Quận Gò Vấp có nhiều sản phẩm tiềm năng gắn sao OCOP
Hồng Phúc - Thúy Liên
Thứ tư, ngày 14/08/2024 14:48 PM (GMT+7)
Quận Gò Vấp có nhiều sản phẩm OCOP tiềm năng như bún, hoa - cây kiểng, cá cảnh, hoa vải, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Nhiều chủ thể mong muốn được gắn sao OCOP để gia tăng giá trị cho sản phẩm địa phương.
Sáng 14/8, UBND quận Gò Vấp, TP.HCM tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và kết nối giới thiệu sản phẩm tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Bà Bùi Thị Như Hoa - Trưởng phòng Kinh tế quận Gò Vấp, cho biết trên địa bàn quận hiện nay, có nhiều sản phẩm của các HTX, cơ sở, hộ kinh doanh, câu lạc bộ tiềm năng tham gia vào Chương trình OCOP như lươn đồng, bún, cây - hoa kiểng, cá cảnh, hoa vải, hoa giấy, sản phẩm thủ công mỹ nghệ…
Theo bà Hoa, trước đây, các chủ thể chưa quan tâm nhiều OCOP, vì cho rằng chương trình chỉ phù hợp với các huyện ngoại thành TP.HCM.
Hội nghị tập huấn, triển khai Chương trình OCOP tại quận Gò Vấp sáng 14/8. Ảnh: Thúy Liên
Tuy nhiên, khi hiểu rõ hơn về chương trình, đặc biệt là 6 nhóm sản phẩm đăng ký OCOP thì quận Gò Vấp có nhiều sản phẩm phù hợp. Hiện nhiều chủ thể sản xuất, doanh nghiệp đã quan tâm đăng ký, phát triển sản phẩm OCOP.
Trao đổi tại hội nghị, nhiều cơ sở sản xuất quận Gò Vấp bày tỏ mong muốn được tham gia đánh giá, gắn sao OCOP. Đại diện các chủ thể chia sẻ những khó khăn hiện nay về vấn đề vùng nguyên liệu, người lao động, kế toán, doanh thu, lợi nhuận… để làm cơ sở minh chứng khi tham gia đánh giá OCOP.
Ông Đỗ Thanh Phương - đại diện Công ty P&K, cho biết công ty của ông đã có một số sản phẩm trà bồ công anh được Đồng Tháp công nhận OCOP. Hiện ông muốn tham gia đánh giá OCOP tại TP.HCM cho sản phẩm cà phê bồ công anh.
Theo ông Phương, đo đặc thù của TP.HCM nên vùng nguyên liệu của công ty phải dời về tỉnh Đồng Tháp, cà phê được mua tại TP.HCM nên doanh nghiệp gặp khó khăn về minh chứng nguồn nguyên liệu. Ông thắc mắc trong tình hình như vậy, cà phê bồ công anh có đánh giá OCOP tại quận Gò Vấp, TP.HCM được hay không.
Đây cũng là thắc mắc của nhiều chủ thể, doanh nghiệp tại TP.HCM muốn đăng ký tham gia OCOP thời gian qua.
Bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NNPTNT TP.HCM, cho biết nguồn nguyên liệu là tiêu chí quan trọng để tham gia đánh giá, công nhận OCOP. Với đặc thù của TP.HCM hiện nay, vùng nguyên liệu trồng, canh tác không phải là lợi thế của thành phố. Nhưng công nghệ, kỹ thuật chế biến, gia tăng giá trị sản phẩm chính là lợi thế của doanh nghiệp tại TP.HCM.
Vì vậy, các chủ thể sản xuất cần lưu ý xác định đúng bộ tiêu chí của từng nhóm, phân nhóm sản phẩm để áp dụng, chấm điểm phù hợp. TP.HCM cũng xem xét đánh giá OCOP cho sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao, chỉ cần có sử dụng nguồn nguyên liệu tại thành phố.
Khi được công nhận OCOP, sản phẩm sẽ được cấp giấy chứng nhận, gắn sao, được người tiêu dùng dễ nhận diện, mua sắm và sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, chủ thể OCOP sẽ được tham gia các chương trình giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm do TP.HCM tổ chức.
Tính đến kỳ đánh giá gần nhất, TP.HCM hiện có 191 sản phẩm OCOP từ 3-4 sao của 67 chủ thể. Trong đó, 79 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 112 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.
Nhiều sản phẩm OCOP tại TP.HCM như bột rau má, bột rau tía tô của công ty Thiên Nhiên Việt, mật ong Xuân Nguyên, cà phê nông sản Meet More, mật dừa nước Vietnipa, khô cá dứa, xoài cát Cần Giờ… ngày càng có độ phủ rộng, được người tiêu dùng ưa chuộng, đã và đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.