Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phục hồi, Vinafor kỳ vọng lãi hàng trăm tỷ đồng
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phục hồi, Vinafor kỳ vọng lãi hàng trăm tỷ đồng
Nguyễn Phương
Thứ tư, ngày 10/07/2024 08:14 AM (GMT+7)
Năm 2024, với thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ dần phục hồi, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP (Vinafor; HNX: VIF) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất toàn Tổng Công ty đạt gần 2.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 317 tỷ đồng...
Tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 2.026 tỷ đồng
Ông Lê Quốc Khánh – Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Vinafor cho biết: Năm 2023, Vinafor triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ trong bối cảnh trong và ngoài nước hết sức khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều gian nan (đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến, chế tạo), tình trạng thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến; nhu cầu thị trường sụt giảm và bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023, tổng doanh thu của Công ty mẹ Vinafor đạt 1.407 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng. Kết quả hợp nhất toàn Tổng công ty, tổng doanh thu đạt 2.026 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 276 tỷ đồng. Kết quả ước thực hiện lâm sinh, chỉ số tạo rừng mới năm 1 đạt 2.890 ha, khai thác gốc rừng trồng đạt 2.613 ha. Tỷ lệ chi trả cổ tức đạt 9,21%/vốn điều lệ.
Về công tác lâm nghiệp, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống, năm 2023, Vinafor sản xuất và tiêu thụ cây giống là 37,43/41,22 triệu cây giống các loại. Năng suất bình quân các giống này tại mô hình khảo nghiệm vào đạt 22-25 m3/ha/năm tùy từng dòng; tiếp tục theo dõi, trồng thí điểm mở rộng và đưa vào trồng đại trà khi đã được cấp có thẩm quyền công nhận giống.
Hiện nay, Tổng Công ty vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động liên doanh liên kết, hợp tác quốc tế để thành lập các liên doanh mới, phát triển lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng cao như tiếp tục hợp tác, làm việc với Tập đoàn Sojitz, Công ty J-Power (Nhật Bản) và Công ty TNHH Hoàng Đại Vương để nghiên cứu triển khai một số dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất viên nén gỗ năng lượng tại Quảng Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phục hồi, Vinafor kỳ vọng lãi hàng trăm tỷ đồng năm nay
Vinafor nhìn nhận: Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ những tháng đầu năm nay đã tăng trưởng mạnh trở lại nhờ sự phục hồi từ thị trường.
Ứớc tính, trong tháng 6/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD, giảm 1,1% so với tháng 5/2024, nhưng tăng 13,6% so với tháng 6/2023; trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 840 triệu USD, tăng 0,6% so với tháng 5/2024, nhưng tăng 10,4% so với tháng 6/2023.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2023; Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 5,03 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong bối cảnh sáng đó, Vinafor cũng ghi nhận lãi ròng tăng tới gần 19%, lên 117 tỷ đồng trong quý I, cũng là mức lãi cao nhất 6 quý trở lại đây.
Vinafor cho biết, lợi nhuận tăng do một số công ty có vốn góp của Tổng Công ty có lợi nhuận khai thác sản phẩm tốt hơn cùng kỳ và tiết giảm chi phí hoạt động cũng như chưa triển khai một số chi phí theo kế hoạch.
Đại hội đồng cổ đông Vinafor năm 2024 vừa diễn ra đã biểu quyết nhất trí thông qua các nội dung quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển của Tổng Công ty. Riêng về chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, với thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ dần phục hồi, Vinafor đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất toàn Tổng Công ty đạt gần 2.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 317 tỷ đồng...
Ông Phí Mạnh Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafor nhấn mạnh, trên cơ sở kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, Tổng Công ty sẽ tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 đã đề ra.
Vinafor đang hướng tới phát triển và xây dựng Tổng Công ty trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp (về giống cây lâm nghiệp, trồng rừng thâm canh...). Tổng Công ty đang làm việc với các cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn để sớm có tín chỉ carbon từ hoạt động lâm nghiệp, thể hiện vai trò của doanh nghiệp nhà nước với 3 mục tiêu chính: Nâng cao hiệu quả kinh doanh trồng rừng thông qua mua bán tín chỉ carbon; trở thành nhà đầu tư sâu rộng, tham gia trực tiếp đầy đủ vào thị trường, mua bán, kinh doanh tín chỉ carbon (ngoài các diện tích rừng của Tổng Công ty); xây dựng thương hiệu Vinafor đi đầu trong lĩnh vực đầu tư, mua bán, kinh doanh tín chỉ carbon...
Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - công ty cổ phần, tiền thân là Tổng Công ty Lâm sản Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 667/TCLĐ ngày 4/10/1995 của Bộ Lâm nghiệp (cũ) trên cơ sở sáp nhập 10 Tổng công ty và Liên hiệp các xí nghiệp thuộc Bộ Lâm nghiệp - nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.