Điều đáng quan tâm vừa qua là số tiền thu hồi được từ tham nhũng rất ít, chỉ chiếm trên 10%. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?
Biệt phủ của giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái. Ảnh: PV.
- Do những quy định chưa thật cụ thể, rõ ràng, khiến đối tượng tham nhũng, gây thất thoát có khi lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng thu hồi lại chẳng được bao nhiêu, điển hình như những đại án, hay vụ Dương Chí Dũng trước đây. Vậy số tiền đó ở đâu, nằm ở chỗ nào? Phải chăng khi thực hiện hành vi tham nhũng, người ta đã có ý đồ tẩu tán tài sản? Đương nhiên, họ chẳng dại gì đứng tên khối tài sản lớn như vậy. Họ phải chuyển cho người thân như vợ con, anh em, hay những người thân khác.
Có ý kiến cho rằng, chống tham nhũng hiện nay cũng chỉ là “chém với” chứ chưa chặn đầu được tham nhũng. Phải chăng chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh, chưa truy đến cùng nguồn gốc tài sản?
- Đúng vậy, khi sự vụ xảy ra, cần phải truy tới cùng. Tiền đó ở đâu ra mà có? Biệt thự này, biệt phủ kia anh lấy tiền ở đâu ra? Thậm chí, nếu tài sản đó liên quan đến người thân, cũng phải truy đến cùng. Có như vậy mới thực hiện được, nếu không cũng chỉ dừng ở mức phòng ngừa, răn đe.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa
Tất nhiên việc đó cũng phải có quy định cụ thể trong luật để không vi phạm quyền công dân, quyền sở hữu tài sản. Cũng chính vì điều này nên mới phải truy tận nguồn gốc tài sản, để xác định cụ thể, xem đó là nguồn tiền hợp pháp, hay bất minh. Nếu cá nhân có tài sản bị nghi bất minh giải trình hợp lý thì không sao, nhưng nếu không giải trình được, tài sản không rõ nguồn gốc thì phải có cơ chế thu hồi, sung công quỹ.
Việc chứng minh tài sản bất minh thuộc về cơ quan chức năng, chứ không phải người sở hữu tài sản?
- Cũng không hẳn như vậy. Trước tiên, bản thân người có tài sản phải có nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản của mình là hợp pháp. Rồi sau đó các cơ quan có thẩm quyền mới thẩm tra, xác minh nguồn tài sản đó bất minh hay không.
Về quy trình, trước tiên người sở hữu tài sản phải có tường trình nguồn gốc tài sản, rồi tới lượt cơ quan chức năng thẩm tra, xem tường trình của anh có đúng không.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ phân biệt thế nào là tài sản hợp pháp, thế nào là tài sản bất minh, bởi nhiều trường hợp, người ta nói do vay từ bạn bè, vay ngân hàng?
- Đúng rồi, vay bạn bè người thân, hay vay ngân hàng đó là quyền của họ. Nhưng anh nói vay bạn bè, vậy tôi hỏi anh, cơ sở nào chứng minh anh vay bạn bè? Số tiền vài chục hay vài trăm triệu thì không nói làm gì, nhưng vay vài chục tỷ đồng thì phải có một giấy tờ nào đó để chứng minh chứ. Còn nếu vay ngân hàng thì đương nhiên phải có giấy tờ chứng minh, anh vay từ lúc nào, vay bao nhiêu?
Chẳng hạn câu chuyện biệt phủ của quan chức vừa qua, nếu nói vay ngân hàng trước khi làm biệt phủ thì có thể chuyện đó đúng. Còn nếu vay sau khi biệt phủ của anh đã được làm, đi vay chỗ này chỗ kia thì không hợp lý. Nói cách khác cũng chỉ là hợp thức hóa tài sản bất minh.
Thế nhưng không phải tài sản nào bất minh cũng là tài sản tham nhũng, vì có thể người ta buôn gian bán lận mà có?
- Đúng, phải lấy công quỹ nhà nước mới gọi là tham nhũng. Chính vì thế, dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi mà Quốc hội đang bàn, nhiều ý kiến đề nghị phải truy đến cùng số tài sản đó để phân biệt cho rõ. Nếu nguồn gốc do phạm tội, tham nhũng mà ra phải bị thu hồi. Ví như ông Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái, nếu nói tài sản do vay mượn bạn bè, hay vay ngân hàng, thì ông ấy phải chứng minh cho bằng được. Nếu không chứng minh được, tôi sẽ cho rằng, đó là tài sản bất minh. Lúc đó cơ quan chức năng phải đi vào thanh tra giám sát, căn cứ vào luật, quy định hiện hành để thu hồi tài sản đó.
Còn nếu phát hiện ra đây là nguồn gốc do buôn gian, bán lận, do hối lộ thì phải áp vào Bộ luật Hình sự tội nhận và đưa hối lộ. Tất cả đều có khung hình phạt hết, sao phải lo không xử lý được.
Cảm ơn ông.
Thành Nam (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.