Quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn TP.HCM là vấn đề nổi cộm
Đoàn giám sát của QH khóa XV làm việc với UBND TP.HCM: Quản lý, sử dụng đất đai là vấn đề nổi cộm
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 28/07/2022 18:35 PM (GMT+7)
Ngày 28/7, đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV làm việc với UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các thành viên đoàn giám sát và các đại biểu TP.HCM đi sâu phân tích những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo của chính sách pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Từ các cuộc giám sát tại các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, phải chăng công tác dự báo chiến lược tầm quốc gia, tầm TP.HCM là chưa tốt? Khi ban hành các chính sách pháp luật, định mức tiêu chuẩn của các cấp, có hay không việc không đánh giá đầy đủ tác động?
Báo cáo kết quả rà soát sơ bộ qua làm việc bước đầu với UBND TP.HCM, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn TP.HCM là vấn đề nổi cộm, cũng là vấn đề khó, nhiều trường hợp do lịch sử để lại, do hậu quả của các nhiệm kỳ trước. Một số vấn đề vượt quá thẩm quyền xử lý của TP.HCM, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và do chính sách, pháp luật.
Một số nội dung cụ thể được tổ công tác nêu ra, đó là cần xử lý dứt điểm các trường hợp dự án "treo", quy hoạch "treo", bỏ hoang, chậm đưa đất vào sử dụng, lấn chiếm đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch.
Cùng với đó, TP.HCM tuyệt đối không bố trí quỹ đất cho các mục đích sử dụng chưa phù hợp với nhu cầu thực tế do không lường hết những khó khăn trong quá trình thi công giải phóng mặt bằng, huy động vốn đầu tư.
Một số dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ, nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, làm giảm hiệu quả nguồn vốn, lãng phí ngân sách nhà nước như dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên qua 14 năm thực hiện vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành, đội vốn từ 7.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng;
Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành - Tham Lương (ADB, KfW, EIB), được phê duyệt tháng 10/2020 nhưng TP.HCM báo cáo thời gian hoàn thành đưa vào khai thác dự kiến phải đến năm 2030. Dự án này cũng đội vốn từ hơn 26.100 tỷ đồng năm 2010 lên hơn 47.800 tỷ vào năm 2018.
Trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất, 2 dự án mà tổ công tác thực hiện khảo sát gồm dự án Khu đô thị Nam TP.HCM và Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đều có quy mô rất lớn nhưng sau rất nhiều năm, vẫn dở dang với nhiều vướng mắc, đất đai bỏ hoang, lãng phí rất lớn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề nghị UBND TP làm rõ nguyên nhân chênh lệch số chỉ tiêu biên chế được giao giữa HĐND TP và Bộ Nội vụ giao; trách nhiệm, thẩm quyền bố trí theo quy định của pháp luật. Đề nghị UBND TP đề xuất phương án giải quyết cụ thể trong đó có căn cứ đến yếu tố đặc thù của địa phương. So với Hà Nội có tỷ lệ người dân/cán bộ là 38 người, thì tỷ lệ này ở TP.HCM rất cao, 118 người, trong khi mức trung bình của cả nước chỉ là 72 người.
Tại buổi giám sát, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, hơn hai năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh tác động nghiêm trọng, TP.HCM đã thực hiện tiết giảm các khoản chi, trong đó cắt giảm các khoản chi chưa cấp bách, chi hội họp, công tác… để phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các chính sách an sinh trên địa bàn.
Tuy nhiên, TP.HCM vẫn còn những tồn tại, hạn chế về chậm phê duyệt phương án giá đất, thủ tục gia hạn hợp đồng thuê đất, gia hạn thời gian thực hiện dự án đầu tư, vướng mắc về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa. Bên cạnh đó là việc sử dụng mặt bằng không hiệu quả, cho thuê lại, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án được duyệt hoặc quyết định cho thuê đất, bỏ trống không sử dụng nhưng chậm thu hồi…
Ngoài ra, công tác lập, thẩm định, phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập còn vướng mắc. Pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công cũng chưa có quy định việc cho thuê tài sản được giao cho các đơn vị quản lý, giữ hộ nên khi triển khai gặp nhiều trở ngại, khó khăn.
Đối với đầu tư công, thủ tục kéo dài làm tăng mức đầu tư; mặc dù tình trạng dàn trải dần khắc phục nhưng vẫn còn do số lượng dự án và nhu cầu vốn đầu tư quá lớn. Nhiều vướng mắc khi chuyển sang thực hiện chính quyền đô thị chậm được giải quyết, mặc dù đã được dự liệu sẽ phát sinh.
Từ đó, TP.HCM kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm xem xét, ban hành Luật Đất đai sửa đổi; sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, TP kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2021 của Chính phủ để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án PPP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.