Ngày 7.8, Tòa án thành phố Kiev (Ukraina) đã ra lệnh cấm phe đối lập biểu tình và tụ tập quanh trụ sở Tòa án quận Pecher, nơi đã thông qua quyết định bắt giam cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, người được mệnh danh là “Nữ hoàng khí đốt” vào ngày 5.8 vừa qua.
Căng thẳng gia tăng từng giờ
Tòa án Kiev đã ban hành lệnh cấm trên sau khi phe đối lập ủng hộ cựu Thủ tướng Tymoshenko dựng lên khoảng 30 lều vải sau trụ sở Tòa án quận Pecher, đồng thời tuyên bố sẽ "biểu tình ngồi" vô thời hạn để đòi thả bà Tymoshenko.
Trong khi đó, đám đông ủng hộ việc bắt giam bà Tymoshenko cũng đã kéo đến khu vực này, nhưng họ bị cảnh sát ngăn lại để tránh khả năng hai phe xung đột với nhau. Cảnh sát chống bạo động đã được điều tới giám sát khu vực này, nhưng chưa có hành động giải tán đám đông phản đối.
|
Bà Yulia Tymoshenko trước lúc bị bắt giam. |
Trước làn sóng đòi thả bà Tymoshenko của một số nước trên thế giới, chiều 6.8, Bộ Ngoại giao Ukraina đã ra tuyên bố xác nhận cựu Thủ tướng Tymoshenko đã bị bắt và bị tạm giam đến hết ngày 31.8, do bà đã công khai bày tỏ thái độ không tôn trọng tòa án và cản trở quá trình điều tra về hợp đồng mua khí đốt năm 2009 mà Viện Kiểm sát Ukraina cáo buộc bà đã làm thiệt hại cho ngân sách quốc gia hơn 200 triệu USD.
Tại các phiên tòa trước đó, bà Tymoshenko thường xuyên có thái độ và những lời nói lăng mạ thẩm phán khi bà gọi người này là “ác quỷ”. Chính vì thái độ này, Tòa án Kiev đã thông qua lệnh tạm bắt giam bà Tymoshenko.
Bà và những người ủng hộ cho rằng vụ bắt giữ này là một phần trong âm mưu trả thù của Tổng thống Viktor Yanukovych, đối thủ của bà. Từ khi lên nắm quyền, ông Yanukovych đã đặt mục tiêu đưa đất nước gồm 46 triệu dân này gia nhập EU, đồng thời tìm cách triệt hạ những người chỉ trích ông là con rối của Điện Kremlin.
Quan hệ Ukraina - EU dậy sóng
Hãng tin AFP ngày 7.8 đã dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, việc cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko bị bắt giữ khó có thể gây ra một cuộc nổi dậy tương tự cuộc Cách mạng Cam năm 2004, nhưng sẽ tạo nên những căng thẳng nghiêm trọng trong quan hệ của nước này với Liên minh châu Âu (EU). Vụ bắt giữ nhà lãnh đạo đối lập này của Ukraina sẽ làm tổn hại đến thỏa thuận hợp tác khí đốt giữa EU-Ukraina đã được đề xuất.
Bộ Ngoại giao Ukraina nói rằng, họ không tin tương lai của Ukraina "sẽ phụ thuộc vào số phận và sự nghiệp của một nhà chính trị". Thủ tướng Mykola Azarov cho biết, Chính phủ đang cố gắng tạo dựng "một nền tảng thực sự cho việc Ukraina gia nhập EU trong tương lai".
Một số nước thành viên EU đã bày tỏ lo ngại về vụ bắt giữ, và theo các nhà phân tích, vụ việc này có thể báo hiệu sự chấm dứt kế hoạch nối lại quan hệ với EU của ông Yanukovych.
Volodymyr Fesenko, phụ trách Trung tâm Nghiên cứu chính trị Penta, cho rằng, mặc dù vụ bắt giữ sẽ không làm gián đoạn các cuộc đàm phán về thỏa thuận hợp tác và thỏa thuận thương mại tự do, song nó có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho việc Ukraina gia nhập EU.
Ông Fesenko cho rằng: "Nếu bà Tymoshenko vẫn bị giam giữ, điều này có thể ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán và cho dù (thỏa thuận hợp tác) được ký kết thì việc phê chuẩn nó cũng có thể sẽ gặp rắc rối".
Trong diễn biến liên quan, Mỹ cũng đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà Tymoshenko. Trang web của Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kiev cho biết vụ bắt giữ bà Tymoshenko "đã gây ra những quan ngại trên bình diện quốc tế về việc áp dụng pháp quyền ở Ukraina và cho thấy rõ hơn những sự truy tố mang động cơ chính trị".
Quang Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.