Tại cuộc đối thoại an ninh song phương thường niên lần thứ 6 diễn ra ngày 18.3, hai bên tuyên bố nhất trí về 5 căn cứ quân sự để bắt đầu thực thi Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA). Năm căn cứ bao gồm: căn cứ không quân Antonio Bautista, căn cứ không quân Basa, pháo đài Magsaysay, căn cứ không quân Lumbia và căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen.
Theo EDCA, Mỹ có thể triển khai quân đội và khí tài tới các căn cứ này của Philippines trên cơ sở luân phiên.
“Đây là một thỏa thuận khá quan trọng”, Đại sứ Mỹ tại Philippines Phillip Goldberg, người tham dự lễ ký kết EDCA trước đó vào năm 2014, phát biểu với báo giới tại hội nghị bàn tròn tại Bộ Ngoại giao ngay sau đối thoại trên.
Bất chấp việc thực thi bị chậm trễ, Đại sứ Goldberg đã nêu bật tầm quan trọng của bản hiệp định với 3 lý do sau đây:
Thứ nhất, ở cấp độ chiến lược, với việc thực thi EDCA và việc triển khai bước đầu, liên minh Mỹ-Philippines sẽ được tăng cường hơn nữa trước khi chính quyền Tổng thống Aquino mãn nhiệm vào tháng 6 tới và chính quyền Obama hết nhiệm kỳ tháng 1/2017.
Thứ hai, việc đẩy mạnh thực thi EDCA sẽ giúp tăng cường các lợi ích an ninh cho cả 2 bên cũng như hợp tác song phương. Về phía Washington, quyền tiếp cận đến các căn cứ quân sự nêu trên sẽ cho phép Mỹ đồn trú nhiều binh lính, tàu và máy bay một cách thường xuyên hơn tới Philippines vì Mỹ tiếp tục thực thi chính sách “tái cân bằng” sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này thực sự quan trọng đối với Manila để tăng “sức đề kháng” trước các thách thức, trong đó có sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Một tàu khu trục tên lửa Mỹ neo đậu trong Vịnh Subic, Philippines. Ảnh: Flickr
Thứ ba, 5 căn cứ quân sự đã được hai bên thảo luận từ lâu, một vài căn cứ trong số đó có tầm quan trọng chiến lược. Trong đó, phải kể tới căn cứ không quân Antonio Bautista tại tỉnh Palawan, ngay sát Biển Đông, vùng biển đang tăng nhiệt bởi sự bành trướng của Trung Quốc. Philippines đang chờ đợi Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết cuối cùng cho vụ kiện Trung Quốc về những đòi hỏi vô lý trên Biển Đông trong vài tháng tới.
Cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á Amy Searight phát biểu với báo giới rằng chính quyền Obama sẽ đề nghị Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói 50 triệu USD cho Sáng kiến an ninh hàng hải, phần lớn gói trên sẽ dành cho phía Philippines.
Ngoài ra, các quan chức Mỹ và Philippines còn nhấn mạnh rằng EDCA là nhằm đối phó một loạt các thách thức khác, không chỉ riêng Trung Quốc. Với chuyến thăm Philippines sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter vào tháng 4 tới, hai bên sẽ vạch ra các bước triển khai tiếp theo cho quan hệ quốc phòng Mỹ-Philippines cho giai đoạn còn lại của năm 2016.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.