Quan hệ kinh tế Nhật - Việt bùng nổ dưới nhiệm kỳ của cố Thủ tướng Abe Shinzo
Quan hệ kinh tế Nhật - Việt bùng nổ dưới nhiệm kỳ của cố Thủ tướng Abe Shinzo
An Linh
Thứ bảy, ngày 09/07/2022 13:20 PM (GMT+7)
Trong 8 năm giữ chức Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản, cố Thủ tướng Abe Shinzo đã giúp quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản có những bước tiến thực sự đột phá.
Về ba trụ cột thương mại, đầu tư và vốn viện trợ ODA, Nhật luôn đứng ở top đầu và thể hiện tầm quan trọng của đối tác đặc biệt mà Việt Nam hướng đến kể từ khi bước vào đổi mới và xây dựng nền kinh tế theo định hướng thị trường.
Giai đoạn 2012 đến 2020, trải qua 8 năm cầm quyền trong Chính phủ Nhật Bản, cố Thủ tướng Abe Shinzo đã có nỗ lực thúc đẩy đầu tư lớn của cả doanh nghiệp Nhật Bản lẫn đầu tư của Chính phủ Nhật vào Việt Nam thông qua cơ chế ưu đãi ODA.
Tổng lượng vốn FDI Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam từ 2012 đến 2020 đạt trên con số 43,6 tỷ USD, chiếm trên 72% tổng vốn FDI của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam từ trước đến hết tháng 12/2020 (luỹ kế đến hết tháng 12/2020 là 60,2 tỷ USD).
Chỉ trong 8 năm (2012 - 2020) sự kế thừa và phát triển quan hệ thương mại và đầu tư Nhật - Việt, cố Thủ tướng Shinzo Abe đã trở thành cầu nối giúp hai nền kinh tế sát cánh mạnh mẽ và Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào các tổ chức song, đa phương dưới sự giúp đỡ của Nhật Bản như quan sát viên G7, G20, cùng tham gia vào các tổ chức như CPTPP (trong đó Nhật là thành viên).
Có thể nói, các tập đoàn lớn của Nhật hiện diện sớm và ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng ở Việt Nam như Toyota, Honda, Canon, AEON, Uniqlo hay tham gia vào các lĩnh vực tài chính như Mizuho sở hữu cổ phần của Vietcombank, Sumitomo Mitsui Banking sở hữu cổ phần của Eximbank.
Hạ tầng cầu đường, điện, công trình thuỷ lợi, y tế, giáo dục hay cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam đều có đóng góp của phía Nhật Bản nói chung và chính sách quan trọng của cố Thủ tướng Abe nói riêng.
Từ khi Nhật Bản nối lại cung cấp vốn ODA cho Việt Nam 1993, chỉ 20 năm sau khi nước này thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (1973), vốn ODA của Nhật vào Việt Nam ngày một lớn.
Theo báo cáo của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), giai đoạn 2010 đến tháng 3/2020, vốn ODA của Nhật cam kết cho Việt Nam là hơn 34 tỷ USD, trong đó vốn vay có lãi suất là trên 29 tỷ USD, vốn vay ưu đãi là 1,8 tỷ USD và vốn viện trợ không hoàn lại 3 tỷ USD (chiếm gần 10% tổng vốn ODA của Nhật cho Việt Nam). Số giải ngân thực tế theo báo cáo từ năm 1992 cho đến nay là khoảng 17 tỷ USD.
Rất nhiều dự án đầu tư đường sá, cầu cống và cơ sở hạ tầng của Việt Nam có sự hiện diện của Nhật Bản dưới thời của cố Thủ tướng Abe như đường vành đai 3 trên cao ở Hà Nội, nhà ga T2 sân bay Nội Bài (2011-2015), cầu Nhật Tân (2011- 2015)…
Đối tác thương mại hàng đầu, hình mẫu đặc biệt
Về thương mại, sự vực dậy nhanh chóng của kinh tế Nhật Bản dưới thời cố Thủ tướng Abe Shinzo bằng các chính sách cải cách kinh tế, cởi mở tài chính từ Abenomics không chỉ giúp nước Nhật thoát khỏi hàng thập kỷ trì trệ mà còn duy trì hợp tác sâu rộng với các đối tác được Nhật coi trọng hàng đầu ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Từ năm 2012, khi ông Abe Shinzo tái đắc cử chức vụ Thủ tướng lần 2, với nhiệm kỳ lâu nhất trong lịch sự (8 năm), thương mại hai chiều Nhật - Việt đạt nhiều thành tựu rực rõ, từ mức 24,8 tỷ USD (năm 2012) tăng lên 39,5 tỷ USD (năm 2020), tăng gần 15 tỷ USD, tương đương khoảng 60%.
Trong đó cán cân thương mại luôn thặng dư về phía Việt Nam, tổng thặng dư thương mại giai đoạn 2012-2020 là 4,24 tỷ USD.
Trong quan hệ đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu giữa hai nước luôn ở trạng thái cân bằng, không gây thâm hụt hoặc thặng dư giữa các bên quá lớn, chỉ dao động từ 2 tỷ USD/năm.
Cụ thể, từ năm 2012, thặng dư thương mại của hàng Việt vào Nhật là 1,8 tỷ USD, năm 2013 là 2 tỷ USD và 2013 là 1,8 tỷ USD, các năm sau đó Việt Nam thâm hụt thương mại với Nhật Bản do các nhà đầu tư Nhật tăng cường mua sắm thiết bị, vật tư nhờ FDI Nhật Bản ở Việt Nam lớn hoặc các dự án ODA có cam kết mua máy móc, thiết bị từ Nhật. Tuy nhiên, số thâm hụt này không quá lớn, trầm trọng, chỉ khoảng từ 100 triệu USD (2017) đến con số lớn nhất 1,1 tỷ USD (2020).
Với một nền kinh tế lớn, nhà đầu tư, đối tác thương mại, ODA lớn hàng đầu tại Việt Nam, nhưng thương mại cân bằng trong nhiều năm cho thấy sự tương hỗ của hai nền kinh tế ngày một lớn dần cùng với đà tăng của quy mô kim ngạch. Đây là quan hệ đặc biệt, hiếm có trong mối quan hệ thương mại song và đa phương trên thế giới vốn phụ thuộc, lệ thuộc chặt chẽ với nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.