Quan hệ giữa nhà thầu với chủ đầu tư còn chưa bình đẳng?
Quan hệ giữa nhà thầu với chủ đầu tư còn chưa bình đẳng?
Vũ Khoa
Thứ bảy, ngày 24/08/2024 07:26 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia đấu thầu, về hình thức, quan hệ giữa nhà thầu và chủ đầu tư là đối tác, tuy nhiên trong mọi sự cố, nhà thầu thường là bên chịu thua thiệt.
Theo chuyên gia đấu thầu, tình trạng hồ sơ mời thầu có yêu cầu không bám sát hướng dẫn tại Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT, cũng như tham chiếu nghiêm túc Thông tư số 06/2021/TT-BXD khá phổ biến. Hồ sơ mời thầu do đó xuất hiện hàng loạt tiêu chí khác thường, khu biệt, chi tiết đối với hợp đồng tương tự khiến tình trạng "đo ni đóng giày" cho nhà thầu lộ rõ.
Ví dụ như tại Gói thầu số 11 Thi công xây dựng thuộc Dự án Xử lý sạt lở bờ tả sông Vạc, huyện Kim Sơn do Ban QLDA ĐTXD công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình làm bên mời thầu. Gói thầu đã phát sinh kiến nghị liên quan đến yêu cầu về hợp đồng tương tự.
Kiến nghị cho rằng, hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải có kinh nghiệm thi công công trình trong một lĩnh vực cụ thể (lĩnh vực đê điều) là đưa ra điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm khoản 3, Điều 44 Luật Đấu thầu.
Hay Gói thầu số 01 thuê dịch vụ vệ sinh công nghiệp tại Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng năm 2024. Nhà thầu kiến nghị rằng, hồ sơ mời thầu yêu cầu hàng loạt chứng chỉ đối với vị trí nhân viên vệ sinh là đang vi phạm thông tư 08/2022/TT-BKHĐT.
Cùng đó, nhà thầu cho rằng, chủ đầu tư đang có dấu hiệu vi phạm luật đấu thầu nhằm tạo sự hạn chế cho các nhà thầu khác. Sau kiến nghị này, Chủ đầu tư đã thay đổi tiêu chí.
Thời gian gần đây, tình trạng nhà thầu có kiến nghị phản ứng với hồ sơ mời thầu thường xuyên xuất hiện. Không ít trong số đó là những kiến nghị đúng, khiến chủ đầu tư phải thay đổi tiêu chí mời thầu. Tuy nhiên, theo giới phân tích, hành lang chế tài nhằm hạn chế cạnh tranh hiện nay chủ yếu "nhắm" về nhà thầu. Phía chủ đầu tư khi có sai sót chỉ cần sửa hồ sơ mời thầu.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, Giám đốc Công ty Xây dựng Tân Việt Lã Ngọc Anh cho rằng, trong hoạt động đấu thầu, khi chủ đầu tư sửa đổi hồ sơ mời thầu đồng nghĩa với việc nhà thầu sẽ phải tiêu tốn nhân lực để bổ sung thông tin trong hồ sơ dự thầu dù trước đó đã hoàn thiện.
"Theo hiểu biết của tôi, hiện nay chưa có cơ chế nào đối với Chủ đầu tư khi có sai sót, sửa đổi. Trong khi nhà thầu chỉ lỗi nhỏ cũng sẽ bị xử phạt. Dù vậy, để xử lý chủ đầu tư cũng rất khó bởi nếu gói thầu là vốn nhà nước thì không thể lấy tiền của nhà nước để nộp phạt", ông Ngọc Anh nói.
Thiệt thòi của nhà thầu diễn ra ngay cả khi các dự án đã được phê duyệt và triển khai. Tại nhiều gói thầu, công tác giải phóng mặt bằng không chỉ làm chậm tiến độ thi công công trình, lãng phí nguồn lực đầu tư mà còn khiến cho nhà thầu rơi vào cảnh "ôm nợ".
Hiện nay, cơ chế bảo lãnh trong hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư nhà nước và nhà thầu xây dựng gồm: Bảo lãnh đấu thầu (khi dự thầu); Bảo lãnh thực hiện hợp đồng (nếu trúng thầu); Bảo lãnh tạm ứng (khi bắt đầu nhận tạm ứng); Bảo lãnh bảo hành (khi xong công trình).
Chia sẻ với phóng viên, nhiều nhà thầu xây dựng gặp phải công trình thi công dở dang, tạm dừng do chưa có mặt bằng cho biết họ phải "chôn" vốn bảo lãnh vì gói thầu chậm tiến độ, không thanh toán được. Dù đây là lỗi từ phía chủ đầu tư, thế nhưng đa phần nhà thầu "ngậm bồ hòn làm ngọt".
Phân hóa cả trong quan hệ tư nhân
Mặc dù hình thức là đối tác, tuy nhiên sự phân hóa trách nhiệm không chỉ các Chủ đầu tư nhà nước, quan hệ giữa nhà thầu với chủ đầu tư tư nhân cũng đang có những vấn đề bất bình đẳng.
Tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về những thách thức và kiến nghị giải pháp vào tháng 4/2024, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng cho rằng, mặc dù đã phân hóa thành hai dòng vốn khác nhau, tính chất sở hữu khác nhau nhưng một tồn tại rất lớn là hàng lang pháp lý, cơ chế áp dụng lại không khác nhau từ mẫu hợp đồng, quan hệ trách nhiệm, nghĩa vụ giữa chủ đầu tư và nhà thầu đều áp dụng giống nhau.
Nhà thầu phải chịu 4 cơ chế bảo lãnh như nêu trên, ngược lại chủ đầu tư không có bất cứ bảo lãnh gì về khả năng thanh toán, khả năng tài chính chứng minh cho nhà thầu về năng lực tài chính, hoặc ràng buộc trách nhiệm về công tác thanh toán. Từ tình trạng đặc thù của hành lang pháp lý, đa số các nhà thầu xây dựng đều lâm vào cảnh công nợ, bị chủ đầu tư chiếm dụng vốn và gây ảnh hưởng lớn tới bức tranh tài chính của nhà thầu.
Để giải quyết sự bất bình đẳng giữa nhà thầu với chủ đầu tư, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng chế tài đủ mạnh để giải quyết triệt để tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, cụ thể. Cần điều chỉnh quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu theo những nguyên tắc bình đẳng, cả hai bên phải có trách nhiệm với nhau.
Cụ thể, nhà thầu bảo lãnh thực hiện hợp đồng với chủ đầu tư, thì ngược lại chủ đầu tư cũng phải bảo lãnh thanh toán với nhà thầu. Chủ đầu tư nếu chậm thanh toán phải có cơ chế phạt lãi để bảo vệ nhà thầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.