Thổ Nhĩ Kỳ “tuyên chiến” với “thảm họa chất nhầy”, cứu vùng biển lãng mạn Marmara

Thứ sáu, ngày 11/06/2021 17:54 PM (GMT+7)
Biển Marmara bao quanh Istanbul - thành phố lớn nhất đồng thời là trung tâm kinh tế - văn hóa - lịch sử vốn có vị trí rất quan trọng với ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng từ 6 tháng qua điểm đến nổi tiếng này bị đe dọa bởi "thảm họa sea snot - chất nhầy biển".
Bình luận 0
Thổ Nhĩ Kỳ “tuyên chiến” với “thảm họa chất nhầy”, cứu vùng biển lãng mạn Marmara - Ảnh 1.

Biển Marmara là biển nhỏ nhất thế giới với diện tích bề mặt 11.350km vuông, được ca ngợi là vùng biển lãng mạn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: worldatlas)

"Kẹt" tàu thuyền trên biển Marmara vì thảm họa "sea snot" - chất nhầy biển

Marmara là biển nội địa (không giáp biển, chỉ liên kết với đại dương qua các kênh hoặc eo biển hẹp) của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó là biển tiếp nối giữa biển Đen và biển Aegea - nối với biển Đen qua eo biển Bosphorus và nối ra biển Aegea qua eo biển Dardanelles.

Eo biển Bosphorus còn tách Istanbul ra phần châu Á và châu Âu, tạo nên thành phố duy nhất trên thế giới nằm ở hai châu lục khác nhau rất độc đáo.

Thổ Nhĩ Kỳ “tuyên chiến” với “thảm họa chất nhầy”, cứu vùng biển lãng mạn Marmara - Ảnh 2.

Biển Marmara nổi tiếng là điểm đến du lịch khám phá và trải nghiệm tiêu biểu của Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: west-crete)

Từ khoảng 6 tháng qua vùng biển đắc địa này bị đe dọa bởi một hiện tượng thiên nhiên đáng sợ, khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phải lên tiếng tuyên bố sẽ "dọn sạch các vùng biển của chúng ta khỏi thảm họa sea snot".

"Sea snot" (chất nhầy biển) đã xuất hiện tại biển Adriatic và Địa Trung Hải từ thế kỷ 18. Nguyên nhân được cho là do thời tiết ấm lên, dẫn tới sự sinh sôi quá mức của các loài thực vật phù du vốn tạo ra sự sống sinh học ở biển.

Thổ Nhĩ Kỳ “tuyên chiến” với “thảm họa chất nhầy”, cứu vùng biển lãng mạn Marmara - Ảnh 3.

Ảnh chụp hôm 2/5 cho thấy cảnh tàu thuyền "kẹt" trong chất nhầy biển gần các quận Maltepe, Kadikoy và Adalar của Istanbul. (Ảnh: Getty)

Chất nhầy biển từng lan rộng trên biển Marmara vào mùa Đông 2007-2008. Còn trong đợt bùng phát mới nhất và được cho là mạnh nhất này, chất nhầy biển lan ra vùng biển phía nam Istanbul bao phủ các bến cảng, đường bờ biển và bề mặt các đầm lầy. Một số chất nhầy biển đã chìm xuống đáy biển, đe dọa làm chết cá.

Thổ Nhĩ Kỳ “tuyên chiến” với “thảm họa chất nhầy”, cứu vùng biển lãng mạn Marmara - Ảnh 4.

Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8/6 đã khởi động một chương trình dọn sạch chất nhầy biển để cứu biển Marmara. (Ảnh: Reuters)

Giới chuyên môn cảnh báo rằng nếu không có các biện pháp xử lý hữu hiệu thì chất nhầy biển sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cả ngành đánh bắt cá và du lịch.

Từ hôm 8/6 nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã huy động hơn 1.000 nhân viên cùng hàng chục con tàu tham gia chương trình dọn sạch chất nhầy biển trên biển Marmara.

Biển Marmara cung cấp cho khách du lịch nhiều trải nghiệm độc đáo

Khu vực bao quanh biển Marmara nổi tiếng với các di tích lịch sử từ thời đế chế Ottoman, cùng nhiều lựa chọn điểm đến hàng đầu và nền ẩm thực phong phú, độc đáo.

Thổ Nhĩ Kỳ “tuyên chiến” với “thảm họa chất nhầy”, cứu vùng biển lãng mạn Marmara - Ảnh 5.

Tòa nhà Ayia Sofia đặc biệt nổi tiếng vì vòm trần lớn và được coi là hình ảnh mẫu mực của kiến trúc Byzantine. (Ảnh: wanderlusttips)

Chiếm vị trí số 1 về sức cuốn hút là Istanbul với bầu không khí sôi động cùng nhiều phong cảnh đẹp và di tích độc lạ trong thành phố. Nổi bật nhất là Ayia Sofia (Hagia Sofia) vốn là một vương cung thánh đường chuyển đổi thành viện bảo tàng.

Thổ Nhĩ Kỳ “tuyên chiến” với “thảm họa chất nhầy”, cứu vùng biển lãng mạn Marmara - Ảnh 6.

Nhà thờ Hồi giáo Blue Mosque (được gọi là Thánh đường Xanh do tường và nội thất ốp loại đá màu xanh rất đẹp). (Ảnh: sultanahmetcamii)

Grand Bazaar - một trong những khu chợ có mái che lớn nhất và lâu đời nhất thế giới rất độc đáo. Đồng thời Istanbul cũng nổi tiếng với loại đồ uống "quốc hồn quốc túy" Raki - rượu nho khô còn được gọi là rượu sư tử - rất đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ “tuyên chiến” với “thảm họa chất nhầy”, cứu vùng biển lãng mạn Marmara - Ảnh 7.

Điểm nhấn của thành phố ven biển Çanakkale là di tích thành Troy. (Ảnh: onenationtravel)

Thành phố Edirne (tên trước đây là Adrianople) - cố đô thứ 2 thời để chế Ottoman (1365-1453) có nhiều nhà thờ Hồi giáo rất đẹp, những ngọn tháp cao nhất Thổ Nhĩ Kỳ và món gan cừu chiên "ngon nhất thế giới" được coi là món ăn đặc trưng của thành phố.

Thổ Nhĩ Kỳ “tuyên chiến” với “thảm họa chất nhầy”, cứu vùng biển lãng mạn Marmara - Ảnh 8.

Thành phố Bursa cũng là quê hương của đặc sản kebap Iskender ngon đặc biệt. (Ảnh: Alamy)

Bursa - cố đô đầu tiên thời để chế Ottoman (1326-1365) - nổi tiếng với những bức tường thời Trung cổ, Green Tomb (lăng mộ Xanh nơi chôn cất Sultan Ottoman, Mehmet I), chợ bán lụa…

Thổ Nhĩ Kỳ “tuyên chiến” với “thảm họa chất nhầy”, cứu vùng biển lãng mạn Marmara - Ảnh 9.

Đảo Bozcaada trên biển Agean. nằm ngay lối vào eo biển Dardanelles. Đảo được ca ngợi là "lối thoát mê hoặc khỏi đất liền Thổ Nhĩ Kỳ" để nghỉ ngơi và thư giãn. (Ảnh: businessturkeytoday)

Đảo Bozcaada vốn là một hòn đảo của Hy Lạp có tên là Tenedos. Tới nay quận Hy Lạp của đảo vẫn giữ nguyên diện mạo khác biệt với khu phố cổ và những nhà thờ Hồi giáo nhỏ xinh…

Dân số của đảo chỉ khoảng 2.500 người, nhưng vào những tháng cao điểm, số khách du lịch đổ tới thường đông gấp 3 lần cư dân Bozcaada.

Thổ Nhĩ Kỳ “tuyên chiến” với “thảm họa chất nhầy”, cứu vùng biển lãng mạn Marmara - Ảnh 10.

Đảo Bozcaada còn có hai bãi biển là Ayazma (ảnh) và Habbele, thu hút khá đông khách du lịch tới tắm biển vào mùa Hè. (Ảnh: Istock)



Linh Quyên (Dailysabah, Reuters)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem