TS Masaya cho biết, đã có bằng chứng cho thấy, virus Zika có thể lây qua đường tình dục, do đó, một trong những biện pháp đề phòng sự lây lan của virus chính là quan hệ tình dục an toàn.
Hiện WHO đã xác định “con đường” lây lan của virus Zika chủ yếu là qua muỗi đốt (muỗi mang virus Zika từ người bệnh sang người lành) và lây truyền từ mẹ sang con. Đã có bằng chứng xác định virus lây truyền qua quan hệ tình dục và đường truyền máu tuy nhiên không phổ biến. Nhưng WHO vẫn khuyến cáo nên quan hệ tình dục an toàn thời “virus Zika” đồng thời khuyến cáo việc hiến và truyền máu cần được tuân thủ theo đúng quy trình chuẩn để đảm bảo an toàn.
Ảnh minh họa
Theo PGS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khó khăn nhất trong việc chẩn bệnh do virus Zika là có đến hơn 80% người nhiễm virus này không có biểu hiện bệnh. Do đó, tỷ lệ người lành mang virus rất cao trong cộng đồng và không thể phòng ngừa. Còn các ca có triệu chứng bệnh thường là biểu hiện nhẹ như sốt nhẹ, phát ban, mệt mỏi, dễ bị chẩn đoán nhầm sang sốt xuất huyết hoặc sốt phát ban thông thường. Để chẩn đoán bệnh nhân có nhiễm virus Zika hay không chỉ có thể bằng các xét nghiệm máu.
Do đó, PGS Phu khuyến cáo, các trường hợp sốt, phát ban, mệt mỏi nên đi khám để được chẩn đoán chính xác. “Tỷ lệ bệnh nhân bị mắc virus Zika có triệu chứng nặng hoặc tử vong là rất thấp, hầu hết tự khỏi, do đó, người dân không nên quá hoang mang mà nên tuân theo các chỉ dẫn của ngành y tế” – PGS Phu nhận định.
PGS Phu cũng cho biết, riêng đối với các thai phụ có thai dưới 12 tuần, nghi ngờ mắc virus Zika hoặc người nhà, hàng xóm có người mắc virus Zika thì nên đi khám để được chẩn đoán và tư vấn.
“Thời gian ủ bệnh Zika khoảng 2-12 ngày sau khi bị muỗi đốt. Khoảng 75-80% số bệnh nhân bị nhiễm virus Zika không có biểu hiện lâm sàng. Biểu hiện của bệnh thường sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân; Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược. Một số bệnh nhân còn có thể bị đau bụng, tiêu chảy… Bệnh do virus Zika chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể điều trị các triệu chứng như hạ sốt, giảm đau... Người nhiễm virus này được khuyên nên nghỉ ngơi nhiều hơn, uống nước đầy đủ, nếu nặng hơn nên đến gặp bác sĩ” - PGS Trần Đắc Phu .
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.