Quần đảo lau sậy độc lạ của “bộ lạc thảm bay” trên hồ Titicaca cao nhất thế giới
Quần đảo lau sậy độc lạ của “bộ lạc thảm bay” trên hồ Titicaca cao nhất thế giới
Linh Quyên
Chủ nhật, ngày 13/06/2021 09:01 AM (GMT+7)
Bộ lạc Uru là một dân tộc bản địa của Peru và Bolivia, sống trên nhóm đảo nhỏ tự dựng lên từ lau sậy trên hồ Titicaca. Cuộc sống gắn liền với lau sậy của những người được ví như “bộ lạc thảm bay” trên mặt nước này tạo nên một điểm đến hấp dẫn cho ngành du lịch Peru.
Cách bộ lạc Uru tạo dựng cuộc sống độc đáo trên hồ nước cao nhất thế giới Titicaca
Bộ lạc thổ dân Uru tạo thành 3 nhóm chính: Uru-Chipaya, Uru-Murato và Uru-Iruito, hiện nay sống trong các cộng đồng nhỏ ở miền nam Peru và Bolivia.
Là hậu duệ của tộc người Uru Cổ đại có từ thời tiền Inca (1438-1533), bộ lạc Uru tự coi mình là chủ nhân của hồ và nước. Họ tin vào truyền thuyết nói rằng người Uru có "máu đen" nên không cảm thấy lạnh.
Trong lịch sử họ tự gọi mình là "con của Mặt trời". Mặc dù ngôn ngữ Uru đã gần như tuyệt chủng, nhưng bộ lạc Uru vẫn tiếp tục duy trì bản sắc và một số phong tục truyền thống.
Về phía Peru, hiện nay có khoảng hơn 1.200 cư dân bộ lạc Uru sinh sống chủ yếu trên một quần đảo bao gồm 60 đảo nổi do họ tự dựng lên tập trung ở góc phía tây của hồ Titicaca, gần thị trấn cảng Puno.
Puno là thủ phủ tỉnh Puno, được thành lập từ năm 1668 trên bờ hồ Titicaca, có dân số khoảng hơn 140.000 người.
Các đảo này đã trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch của Peru, giúp bộ lạc Uru bổ sung thêm cho cách kiếm sống theo truyền thống xưa nay là săn bắn và đánh bắt cá.
Nay họ còn đưa đón khách du lịch đến các đảo và bán hàng thủ công làm bằng cây sậy Totora (là phân loài của loại cói khổng lồ ở Nam Mỹ, mọc nhiều trên hồ Titicaca, thân cây có thể cao tới 6m).
Khách du lịch tới vịnh Puno ở phía tây hồ Titicaca đều có cảm giác ngạc nhiên thú vị khi thấy cảnh những hòn đảo nổi làm bằng cây sậy Totora, trên đó rải rác những ngôi nhà cũng được làm bằng sậy Totora.
Cảnh sống trên các đảo nổi khá lạ mắt với những người đàn ông đánh cá bằng loại xuồng Balsa truyền thống nổi tiếng cũng được làm bằng sậy Totora, hoặc chăn thả gia súc. Còn phụ nữ lo làm việc nhà và bán đồ thủ công.
Lau sậy Totora - nguồn vật liệu, thực phẩm và thảo dược quý của bộ lạc Uru
Trong lịch sử hầu hết đảo nổi của thổ dân Uru đều nằm gần khu vực giữa hồ Titicaca, cách bờ gần 15km. Nhưng sau khi bị một cơn bão lớn tàn phá, nhiều đảo nổi được dựng lại gần bờ hơn.
Cách xây dựng đảo của Uru rất độc đáo: trước hết họ cố định gốc sậy Totora dưới lòng hồ để nó không di chuyển, rồi đan thân sậy với nhau tạo thành nhiều lớp nổi trên mặt nước. Các lớp bên dưới dần mục hỏng, sẽ tiếp tục được bồi đắp thêm bằng các lớp sậy mới phía trên.
Hầu hết thực phẩm của bộ lạc Uru đều thu hoạch từ hồ Titicaca qua đánh cá, săn bắt hồng hạc và các loài chim. Ngoài ra họ cũng chăn thả gia súc trên đảo và mang sậy Totora khô tới Puno đổi lấy hạt Quinoa (diêm mạch - là một dạng ngũ cốc, có nhiều màu sắc) cùng các nhu yếu phẩm khác.
Cây sậy Totora còn được bộ lạc Uru sử dụng như một loại thảo dược. Phần rễ màu trắng được gọi là "chullo" sẽ bổ sung Iốt, phòng bệnh bướu cổ. Thân sậy quấn quanh chỗ đau trên cơ thể để giảm đau, phần ruột đắp lên trán giữ mát trong tiết thời nóng nực và cũng để "giải rượu". Hoa để pha uống thay trà.
Khi yêu nhau các cặp đôi tự đóng bè bằng cây sậy Totora cho riêng mình, tới khi kết hôn họ bắt đầu xây dựng đảo nhỏ cho gia đình mới. Sau khi kết hôn phụ nữ mặc váy màu đỏ như dấu hiệu khẳng định "hoa đã có chủ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.