Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá cho biết, hiện Chi cục đã cử Đội Quản lý thị trường số 14 (tại huyện Thọ Xuân) xuống kiểm tra, làm rõ thông tin về mật ong giả mà Báo NTNN và Dân Việt đã phản ánh.
Ông Trần Văn Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá nhận định: “Ở chừng mực nào đó vẫn có những hộ gia đình sản xuất mật ong giả mang đi tiêu thụ. Nhưng vì số lượng nhỏ lẻ nên rất khó thanh kiểm tra, xác minh xử lý”.
|
Ông H (xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) “trổ tài” biến đường thành mật ong. |
Cũng theo lý giải của ông Tâm, những vụ làm mật ong giả, Chi cục có nghe, nhưng qua tìm hiểu thì họ không sản xuất tại nhà, mà đi tới đâu sản xuất và tiêu thụ tới đó. “Quy mô sản xuất cũng không lớn, chủ yếu đi tiêu thụ ở các xã vùng sâu, vùng xa nên càng khó kiểm soát”- ông Tâm nói.
Về trường hợp làm mật ong giả mà báo phản ánh, ông Tâm cho rằng, sau khi Chi cục đi điều tra phát hiện thì mới xử phạt.
Về phía chính quyền xã Xuân Tín, đại diện lãnh đạo từ chối tiếp chuyện với lý do bận. “Không có trường hợp nào sản xuất mật ong giả. Tôi cũng chưa đọc bài viết nào cả. Báo thích tuyên truyền nói xấu thì cứ nói thôi” - vị lãnh đạo này nói.
Ông Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định: “Không khó để nhận diện, phân biệt mật ong giả và mật ong thật. Mật ong thật có màu vàng trong, có độ sánh và thơm ngậy, trên cổ chai có bọt trắng mịn nhỏ li ti. Kiểm tra kỹ hơn thì có thể lấy vài giọt mật thật và mật giả cho lên giấy. Nếu giọt mật nào thấm vào giấy đó là mật giả, mật thật sẽ giữ nguyên hình dáng và trạng thái”.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, sử dụng phải mật ong giả thì người tiêu dùng có thể bị tăng cân, gây béo phì và mất cân bằng hệ tiêu hoá.
“Khoa học cấm sử dụng phèn chua để sản xuất, chế biến thực phẩm vì nó gây nguy hiểm cho sức khỏe. Phèn chua là muối sunfat nhôm sắt hay còn gọi là “muối kép”, được dùng để lọc nước hoặc để sát trùng chứ không bao giờ đưa trực tiếp vào thực phẩm. Trong trường hợp như báo nêu, người dân vì hám lợi trộn phèn với đường thì khi vào cơ thể sẽ khiến cho chức năng dạ dày bị rối loạn và ảnh hưởng trực tiếp đến đường tiêu hóa, làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể”- ông Thịnh cảnh báo.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.