Lá thư tỏ tình với Đặng Thùy Trâm
Trong số những lá thư sưu tầm được, thượng tá Trần Thanh Hằng cho biết có một kỷ vật rất quý mà chị phải dùng “mánh” mới lấy được, đó là thư của người yêu chị Trâm - nhân vật M trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.
Những bức thư đặc biệt trong chiến tranh từ mọi miền đất nước gửi về bảo tàng. L.H.
Nhân vật M, sau này mọi người đều biết, chính là anh Khương Thế Hưng- có bút danh Nguyên Mộc, con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng. Khoảng những năm 1998-1999, gia đình nhà thơ có nhã ý tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam một số kỷ vật của anh Khương Thế Xương, con trai đầu của ông hy sinh năm 1953. Thượng tá Hằng có mối quan hệ với gia đình từ đó. “Năm 2007, tôi cùng một đồng nghiệp tổ chức trưng bày “Tổ quốc và trái tim người lính” nên mang giấy mời đến mời chị Khương Băng Kính là em gái của anh Hưng. Ngồi ở bàn làm việc của chị Kính, tôi thấy chồng chồng lớp lớp các nhật ký, hoá ra là toàn nhật ký của nhân vật M”- bà Hằng nhớ lại.
Tò mò, thượng tá Hằng hỏi bà Khương Băng Kính đang làm gì đấy thì được trả lời: “Đang biên soạn lại những nhật ký, thư từ của anh Ba nhà chị, chị muốn có một tuyển tập về anh Ba”. Bà Hằng hỏi: “Anh Ba nhà chị tên là gì?” thì bà Kính bảo chính là nhân vật M trong Nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm.
Sự tò mò trỗi dậy, trong lúc bà Kính đi pha nước cam, bà Hằng xem qua nhật ký và cứ vừa đọc vừa viết vào cuốn sổ tay, chữ viết vội nên to ngoằng. Sau đó bà Khương Băng Kính kể cho bà Hằng nghe một số thông tin nữa: “Trong nhật ký anh M viết anh ấy yêu chị Trâm vô cùng, nhiều đoạn đọc rớt nước mắt. Nhất là đoạn anh M không muốn chị Trâm vào Quảng Ngãi vì có thể hy sinh, bởi vì cuộc chiến trong đó ác liệt quá, anh ấy phải tham gia 20 trận đánh mà trong có 8 ngày, người chết liên tục. Anh ấy cũng sợ là sau chiến tranh mà anh ấy không còn nữa thì sẽ làm khổ chị ấy... Thế nhưng, năm 1966, chị Trâm vẫn vào để tìm anh ấy”… Suốt cả thời gian đó, anh M chỉ gửi cho chị Trâm có 1 bức thư, và bức thư duy nhất đó bảo tàng đã sưu tầm được, trong đó có đoạn: “Sự sống của tình yêu không cần sự có mặt của nhau, dù ở Nam hay Bắc, dù là gần nhau hay xa cách ngàn dặm đường nắng mưa cát bỏng. Ở đâu anh cũng vẫn là anh của 8 năm qua và nhiều năm nữa, để mà yêu em tha thiết. Hãy sống với nhau như một người thân yêu nhất trên đời”.
Hãy sống như từng sống
Cách đây chừng 6 năm, tôi có dịp gặp các cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đúng lúc các anh chị mang hàng chồng thư ra… phơi và chụp ảnh, scan để lưu lại những lá thư quan trọng. Trong số đó có những gia đình tặng bảo tàng gần 500 bức thư.
Các cán bộ sưu tầm cho biết, những lá thư chiến trường chính là tình cảm, là lý tưởng của thế hệ cha ông một thời và cán bộ bảo tàng đi tới đâu cũng “gặp” thư. Chẳng hạn như trong đợt đi sưu tầm kỷ vật ở Hà Tĩnh, cán bộ bảo tàng gặp chị Nguyễn Thị Kim Cương ở xã Kỳ Bắc (Kỳ Anh)- nguyên y tá chiến trường, người đã từng gắp hàng trăm con dòi từ vết thương hoại tử của một thương binh, rồi tình nguyện làm “tấm đệm” cho một thương binh khác khi anh này quá đau đớn. Sau này chị yêu anh lính cao xạ Võ Minh, hai người đã gửi cho nhau hàng mấy trăm bức thư. Chị “biếu” bảo tàng một số thư từ, lời lẽ trong thư rất nồng nàn, thiết tha, tràn đầy khát vọng sống. Nếu như thư từ của các vị tướng gửi về gia đình có các thông tin bao quát, thì thư của những người lính cụ thể hơn. Người vợ viết cho chồng chuyện vào hợp tác xã, làm ăn tập thể. Người lính viết lại cho vợ những trận đánh khốc liệt nhưng tình cảm lại chan chứa yêu thương.
Hiện nay, các cán bộ bảo tàng còn giữ 381 bức thư của vợ chồng đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ích; hàng trăm bức thư của ông bà đại tá Vũ Quang Bích, có những bức thư tí tẹo chỉ bé bằng bàn tay ông Bích tỏ tình với vợ; thư của Thiếu tướng Lê Quang Đạo gửi vợ con- những dòng thư hết sức cảm động. Đó là những lá thư có sự sâu sắc về đời sống và thời cuộc. Nhiều gia đình dừng viết thư sau 30.4.1975, là thời điểm kết thúc cuộc chiến và dừng xa cách. Nhưng rất nhiều người lính và sĩ quan vẫn còn tiếp tục viết thư cho tới tận khi kết thúc chiến tranh biên giới phía Bắc (1979) và kết thúc đợt tình nguyện ở Campuchia.
“Tất cả những lá thư đều toát lên tình yêu mãnh liệt, tình cảm gia đình, tình đồng chí. Điều đó nhắc nhở tôi, nhắc nhở cả thế hệ trẻ hãy sống mãnh liệt về một xã hội tốt đẹp hơn, như ông cha ta đã sống và đấu tranh”- bà Hằng chia sẻ.
Từ năm 2003 tới 2007, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có dự án sưu tầm, xây dựng hiện vật về tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam. Thời điểm đó, thông tin về tướng lĩnh còn là thông tin bí mật, bà Hằng phải tìm trong thư viện quân đội, tìm kiếm từ báo chí từ năm 1954 để ghi hết tên các tướng và tới tận nơi để xin các kỷ vật. Sau đó, cán bộ bảo tàng đi không xuể liền viết thư… xin. Sau thư này, thư của các tướng lĩnh gửi về ủng hộ rất nhiều và gọi bảo tàng tới lấy nhiều hiện vật, trong đó có thư của Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.