Quà ngày 20/10, cô giáo được phụ huynh tặng cho 1 gói xôi

Tào Nga Thứ sáu, ngày 20/10/2023 07:04 AM (GMT+7)
Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 cũng như Ngày Nhà giáo Việt Nam, cô giáo mầm non nhận được 1 gói xôi từ phụ huynh nhưng cũng khiến cô vui cả ngày.
Bình luận 0

Quà của giáo viên Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

Chúng tôi có dịp đến thăm điểm trường Khu Lang, thuộc trường Mầm non Trung Hạ, xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn, một huyện miền núi xa xôi của tỉnh Thanh Hóa. Các câu chuyện về nghề, về cuộc sống của các cô giáo mầm non nơi đây khiến ai cũng nể phục. 

Cô Nguyễn Thị Tám, sinh năm 1987, quê ở Nông Cống, Thanh Hóa, với tình yêu trẻ con nên đã quyết định chọn Sư phạm Mầm non. Sau khi tốt nghiệp, cô giáo dưới xuôi đã lên điểm trường Khu Lang để theo đuổi sự nghiệp, dù cách xa nhà tới 150km. "Mấy ngày đầu mình cũng hơi hụt hẫng. Đường đi lại khó khăn, vòng vo quanh co, người dân thưa thớt. Đã có lúc mình khóc vì nhớ nhà, nhớ quê nhưng rồi mình vẫn quyết tâm theo con đường đã chọn", cô Tám kể. 

img
img
img

Trường Mầm non Trung Hạ nơi cô Tám công tác. Ảnh: NVCC

Cô Tám hiện dạy lớp 4 tuổi và với 10 năm xa nhà dạy tại Trường Mầm non Trung Hạ, cô cũng đã có nhiều kỷ niệm với học sinh vùng cao.

"Học sinh nơi đây không như dưới xuôi. Nhiều em đi học quần áo xộc xệch, tóc rối, có em ngủ dậy chưa kịp đánh răng rửa mặt. Phụ huynh bận lên rẫy đi làm không kịp cho con ăn nên mua cái bánh mì, gói xôi mang lên lớp nhờ cô cho ăn. Các cô đón học sinh, cho ăn sáng, vệ sinh cho rồi mới vào lớp học. 

Các em hiếu động hay đùa nghịch nhau, thậm chí còn vô tư cởi quần áo giữa lớp. Chuyện học sinh ị đùn ra quần là bình thường. Có hôm cô đang ăn cơm lại phải bỏ bát cơm ra để vệ sinh cho trẻ. Tuy nhiên, các em lại rất tình cảm, hay trò chuyện, tâm sự với cô. Nhiều em hỏi "Cô ơi, cô có chồng chưa?"; "Cô ơi, sao nhìn cô đẹp thế?"; "Cô lên đây có buồn không?"... Nhiều câu hỏi của các em mà mình cũng thấy bất ngờ và rất vui", cô Tám chia sẻ. 

Quà ngày 20/10, cô giáo được phụ huynh tặng cho 1 gói xôi - Ảnh 2.

Tường rơi khiến cô trò hốt hoảng. Ảnh: NVCC

Không chỉ với học sinh mà cô Tám cũng có nhiều kỷ niệm với mái trường suốt 10 năm gắn bó. Cô Tám cho biết, trường chỉ có 3 phòng học cũ kỹ chỉ đúng nghĩa là tránh mưa nắng. Do không đủ lớp nên các em 3 tuổi học ghép với lớp 5 tuổi. 

Trường lợp mái tôn nên mỗi khi trời mưa ầm ầm là cô trò không nghe thấy tiếng nhau. Có hôm đang dạy nghe tiếng "rầm" rất to ở bên ngoài, cô Tám cứ tưởng ai bị ngã xe. Chạy ra thì cả mảng tường rơi xuống mà vừa mừng vừa lo. Cô mừng vì học sinh không bị sao nhưng lo vì không biết tường rơi tiếp lúc nào để còn bảo vệ học sinh. Hay chuyện mấy chục học sinh và giáo viên nhưng chỉ có 2 nhà vệ sinh. Mỗi lần đi là phải xếp hàng đợi nhau. 

Tháng 9/2023, nỗi lo lắng trường cũ đã không còn khi trường được xây dựng mới khang trang hơn từ nguồn tài trợ báo NTNN/Điện tử Dân Việt, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và các nhà hảo tâm.

Quà ngày 20/10, cô giáo được phụ huynh tặng cho 1 gói xôi - Ảnh 3.

Cô Tám dạy học sinh trong ngôi trường mới hiện đã khang trang hơn. Ảnh: Tào Nga

Khi được hỏi về quà các ngày lễ như ngày 20/10 hay 20/11, cô Tám vui vẻ cho biết: "Với học sinh thì các em hay vẽ hoa, vẽ quà tặng cô. Phụ huynh thì hầu như không có vì các gia đình cũng khó khăn. Nhà nào có "điều kiện" thì mang đến cho cô cơm lam, gói xôi, bát gạo, hoa quả trong vườn... Thực ra, chỉ cần các em đi học đầy đủ thôi cũng giúp cô vui cả ngày rồi".

Được biết, khi cô Tám quyết định lên miền núi dạy học, người yêu của cô lúc đầu không đồng ý. Cô Tám đã thuyết phục và người yêu đã gật đầu ủng hộ, thậm chí còn nhiều lần lên thăm cô. Sau khi cưới, chồng cô cũng theo lên đây để sinh sống và hiện cô Tám đã có một gia đình nhỏ vui vẻ, hạnh phúc, thấu hiểu nhau. Ngày nào cô cũng đi làm từ 6h30 đến 17h30 mới về đến nhà. Mọi công việc nhà hay chăm sóc con đều do chồng đảm nhiệm.  

Cô giáo đến tận nhà để đón học sinh đi học

Cùng trường với cô Tám là cô Hà Thị Nhận với 23 năm gắn bó với trường. Cô Nhận thuận lợi hơn vì cô là người địa phương, được huyện cử đi học từ năm 1998 và quay trở về quê hương dạy học. 

Cô kể, phụ huynh ở đây cũng muốn con đi học nhưng không có tiền và không có thời gian đưa đón. "Đầu năm học, các cô đều phải lội sông, lội suối đến tận nhà học sinh ở trên bản để vận động các em đi học rất vất vả. Nhiều gia đình bảo không có tiền cho con đi học. Mình lại phải động viên cứ cho con đi học rồi các cô hỗ trợ. Có gia đình thì bố mẹ làm công nhân, ông bà già không ai đưa đón. Các cô lại đến tận nhà chở các em đi xong chiều bố mẹ chưa đón thì cô lại đưa về. Bù lại, các cô cũng có niềm vui là sau khi các em ra trường, có chồng, có vợ vẫn quay về hỏi thăm".

Được biết, cô Nhận đã trải qua 6 năm dạy học không biên chế. Lương của cô nhận được mỗi tháng chỉ là gần 20kg thóc. Cô phải nhờ hỗ trợ cuộc sống từ ông bà và chồng. Dù khó khăn như vậy nhưng chưa bao giờ cô Nhận nghĩ mình sẽ nghỉ việc. 

Quà ngày 20/10, cô giáo được phụ huynh tặng cho 1 gói xôi - Ảnh 4.

Giáo viên của trường tự tay trang trí lớp. Ảnh: Nguyệt Minh.

Chia sẻ với PV, cô Nguyễn Thị Thìn, hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Hạ cho biết: "Trường chủ yếu là giáo viên địa phương và có 3 giáo viên miền xuôi lên. Cô Tám là giáo viên năng động, nhiệt tình. Cô không biết tiếng Thái nhưng cô rất nỗ lực. Cô Nhận là người địa phương nên ngôn ngữ hiểu học sinh hơn, có kinh nghiệm lâu năm và chịu khó".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem