Chưa thể cấm lưu hành
Sau khi Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thành lập hội đồng thẩm định theo yêu cầu của Cục Bản quyền tác giả, 7 nhạc sĩ thành viên gồm Doãn Nho, Trương Ngọc Ninh, Đỗ Bảo, Võ Thiện Thanh, Lê Minh Sơn, Dương Khắc Linh và Phó Đức Phương đều đã khẳng định: So với bài hát “Because I miss you” của nam ca sĩ Hàn Quốc Jung Yong Hwa thì “Chắc ai đó sẽ về” gần như giống hoàn toàn về giai điệu và nhạc đệm. “Chắc ai đó sẽ về” chỉ có đôi chút chỉnh sửa về nét giai điệu nhưng nó vẫn nằm trong tinh thần, trong quãng giai điệu của ca khúc ngoại quốc và hội đồng đi đến kết luận “Chắc ai đó sẽ về” là một ca khúc đạo nhạc.
Vì ca khúc trong phim dính án đạo nhạc nên bộ phim “Chàng trai năm ấy” bị dời ngày công chiếu. T.L
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh- thành viên hội đồng cho biết: “Ở 2 bài hát này có nhiều sự giống nhau: Tốc độ bằng nhau, hòa thanh bằng nhau, nhạc beat (nhịp, phách) giống nhau. Nếu đặt bài hát của “Chắc ai đó sẽ về” vào nhạc beat của bài hát kia cũng giống luôn, không chệch đi một giây nào...”. Vì lý do đó, hội đồng thẩm định đã gửi văn bản lên Cục Bản quyền tác giả, đề nghị cấm lưu hành ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng M-TP trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trước đề nghị này của hội đồng, ông Vũ Ngọc Hoan- Cục phó phụ trách Cục Bản quyền tác giả cho biết: “Kết luận của Hội đồng thẩm định sẽ được chúng tôi coi như một ý kiến chuyên môn để tham khảo”. Cũng theo lãnh đạo Cục Bản quyền, việc cấm lưu hành ca khúc này cũng không thuộc thẩm quyền của Cục mà đơn vị này chỉ được phép đề nghị để cơ quan chức năng ra lệnh cấm này. Việc khởi kiện ra tòa dân sự do tranh chấp bản quyền chỉ được thực hiện khi có phía nguyên đơn là ca sĩ Hàn Quốc tiến hành, còn hiện nay, khi chưa có động thái nào từ phía tác giả ca khúc bị đạo, thì ca khúc và tác giả Sơn Tùng M-TP vẫn chưa thể bị xử lý.
Cần “ai đó” hiểu ra
Từ trước tới nay, hàng loạt ca khúc nhạc Việt, kể cả các ca khúc của các nhạc sĩ tên tuổi bị dính nghi án đạo nhạc cũng chưa có ca khúc nào bị xử lý dưới hình thức “cấm lưu hành”. Riêng trường hợp của Sơn Tùng M-TP, mặc dù đã có 2 ca khúc bị chỉ đích danh đạo nhạc là “Em của ngày hôm qua” và “Chắc ai đó sẽ về” nhưng không những không bị “tẩy chay” mà sức sống của chúng còn mãnh liệt hơn với vài chục bản cover (hát lại) lưu hành trên thế giới mạng, giới trẻ vẫn tiếp tục nghe, dành những lời khen tặng...
Trước thông tin Hội đồng thẩm định kết luận “Chắc ai đó sẽ về” giống ca khúc Hàn Quốc tới 80-90%, ca sĩ Sơn Tùng M-TP vẫn tỏ ra không thừa nhận kết luận này. Ca sĩ trẻ cho biết: “Kể từ “Em của ngày hôm qua” và “Chắc ai đó sẽ về” - tức là thời gian tôi bắt đầu hoạt động chuyên nghiệp - thì các ca khúc này đều do tôi sáng tác phần giai điệu và ca từ, còn phần nhạc phối (beat) do nhà sản xuất thực hiện”. Và Sơn Tùng cũng thừa nhận thường xuyên nghe nhạc Hàn Quốc để cập nhật xu hướng.
Chuyện ca khúc sáng tác giống đến 80% một ca khúc trước đó nhưng tác giả không thừa nhận mình “đạo nhạc” chỉ có thể lý giải đó là vì Sơn Tùng vẫn chưa chịu hiểu ra vấn đề. Trong thâm tâm của ca sĩ trẻ này, mọi chuyện rất đơn giản, giống như khi đang hoạt động trong giới nhạc underground (ngầm), Sơn Tùng thường sử dụng các beat (phối khí) nhạc miễn phí trên mạng, tuy nhiên, có lẽ ca sĩ này đã không hiểu rằng sáng tác giai điệu và ca từ của mình trên beat của người khác để đến mức ca khúc hát lên nghe na ná như nhau chính là một hình thức đạo nhạc.
Cũng tương tự như Sơn Tùng M-TP, nhóm FB-Boiz vừa dính án đạo nhạc và tự nguyện trả lại giải thưởng Bài hát của tháng trong chương trình Bài hát Việt 2014 và gửi lời xin lỗi tới khán giả vì lý do bài hát đoạt giải “Tương tư” đã vi phạm tiêu chí của Ban tổ chức. Ca khúc này sau khi đoạt giải, đã bị khán giả phát hiện ra phần phối khí giống hệt một ca khúc của Hàn Quốc, và lời giải thích cũng tương tự như Sơn Tùng M-TP: khi hoạt động underground, thường xuyên lấy beat nhạc Hàn để sáng tác ca từ, giai điệu cho ca khúc của mình.
Lớp nhạc sĩ đi trước, nhiều kinh nghiệm, va vấp hơn thì rất hiểu điều này, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh mới đây đã gửi một lá thư cho Sơn Tùng với những lời khuyên bảo rất chân tình: “Không thể nào làm văn hay nếu hồi còn bé, chúng ta không nắn nót chép lại những áng văn mẫu. Và cũng không thể nào trở thành nhạc sĩ nếu chúng ta không nghe nhạc của những tiền bối. Những bản nhạc đầu tay chắc chắn là sẽ “hao hao” giống một trong những thần tượng mà chúng ta hay nghe, những kiến thức mà chúng ta được học. Nhưng điều chắc chắn, nó xuất phát từ chính tâm hồn của chúng ta. Ngôi nhà chúng ta mới dựng, có thể ọp ẹp, nhưng chính ta là chủ nhân. Hãy chứng tỏ rằng Sơn Tùng không chỉ có “Em của ngày hôm qua”, mà còn có nhiều hơn nữa những tác phẩm ra đời bằng chính tâm hồn của mình! Hãy vứt bỏ và làm lại từ đầu...”.
Lời nhắn gửi của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh là rất đáng trân trọng, tuy nhiên, để những ca sĩ, nhạc sĩ trẻ mới vào nghề như Sơn Tùng hiểu ra vấn đề, cần phải có một quyết định thẳng thắn, dứt khoát từ phía các cơ quan quản lý. Còn nếu xử lý những vụ việc kiểu này theo kiểu lửng lơ như vậy thì các nhạc sĩ trẻ khó lòng có được bài học đắt giá.
Nếu xác định rõ ca khúc của Sơn Tùng M-TP có vi phạm tác quyền, Cục Bản quyền có thể đề nghị các cơ quan khác như Thanh tra Bộ VHTTDL vào cuộc. Tác giả bài hát có thể bị xử phạt theo các quy định về vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan theo Nghị định 131- ông Vũ Ngọc Hoan- Cục phó Cục Bản quyền cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.