhà nước (NSNN); 50% còn lại được nộp tập trung về công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Điều 19 của Nghị định cũng quy định số tiền 50% nộp về tập đoàn nhằm mục đích để đầu tư vào các dự án trọng điểm về dầu khí.

PVN vẫn khai thác bình thường ở Biển Đông

Cũng tại buổi họp báo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Phùng Đình Thực cho biết, tập đoàn đã gửi thư cho Tổng Công ty Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và các nhà thầu đang hoạt động ở Việt Nam để tái khẳng định rằng 9 lô dầu khí mà phía Trung Quốc mời thầu đều thuộc thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc 1982. Do đó, lời mời thầu của Trung Quốc là không có giá trị. "Hiện Trung Quốc chưa có tuyên bố gì khác so với hoạt động mời thầu. Sự việc vẫn bình thường và PVN tiếp tục khai thác ở Biển Đông" - ông Thực nhấn mạnh. Tập đoàn vẫn đang thực hiện công tác thăm dò với 3 đối tác nước ngoài của Nga, Mỹ và Ấn Độ tại 9 lô nói trên.

Từ đó đến nay, Tập đoàn đã thực hiện nộp NSNN và giữ lại theo đúng các quy định trên. Hằng năm, số liệu về nộp và để lại tiền lãi dầu khí đều đã được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận. Tuy nhiên, những năm qua, giá dầu thế giới và tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng USD luôn biến động mạnh và là những nguyên nhân chính làm phát sinh khoản chênh lệch giữa số tiền lãi được để lại cho PVN sử dụng và dự toán NSNN giao cho PVN (như năm 2008, giá dầu kế hoạch là 64 USD/thùng, thực tế lên đến mức cao nhất là trên 140 USD/thùng và trung bình đạt 102 USD/thùng).

Đối với vấn đề tồn tại và việc thu/sử dụng lãi dầu khí nước chủ nhà, PVN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đang nghiên cứu để đưa vào quy định tại sửa đổi Nghị định số 142/2007/NĐ-CP.

Trên thực tế, số tiền như báo chí nêu và Bộ Tài chính đang yêu cầu PVN nộp vào ngân sách chỉ là con số chưa được Bộ Tài chính hoàn tất thủ tục ghi thu, ghi chi qua NSNN theo tinh thần Nghị định số 142/2007/NĐ-CP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem