Quả cau non như thế nào sẽ được thương nhân Trung Quốc ưa chuộng, mua giá cao?

P.V Thứ hai, ngày 02/09/2024 17:52 PM (GMT+7)
Năm nay, giá cau non ở các địa phương tăng cao đột biến. Các thương lái tiết lộ, loại cau quả dài, da xanh, hạt đặc được thương nhân Trung Quốc rất ưa chuộng.
Bình luận 0

Theo khảo sát ở nhiều địa phương, từ đầu mùa đến nay, giá cau non liên tục tăng cao do nhu cầu lớn từ các thương nhân Trung Quốc.

Đơn cử như tại Nghệ An, trong tháng qua, giá cau luôn đứng ở mức 60.000-65.000 đồng/kg (tùy loại). 

Còn tại Quảng Ngãi – một trong những vùng trồng cau chính của cả nước, cả tháng nay thương lái tấp nập thu mua cau tươi với giá khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg. 

Còn tại Đắk Lắk, giá cau tươi cũng rất cao. Bà H'Bliăk ở buôn K'Ram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho biết, năm nay giá cau rất tốt, lên tới 65.000 đồng/kg, tuy là cây trồng phụ, chỉ trồng quanh hàng rào nhưng cũng mang lại cho bà gần 100 triệu đồng. 

Được biết, cau chủ yếu được thu mua, sơ chế rồi nhập cho các lò. Từ đó, họ hấp, sấy khô và bán lại cho các thương lái để xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ... Năm nào nhu cầu tiêu thụ của thị trường này tăng cao thì giá cau leo thang.

Quả cau non như thế nào sẽ được thương nhân Trung Quốc ưa chuộng, mua giá cao? - Ảnh 1.

Thương lái thu mua cau để xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Báo Nghệ An.

Một thương lái ở huyện Anh Sơn, Nghệ An cho biết, năm nay, giá cau neo cao từ đầu vụ và tăng dần theo từng ngày. Tăng mạnh nhất là loại cau quả dài, da xanh, hạt đặc.

Tuy nhiên, do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên biến động rất thất thường. Giá cau đang ở mức cao nhưng nếu phía Trung Quốc ngừng thu mua lập tức sẽ hạ. "Có năm đang thu mua với giá 70.000 đồng/kg nhưng chỉ vài ngày sau, xuống chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg”, một thương lái ở Nghệ An cho biết.

Thông thường 7-8 kg trái tươi sẽ cho một kg cau khô, sau đó các vựa xuất sang Trung Quốc để làm kẹo. Ngoài làm kẹo, quả cau và vỏ quả cau cũng đã được ứng dụng làm thuốc điều trị từ rất sớm. Vỏ cau thường dùng để trị các bệnh phù thũng, bí tiểu, khó tiêu…

Theo Y học cổ truyền, hạt cau vị cay, đắng, tính ôn; vào kinh tỳ, vị và đại tràng. Tác dụng trị giun, lợi tiểu thông tiện. Hạt cau có công năng chủ yếu là hạ khí, phá tích, sát trùng, hành thủy. Trị giun sán, đầy trướng bụng không tiêu, đau quặn bụng, tiêu chảy, hội chứng lỵ, phù nề. Hạt cau có tác dụng tuyệt vời trong ngăn ngừa cảm giác buồn nôn.

Theo HealthBenefitsTimes, Arecoline là một trong những hoạt chất trong hạt cau, tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đương. Ngoài ra, hạt của loại quả này còn có khả năng làm tăng tiết nước bọt, giúp khắc phục chứng khô miệng ở những người bị bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng hạt quả cau tác dụng phục hồi chứng đột quỵ.

Chiết xuất hạt cau tác dụng chống các chủng đặc biệt của vi khuẩn trong miệng. Vì nó có thể bảo vệ răng khỏi sâu răng, ngăn ngừa mảng bám răng.

Nghiên cứu sơ bộ cho thấy quả cau rất tốt cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, tuy nhiên cần lưu ý đến các tác dụng phụ.

Hạt quả cau được sử dụng trong nhiều năm như một loại thuốc để đối phó với tình trạng thiếu máu ở phụ nữ mang thai. Chúng ngăn ngừa chứng thiếu sắt nghiêm trọng và mức độ glucose trong máu thấp. Thường xuyên sử dụng trầu có thể giúp chống lại sự thiếu hụt chất sắt

Ngoài tác dụng chữa bệnh giun đường ruột, hạt cau còn có khả năng chữa các bệnh về rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, tiêu chảy, kiết lỵ và đau dạ dày.

Đã nhiều năm nay, giá cau thường trồi sụt theo nhu cầu thất thường của thương nhân Trung Quốc. Nhiều địa phương khuyến cáo, cau không phải là cây phổ biến, giá cả bấp bênh, không nên ham giá cao mà trồng cau theo phong trào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem