PVN mất 800 tỷ đồng: Góp vốn thời ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch

PV. Thứ bảy, ngày 02/09/2017 12:58 PM (GMT+7)
Cả 3 lần Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) đều trong thời gian ông Đinh La Thăng là Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV).
Bình luận 0

img

Những lãnh đạo của PVN bị khởi tố ở giai đoạn 2 vụ án Hà Văn Thắm. (ảnh TPO).

Mất 800 tỷ đồng khi góp vốn

Như Dân Việt thông tin ngày 31.8.2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can 5 đối tượng về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, được quy định tại Điều 165 - Bộ luật hình sự. Các bị can gồm Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN; Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN, hiện là Phó Tổng giám đốc PVN; Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên PVN đã có hành vi Cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào OceanBank.

PVN đã góp vốn vào OceanBank 3 đợt, đợt 1 góp 400 tỷ đồng, đợt 2 góp 300 tỷ đồng, đợt 3 góp 100 tỷ đồng. Theo Cơ quan điều tra, việc góp vốn đợt 3 của PVN có dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số cá nhân trong Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, người đại diện góp vốn và Ban kiểm soát.

Ngày 12.5.2011, Nguyễn Xuân Sơn lúc đó là Phó tổng giám đốc PVN ký văn bản gửi HĐTV (gồm 7 thành viên) báo cáo về tình hình đăng ký tăng vốn điều lệ và dự kiến điều chỉnh kế hoạch cụ thể trình Hội đồng thành viên xem xét và chấp thuận tiếp tục hỗ trợ và tăng vốn điều thêm là 500 tỷ đồng x 20% =100 tỷ đồng.

Sau đó Nguyễn Xuân Sơn ký ban hành văn bản gửi các thành viên HĐTV. Có 3/5 thành viên là ông Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Minh Đức ký chấp thuận đồng ý ngay tại tờ trình của Nguyễn Xuân Sơn, riêng ông Nguyễn Xuân Thắng và Hoàng Xuân Hùng đề nghị Ban kiểm soát báo cáo rõ thêm việc này, còn 2 thành khác vắng mặt.

Ngày 16.5.2011, ông Ninh Văn Quỳnh lúc đó là Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán đã ký văn bản báo cáo Nguyễn Xuân Sơn về tình hình đăng ký vốn điều lệ và dự kiến điều chỉnh kế hoạch như văn bản mà ông Sơn đã ký gửi các thành viên Hội đồng thành viên và có nêu thêm: “Mức tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng vẫn nằm trong khung đã cho phép là 5.000 tỷ đồng và nguồn tăng vốn điều lệ chủ yếu lấy từ nguồn cổ tức được chia năm 2010…”

Cùng ngày, Nguyễn Xuân Sơn ký văn bản gửi HĐTV với nội dung như nêu trên . Sau đó Nguyễn Xuân Thắng có ý kiến chuyển Ban thư ký tổng hợp ý kiến để ra Nghị quyết, còn 6 thành viên còn lại không có ý kiến gì.

Cũng trong ngày 16.5, Nguyễn Xuân Sơn ký Quyết định chấp thuận góp thêm 100 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ đợt II/2010 của OceanBank, sau đó một ngày PVN chuyển 100 tỷ đồng cho OceanBank.

Như vậy tổng số tiền góp của PVN tại OceanBank qua 3 lần là 800 tỷ đồng, bằng 20% vốn điều lệ của OceanBank. Hiện nay, OceanBank đã được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng, đồng thời PVN chấm dứt tư cách cổ đông và toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của cổ đông tại Oceanbank dẫn đến việc PVN phải ghi nhận một khoản lỗ tương đương 800 tỷ đồng.

Trách nhiệm người đứng đầu

Việc PVN góp vốn vào OceanBank nằm trong thời gian ông Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐTV. Đề cập tới trách nhiệm của ông Thăng xung quanh sự việc ngày, trong thông báo kết luận số 14 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư có nêu:

Vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18.9.2008 giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và Chủ tịch HĐQT Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank) trước khi HĐQT Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.

Ông Thăng cũng phải chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.

Từ khuyết điểm nêu trên cùng với một số khuyết điểm khác (được nêu trong thông báo kết luận số 14 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư), ngày 7.5, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, ông Thăng đã bị thi hành kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.

Từ tháng 1.2006- tháng 12.2008 ông Đinh La Thăng là Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Từ tháng 12.2008, ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII (tháng 8.2011), ông được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem