Quân đội nhân dân Việt Nam và những cây bom 3 càng bất tử

Đức Hiếu - Vinh Hải Thứ ba, ngày 02/09/2014 09:13 AM (GMT+7)
Bom 3 càng được coi như biểu tượng của tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, gắn liền với cuộc kháng chiến 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô chống lại thực dân Pháp. Tuy chỉ tồn tại ngắn ngủi nhưng loại vũ khí thô sơ này và những người sử dụng nó có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam.
Bình luận 0

Để Thủ đô được hân hoan, rộn rã trong Ngày giải phóng (10.10.1954) với “5 cửa ô đón mừng, đoàn quân tiến về”, trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến 68 năm trước, hình ảnh quyết tử quân Hà Nội dùng bom 3 càng đánh xe tăng Pháp đã trở thành biểu tượng bất diệt cho tinh thần quả cảm, ý chí sắt đá, lòng gan dạ của quân và dân ta.

Từ câu chuyện ở bảo tàng…

Hà Nội những ngày cuối tháng 8, trong không khí tưng bừng của cả nước chào mừng Quốc khánh, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trên phố Điện Biên Phủ (Hà Nội) là điểm đến của rất nhiều du khách. Từ các cụ già, thanh niên cho tới các em nhỏ và du khách quốc tế, đoàn quân sự của Lào, Campuchia… ai ai cũng tỏ ra xúc động khi được nghe các hướng dẫn viên giới thiệu các bức ảnh, hiện vật về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của bộ đội Việt Nam trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm.

Đặc biệt, câu chuyện về những người chiến sĩ cảm tử (hay còn được mến phục gọi là quyết tử quân) cầm cây bom 3 càng trong tư thế sẵn sàng xung phong tiêu diệt xe tăng địch luôn thu hút sự quan tâm của hầu hết du khách.

img
Tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh tại vườn hoa Hàng Đậu, Hà Nội. 

 

Dừng chân ở khu vực trưng bày hiện vật, hình ảnh của quyết tử quân, chúng tôi đặc biệt chú ý tới bức tượng có dòng chú thích: “Chiến sĩ quyết tử Hà Nội dùng bom 3 càng sẵn sàng lao vào xe tăng địch”. Khi tôi hỏi về người chiến sĩ trong ảnh, chị hướng dẫn viên cho biết: Cách đây gần 16 năm, vào ngày 9.12.1998, một vị khách đến bảo tàng tự giới thiệu tên Nguyễn Văn Tỉnh (còn gọi là Nguyễn Văn Lang), anh ruột của quyết tử quân trong tấm ảnh. Quyết tử quân ấy là Nguyễn Văn Thiềng (bí danh Trần Thành Thiềng), sinh năm 1927, nhà ở số 44 phố Hàng Vôi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nguyễn Văn Thiềng tham gia cách mạng từ năm 1944, là đoàn viên Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu. Sau cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Thiềng gia nhập vào Đội Tự vệ quân chiến đấu trong thành. Tháng 11.1945, Nguyễn Văn Thiềng được Xứ ủy Bắc Kỳ cử đi học tại Trường Quân chính Bắc Sơn (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Hoàn thành khóa huấn luyện, Nguyễn Văn Thiềng được biên chế về Tiểu đoàn 212 mặt trận Hà Nội.

Ngày 23.12.1946, thực dân Pháp cho xe tăng theo đường Bà Triệu tiến đánh trụ sở Bộ Tổng tham mưu của ta. Trung đội do Nguyễn Văn Thiềng chỉ huy được giao nhiệm vụ chặn đánh địch. Trong trận đánh này, Nguyễn Văn Thiềng dũng cảm dùng bom 3 càng đánh hỏng 1 xe tăng địch ở ngã tư Bà Triệu- Trần Quốc Toản. Địch rút chạy, bỏ lại chiếc xe tăng bị hỏng. Ngay chiều hôm đó, địch lại cho xe tăng và bộ binh mở cuộc tấn công lớn hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta và kéo xe tăng bị hỏng buổi sáng.

Nguyễn Văn Thiềng tiếp tục ôm cây bom 3 càng khác lao vào xe tăng địch nhưng bom không nổ. Lính Pháp trên xe tăng bắn xối xả. Bị một viên đạn trúng cổ, người cảm tử quân ấy hy sinh khi mới 19 tuổi. Thi hài quyết tử quân Nguyễn Văn Thiềng được đồng đội chôn cất ngay tại sân sau Bộ Tổng tham mưu.

...đến những mong mỏi của người thân

Để được hiểu hơn về tấm gương anh dũng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thiềng, tôi đã tìm đến phố Hàng Vôi với hy vọng có thể tìm gặp người nhà quyết tử quân này. Nhưng thật tiếc, địa chỉ 44 Hàng Vôi hiện không còn, nhiều người sống lâu năm ở khu vực này cũng không biết nhà ông Nguyễn Văn Tỉnh (anh ruột liệt sĩ Thiềng) hiện ở đâu.

Quá trình tìm hiểu về bom 3 càng và những người lính Trung đoàn Thủ đô anh hùng, chúng tôi tình cờ được biết về tấm gương của một quyết tử quân khác là Lý Đàm Nghiên - quyết tử quân đầu tiên ở đê Kim Liên. Trong thời điểm sục sôi của chiến trận Hà Nội năm 1946, khoảng 10 tổ quyết tử quân được thành lập với hơn 100 đội viên. Những chiến sĩ cảm tử anh hùng ấy thường mặc áo trấn thủ, đeo khăn đỏ. Nhiều lúc, họ còn được tổ chức truy điệu sống trước khi xung trận.

Trung đoàn 37 của Lý Đàm Nghiên khi ấy được điều vào làm nhiệm vụ ở khu vực nội thành Hà Nội, gồm: Cầu Giấy, Hoàng Hoa Thám, đê Yên Phụ và chốt giữ dài ngày ở Đại Cồ Việt, Kim Liên, Khâm Thiên, Cầu Mới. Ngày 13.1.1947, quyết tử quân Lý Đàm Nghiên đã anh dũng dùng bom 3 càng đánh xe tăng địch và hy sinh anh dũng. Ông đã được chính các đồng đội tôn vinh anh hùng khi hy sinh ở tuổi 21. Năm 2000, liệt sĩ Lý Đàm Nghiên đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Làng Lũng Kinh thuộc tỉnh Hà Đông xưa (nay là xã Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội) chính là nơi sinh của Lý Đàm Nghiên. Tại đây, đoạn đường từ ngã tư Trạm Trôi đến ngã tư Sơn Đồng đã từng mang tên Lý Đàm Nghiên, nhưng sau đó được đổi thành đường 422. Thực tế, những người thân của liệt sĩ Lý Đàm Nghiên vẫn mong mỏi có một con đường mang tên quyết tử quân Lý Đàm Nghiên như một cách tri ân, ghi nhớ hành động dũng cảm của liệt sĩ năm xưa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Đàm Nghĩa (45 tuổi) - người gọi liệt sĩ Lý Đàm Nghiên bằng chú, tâm sự: “Trước đây, đại tá Mai Đắc Hiền, người từng là trung đội trưởng của liệt sĩ Lý Đàm Nghiên đã đề cập và ủng hộ việc có một con đường mang tên Lý Đàm Nghiên ở quê hương liệt sĩ. Tiếc là đến cuối năm 2012, đại tá Hiền đã qua đời.

Tại địa phương, đã từng có con đường mang tên Lý Đàm Nghiên nhưng sau đó không hiểu vì sao lại bị đổi tên. Gia đình và cả lãnh đạo địa phương đã gửi đơn đề nghị tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đã nhận được trả lời. Chúng tôi rất mong con đường đó lại được mang tên Lý Đàm Nghiên, để thể hiện sự biết ơn của những thế hệ sau đối với những người lính trong đội cảm tử quân như chú tôi”.

Hiện nay, tại Hà Nội đã có một số phố mang tên của những quyết tử quân ôm bom 3 càng tiêu diệt xe tăng của Pháp như phố Lê Gia Đỉnh (thuộc phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng), mang tên quyết tử quân Lê Gia Đỉnh hay còn gọi là quyết tử quân số 1. Ông sinh 1920, hy sinh anh dũng trong trận đánh bảo vệ Bắc Bộ Phủ ngày 20.12.1046.

Phố Nguyễn Phúc Lai thuộc phường Hoàng Cầu (quận Đống Đa), mang tên quyết tử quân Nguyễn Phúc Lai, sinh năm 1928, hy sinh năm 1947 khi chặn đánh địch trên đê La Thành, cạnh làng Giảng Võ.

PGS - TS sử học Phạm Xanh: Sáng tạo, dũng cảm tuyệt vời

Có thể nói việc các chiến sĩ cảm tử quân dùng bom 3 càng để tiêu diệt xe tăng, xe cơ giới địch là cách đánh có tính sáng tạo và tinh thần dũng cảm tuyệt vời. Tinh thần đó xuất phát từ ngay trong lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước... Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”. Ý tứ đó cũng nằm trong Bản Tuyên ngôn độc lập “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. 

Phát huy tinh thần đó, các chiến sĩ bảo vệ Thủ đô trong 60 ngày đêm khói lửa đã sáng tạo ra cách đánh bom 3 càng. Đây là loại vũ khí rất đặc biệt, nó có sức công phá lớn, có thể tiêu diệt mục tiêu kiên cố của kẻ thù, sử dụng linh hoạt trong địa bàn hẹp. Tuy nhiên khi sử dụng nó người chiến sĩ đã biết trước sự hy sinh. Khi xe tăng giặc cháy nổ, người cũng không còn. Khi ra trận, sự sống và cái chết rất mong manh, nhưng với nhiệm vụ ôm bom 3 càng lao vào xe tăng địch thì người chiến sĩ đã thấy trước sự hy sinh trước khi nhiệm vụ hoàn thành. 
Ngọc Lương (ghi)
Cụ Bùi Huy Hùng (86 tuổi) - chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô: Được đánh bom là điều vinh dự

Bom 3 càng được thiết kế theo nguyên tắc đạn lõm, cán dài, phần đầu như cái phễu rỗng, trong chứa chất nổ, nguyên tắc nổ là nổ đạn lõm. Khi nổ theo hình phễu nó tạo nên một luồng sức nóng với nhiệt độ cực lớn và tập trung nên xuyên thủng được xe tăng. Lượng bom 3 càng chúng ta không có nhiều, đơn vị chúng tôi cả 200 người nhưng chỉ có 1 quả. Ai được phân công là vinh dự lắm, được tin tưởng lắm, chúng tôi không quan niệm nhận nhiệm vụ đánh bom 3 càng là nhận sự hy sinh, anh em lúc đó ai cũng nghĩ là nhận một nhiệm cao cả.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (92 tuổi) - chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô: Uy hiếp tinh thần địch

Khi giao nhiệm vụ đánh bom 3 càng, anh em trong đơn vị ai cũng xung phong nhận nhiệm vụ, nhưng trong số xung phong cũng phải có chọn lọc, phải là người khỏe, người nhanh nhẹn, nếu không xe tăng nó vụt đi thì mất cơ hội đánh. Đã cầm bom 3 càng là chấp nhận sự hy sinh, thế nhưng ý nghĩa của nó thể hiện sự kiên cường trước kẻ thù. 

Bọn chúng muốn uy hiếp ta về vũ khí, phương tiện chiến tranh, ta thể hiện sự dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để chống trả. Về mặt tinh thần, ta đã gây cho kẻ địch tâm lý hoang mang, sợ hãi, về mặt vật chất ta cũng phá được những phương tiện cơ giới của địch. 

Sau khi rút ra vùng kháng chiến, Bác Hồ đã chỉ thị là không sản xuất bom 3 càng nữa bởi sự hy sinh mất mát là quá lớn. Loại vũ khí này có tác dụng lớn trong thời gian của 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem