Quách Thu Phương: Nếu ta trẻ như ngày xưa và kinh nghiệm như bây giờ...
Quách Thu Phương: Nếu ta trẻ như ngày xưa và kinh nghiệm như bây giờ...
Thứ bảy, ngày 15/05/2021 11:30 AM (GMT+7)
Sau những thăng trầm cuộc sống, diễn viên Quách Thu Phương nói rằng, nếu khi trẻ mình cũng có được những kinh nghiệm như bây giờ, bản lĩnh và chín chắn thì có lẽ cuộc sống riêng của chị sẽ khác. Nhưng ai cũng có những lúc sai lầm, không người nào dám đặt tay lên gáy mà nói mình đúng hoàn toàn cả.
Gặp diễn viên Quách Thu Phương khi chị vừa kết thúc ngày quay Hương vị tình thân (đang phát sóng trên VTV1) nhưng ở chị không có dáng vẻ của sự mệt mỏi sau một ngày dài mà vẫn tràn đầy năng lượng.
Chị bảo, đó là nhờ tập Yoga mỗi ngày và vì tình yêu với phim ảnh. "Để có 25-30 phút phim cho khán giả xem là sự quần quật của cả đoàn như vậy đấy! Nên nếu không được đón nhận thì buồn vô cùng. Chỉ mong sao nếu vai diễn chưa được như mong muốn của khán giả thì hãy góp ý, động viên chứ đừng vùi dập. Vì dù có thế nào thì khi đến với một bộ phim bất kỳ, diễn viên, đạo diễn, quay phim... đều luôn vì khán giả mà trăn trở, nỗ lực hết mình để có được sản phẩm tốt nhất", diễn viên Quách Thu Phương mở đầu cho cuộc trò chuyện dài với phóng viên về chuyện đời, chuyện nghề trong hơn 20 năm qua.
14 năm mới quay lại, tôi bị khán giả "soi" rất kỹ
Sau 14 năm mới quay trở lại với phim truyền hình nhưng có vẻ như "Đừng bắt em phải quên" mà chị làm vai chính không mang lại hiệu quả như mong muốn?
- Mình nhận lời quay trở lại với Đừng bắt em phải quên vì kịch bản gần gũi và có gì đó như là duyên nợ với mình. 19 năm trước, đạo diễn Vũ Minh Trí mời mình tham gia phim Vết trượt, đóng chính với anh Hoàng Hải. Và khi trở lại thì cũng là phim của anh Trí với Đừng bắt em phải quên. Điều trùng hợp là mình lại đóng chung với anh Hải. Nội dung phim vẫn là câu chuyện về tình cảm gia đình, chỉ khác là cuộc sống lần này của nhân vật thành đạt hơn, không vất vả như phim trước. Lúc đọc kịch bản, mình rất ngỡ ngàng và nhiều khi cảm tưởng là mình trong đó.
Còn cảm nhận của khán giả, mình tôn trọng và ghi nhận. Mình cho rằng với chừng ấy năm mới quay trở lại thì khán giả đón nhận mình không chỉ bằng cảm xúc đơn thuần mà nó còn là sự dò xét, xem cô ấy trở lại như thế nào? Họ soi rất kỹ, từ trang điểm, mái tóc, quần áo… Đó là sự quan tâm nhưng cũng là áp lực của người nghệ sĩ.
Dù vậy, Đừng bắt em phải quên, có khán giả biến thành "Đừng bắt em phải xem" đấy. Vì có nhân vật khiến khán giả ức chế, cường điệu quá đà làm cho nhân vật mất đi tính đời thường. Chị nghĩ sao?
- Để chiều lòng khán giả rất khó. Mỗi diễn viên khi nhận vai họ đều muốn gây một ấn tượng nào đó cho khán giả. Trọng trách của diễn viên trong vai đó là phải làm cho mọi người khó chịu mà.
Kịch bản là cái sườn, còn ra trường quay, đạo diễn, diễn viên phải bàn bạc, tranh cãi rất kịch liệt. Có những khi diễn viên không đồng thuận với đạo diễn, cho rằng "tôi thấy phải diễn như thế này mới đúng"… Diễn viên tư duy theo cách hiểu của mình, dựa trên phân tích tâm lý nhân vật nên đôi khi khác với cảm nhận, mong muốn của khán giả là khó tránh khỏi.
Với những ý kiến trái chiều, nó tác động thế nào đến chị?
- Lúc đầu mình cũng sốc một chút. Nhưng về sau thì nghĩ, phải cảm ơn điều đó để mình có cái nhìn nhiều chiều. Khán giả có cái đúng, ở góc độ nhìn nhận của họ. Và mình cũng vậy, mình soi chiếu từ nghề nghiệp và hiểu biết của người nghệ sĩ.
Đúng như chị nói, khán giả quan tâm luôn soi xét rất kỹ diễn viên. Như trong Đừng bắt em phải quên, có người góp ý, sao cả một ê kíp mà không ai tư vấn cho nhân vật cột cái tóc lên cho gọn…
- Thật sự là khi diễn, mình và cả đoàn bị cuốn vào chuyên môn quá nên đôi khi quên mất tiểu tiết. Vấn đề tóc tai lờm xờm, gây khó chịu cho khán giả mình cũng đã nghe và khắc phục trong Hương vị tình thân rồi.
Còn vấn đề "mẹ chỉ ở nhà mà váy áo điệu đà quá, không đúng với kiểu nội trợ"… thì sao?
- À vấn đề này thì mình có suy nghĩ khác. Bà mẹ này vốn xuất thân con nhà giàu có. Bà ở nhà nhưng không phải làm nội trợ mà chỉ quán xuyến chung, còn làm thì giao cho 2 bà giúp việc. Hơn nữa, màu sắc của nhân vật có nét hơi phù phiếm nên nhân vật của mình khác với kiểu nội trợ thông thường. Vì phù phiếm, ưa vẻ bề ngoài nên khi chọn con dâu, bà cũng hướng con trai đến những đối tượng cùng tầng lớp mới phù hợp với con bà. Trong khi đó Nam là người không có xuất thân, nghèo khổ nên bà không chấp nhận.
Đóng "Của để dành" lúc con mới 2 tháng tuổi, nhiều đêm khóc thầm vì thương con khát sữa
Thời gian có phải là yếu tố khiến vai diễn của chị khác với cảm nhận của khán giả không?
- Mình không bị bỡ ngỡ về nghề, nếu có thì đó là công nghệ. Trước đây là lồng tiếng, có thu tiếng trực tiếp thì cũng khá thô sơ. Còn bây giờ, đòi hỏi với diễn viên cao hơn rất nhiều. Ngoài diễn còn phải xử lý tiếng nói, cho nên lúc đầu hơi "khớp". Nhưng đến Hương vị tình thân thì như được "bôi trơn" rồi. Có điều vai của mình không nhiều sức nặng như ở Đừng bắt em phải quên.
Phim này nhân vật hơi khác với mình, cảm giác không có gì liên quan ở ngoài đời.
Đó là một phụ nữ đơn giản, yêu thương chồng con nhưng không có lập trường, chính kiến. Chính điều đó gây ra bi kịch cho người thân và những người xung quanh. Càng về sau sẽ càng bị ném đá tơi bời đấy, vì ngăn cản con trai đến với Nam. Cũng thú vị vì lần đầu tiên được làm nhân vật mà nó khác hẳn với mình.
Khác hẳn với mình? Vậy ngoài đời, chị là người thế nào?
- Là chân thành, thẳng thắn đến mức không biết "diễn"; không bon chen và cũng không có nhu cầu quá lớn về cuộc sống. Đôi khi mình thấy hơi an phận, không mong muốn quá nhiều. Dù cuộc sống nhiều lúc rất khó khăn nhưng mình luôn biết hài lòng với những gì mình có.
Chị nói làm tôi nhớ đến câu chuyện chị nghỉ ở Nhà hát Tuổi trẻ 14 năm trước giữa lúc đang ở đỉnh cao sự nghiệp…
- Mình nghỉ để dành thời gian cho gia đình. Vì khi mình sinh bé đầu tiên mình gần như đi suốt. Lúc đó bắt đầu làm phim Của để dành. 2 tháng đã phải để con cho bà nội trông, đi từ sáng đến tối 1-2h đêm mới về. Sáng ra 7 giờ lại ra trường quay. Mình phải dậy từ 5-6 giờ sáng để chuẩn bị đồ ăn cho con. Rồi còn công việc ở Nhà hát nữa… Phải nói rằng đó là khoảng thời gian cơ cực, vất vả vô cùng. Phim mang lại cho mình thành công, được khán giả nhớ đến tận bây giờ nhưng sâu thẳm là sự áy náy với con. Bạn cũng là người mẹ nên chắc thấm cảnh, mẹ thì sữa ướt áo, trong khi con ở nhà khát sữa. Có hôm về nhà, mình chỉ biết ôm con khóc thôi, xót xa vô cùng. Cho nên đến đứa thứ 2 là mình buông hết để dành cho con.
Phải gửi con từ lúc 2 tháng như thế, là vì chị đam mê công việc hay vì áp lực cuộc sống khi đó?
- Có nhiều thứ lắm, không phải chỉ có yêu nghề thôi đâu. Lúc đó mình còn rất trẻ, cần có chỗ đứng trong nghề, nếu không cố gắng thì rất khó tồn tại. Còn khó khăn ư? Chắc chắn rồi, làm nghệ thuật khi đó đâu có nhiều cơ hội để kiếm tiền như bây giờ. Nhất là khi mình kết hôn sớm rồi có con ngay. Rất nhiều thứ để mình bắt buộc phải nỗ lực nên có cơ hội là mình bị cuốn đi, không nghĩ được nhiều. Chỉ biết là bắt buộc phải làm, phải cố gắng thôi.
Rời xa sân khấu, tôi trầm cảm, phải tìm đến Yoga
Cũng lâu mới trở lại như chị là diễn viên Võ Hoài Nam đang tham gia Hương vị tình thân. Khi được hỏi về lý do bỏ nghề, anh cho biết, nếu không làm vậy thì có lẽ gia đình sẽ chết đói… Sự khó khăn của chị khi đó có đến mức thế không?
- Đàn ông thì họ mang trọng trách lớn hơn phụ nữ. Những điều nặng nhất luôn đè nặng lên vai đàn ông. Còn phụ nữ là sự trăn trở khác, đó là chăm sóc gia đình, con cái. Không đi làm thì chồng nuôi nên mình không bị sức ép quá lớn về kinh tế để dẫn đến phải nghỉ việc. Cái mình cân nhắc nhiều là không được làm công việc mình đam mê. Nếu được về cảm xúc thì gia đình lại thiệt thòi nên mình phải đưa lên bàn cân, xem cái gì là quan trọng với người phụ nữ. Sự nghiệp hay gia đình? Đó là quyết định khá khó khăn với mình.
Có lúc nào chị nuối tiếc không?
- Khi đã chọn thì không nên hối hận. Dù thế, mình rất nhớ nghề, phải nói là cháy bỏng luôn. Đến mức mình sợ quay lại Nhà hát. Cảm giác đó kéo dài khá lâu. Bao nhiêu năm ở Nhà hát được đóng vai chính, thân thuộc đến từng ngóc ngách. Cả một thời thanh xuân của mình là ở đó nhưng kỷ niệm 45 năm Nhà hát mình không dám đến. Vì mình sợ lại thèm cảm giác được đứng trên sân khấu. Cho nên khi quay trở lại với nghề là mình đến với sân khấu chứ không phải phim. Năm 2019 mình đoạt HCV trong vở Dưới cát là nước của anh Nguyễn Quang Vinh tại Liên hoan sân khấu Quốc tế thử nghiệm lần thứ 4. Mình tập đúng 5 buổi, nhưng cảm xúc vẫn nguyên vẹn, cháy bỏng như ngày nào. Mình nhận ra, sân khấu không chỉ là đam mê đúng hơn, là nghiệp.
Nhưng mình cũng không ân hận về việc dừng lại khi đó, vì đổi lại các con được hưởng trọn vẹn tình cảm, thời gian của mẹ.
Hình như có thời điểm, chị từng bị trầm cảm?
- Đó là thời điểm mình sinh bé thứ 2, rồi thêm quyết định nghỉ việc giữa lúc đang ở đỉnh cao sự nghiệp nữa nên cũng bị mất cân bằng. Để khẳng định được tên tuổi trên sân khấu lúc đó khó lắm. Vậy mà đạt được rồi lại phải từ bỏ khiến tâm lý mình bị tác động rất mạnh. Rất may là mình nhận ra kịp thời và tìm cách giải toả nó bằng cách đến với Yoga. Nhờ thế mà 10 năm nay mình trở thành HLV Yoga. Cuộc sống luôn rất công bằng, mất cái này sẽ lại được bù đắp cái khác thôi.
Nếu ta trẻ như ngày xưa và kinh nghiệm như bây giờ
Với chị, gia đình là…
- Điều tồn tại đầu tiên, sau cùng và duy nhất. Gia đình là giá trị cốt lõi, để người ta luôn có cảm giác an toàn, ấm áp khi nói về. Trong bất cứ hoàn cảnh hay xã hội nào thì gia đình vẫn luôn như thế.
Coi trọng gia đình như vậy, có phải là do được rút ra từ bài học hay sai lầm nào đó trong cuộc sống của chị?
- Cuộc sống thì ai cũng có những lúc sai lầm, không ai dám đặt tay lên gáy mà nói mình đúng hoàn toàn cả. Chính cái sai đó mang đến cho ta bài học và ta phải cảm ơn điều đó.
Khi dang dở xảy ra thì không có ai đúng ai sai cả, mà xuất phát từ hai phía. Như trong Đừng bắt em phải quên chẳng hạn, Ngân và Luân không tìm được tiếng nói chung, thành thử ra thiếu đi sự chia sẻ, thấu hiểu tâm tư suy nghĩ của nhau.
Cuộc sống hiện đại ngày nay cũng vậy, đầy đủ nhưng lại thiếu sự gắn kết. Về đến nhà mỗi người một điện thoại, thiếu đi sự sẻ chia, dẫn đến việc anh anh làm, việc tôi tôi làm. Đồng sàng dị mộng, cho nên mới dẫn đến tỷ lệ ly hôn ngày càng nhiều.
Ly hôn thì dễ, giữ mới khó. Nhưng giữ được nó là cả một quá trình cùng nỗ lực. Mỗi phim là một thông điệp, để khán giả nhận ra điều gì đó cho riêng mình.
Nếu ta trẻ như ngày xưa và kinh nghiệm như bây giờ thì chắc hẳn, mỗi khi đứng trước nguy cơ dang dở thì sẽ được gắn thêm… chân phanh phải không chị? Như chuyện chị rời Hà Tây (cũ) để về Nhà hát Tuổi trẻ làm lại từ đầu chẳng hạn…
- Nếu Phương của 20 năm về trước mà nghĩ được như bây giờ thì chắc chắn là mọi chuyện sẽ khác rồi. Bây giờ mình có sự hiểu biết, kiến thức nhất định nên cũng bản lĩnh hơn, suy nghĩ chín chắn hơn. Còn lúc đó, mình còn quá trẻ, kinh nghiệm chưa có, sự va đập cuộc sống không nhiều nên khi hoang mang, mình không biết bấu víu vào đâu. Rồi thiếu đi cả việc có người thân bên cạnh chỉ bảo cho mình nữa. Cho nên với con gái của mình bây giờ, mình luôn tạo thói quen chia sẻ, luôn bên cạnh để con gần gũi với mẹ.
"Một lần bị rắn cắn, mười năm còn sợ dây thừng", thế nên nhiều người đến với cuộc hôn nhân thứ 2 với tâm thế níu giữ, cũng học cách nhịn và chịu đựng tốt hơn. Chị có bị cảm giác này không?
- Người biết nhịn là người bản lĩnh. Không chỉ là nhịn vợ nhịn chồng, người thân trong nhà mà ra ngoài xã hội, trong môi trường làm việc cũng rất cần sự nhịn đó. Nhịn ở đây không phải bất chấp bị lấn lướt, mà nhịn để nhìn nhận rõ hơn, tìm cách giải quyết tốt hơn. Tôi cho rằng nhẫn nhịn thì được nhưng nhịn nhục thì tuyệt đối không.
Ngày xưa, hoàn cảnh khiến mình có lúc phải nhịn nhục nhưng ở thời điểm hiện tại, điều đó không còn phù hợp và mình luôn dạy các con phân biệt rõ hai phạm trù đó. Bởi vì ai cũng vậy, không được đánh mất cái tôi của mình, nhưng phải sử dụng đúng hoàn cảnh. Nếu ai cũng chỉ biết vì cái tôi của mình thì cuộc sống này sẽ đi về đâu?
Bây giờ, trong cuộc sống gia đình, chị đánh giá cao điều gì nhất?
- Sự tôn trọng và thấu hiểu. Bởi vì nếu không tôn trọng nhau thì gia đình không phải là gia đình nữa. Muốn thấu hiểu nhau thì phải chia sẻ, ngược lại muốn chia sẻ được thì phải xuất phát từ thấu hiểu. Khi thấu hiểu rồi thì không có lý do gì để khoảng trống hay có người khác chen vào.
Tôn trọng, thấu hiểu, chia sẻ… đó là mong muốn hay chị đang có điều đó?
- Mình mong muốn có được điều như thế. Và mỗi người phải tự hoàn thiện thôi. Nói thì dễ nhưng thực hiện rất khó, nếu không để tâm vào đó.
Như bạn thấy đấy, đàn ông và đàn bà vốn là hai thực thể khác nhau, đến từ hai thế giới khác nhau nên từ trong bản chất, làm sao có thể hợp được? Vậy chỉ còn cách là sẻ chia, cảm thông và tôn trọng nhau thôi. Ngoài ra còn cần sự đồng cảm, bớt chấp nhặt và bỏ qua cho nhau nữa.
Hai con chị có tố chất theo nghề của mẹ không?
- Con gái lớn của mình du học Canada, chuyên ngành quản lý khách sạn – du lịch, vừa tốt nghiệp và đã đi làm. Còn cậu thứ 2 mới 15 tuổi, dường như cũng không có mong muốn theo nghề của mẹ. Mình không định hướng, mà để các con tự lựa chọn. Dù nghệ thuật không mang lại cho mình sự giàu có, lại gian truân vất vả nhưng nếu các con thích, mình sẵn sàng ủng hộ. Với mình, được làm những điều đam mê còn lớn hơn giá trị vật chất. Vì nếu làm cái mà mình không đam mê thì không thể thành công, cũng mất đi ý nghĩa cuộc sống.
Từ kinh nghiệm, vốn sống của mình, chị có quan điểm giáo dục con cái thế nào?
- Mình luôn nói với các con, ba mẹ không có tài sản gì để lại, chỉ cho các con được tri thức nên đã cố gắng tạo mọi điều kiện để con được toại nguyện theo ước vọng của mình. Sau này con sẽ phải tự đi bằng chính đôi chân của mình, chứ ba mẹ già rồi không. Vì thế mà từ bé, con gái mình đã rất ý thức, tự lập và tự tin nữa. Con vừa tốt nghiệp xuất sắc ngành học Du lịch - Quản lý khách sạn ở Canada và hiện đã đi làm. Còn cậu con trai thì vô cùng tình cảm vì được mẹ dành trọn vẹn thời gian, tâm sức từ khi sinh ra. Có lẽ, sau rất nhiều thăng trầm, gian nan, với gia đình mình, các con chính là "của để dành".
Cảm ơn diễn viên Quách Thu Phương về cuộc trò chuyện!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.