Quản lý vũ khí, vật liệu nổ còn lỏng lẻo

Thứ hai, ngày 20/05/2013 11:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo Bộ Công an từ đầu năm 2012 đến hết tháng 3.2013, cả nước đã xảy ra hơn 1.160 vụ án liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ công cụ hỗ trợ; trong đó có hơn 427 vụ dùng để gây án; có 43 vụ tai nạn nổ, làm chết 44 người, bị thương 39 người.
Bình luận 0

Bỏ lọt tội phạm

Trưa 14.5, tại xóm 2, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), anh Nguyễn Văn Long (SN 1988, ở Hà Thượng) đứng đón đường vợ là chị Đỗ Thị Nga (SN 1990). Những người chứng kiến cho biết, họ thấy đôi vợ chồng này giằng co nhau, rồi một tiếng nổ kinh hoàng khiến cả hai người cùng tử vong.

img
Tạ Văn Thanh - chủ mưu vụ nổ mìn cướp tiệm vàng ở Hà Nội sắp bị đưa ra xét xử.

Theo điều tra, do mâu thuẫn tình cảm, bị vợ đưa đơn ra tòa ly dị nên anh Long đã dùng mìn để đón vợ rồi kích nổ. Sau khi vụ việc xảy ra, trả lời báo chí, ông Ngô Tuấn Hải – Trưởng Công an huyện Đại Từ cho biết, do nghi can đã tử vong nên không khởi tố vụ án. Tương tự, trong vụ nổ mìn đám cưới tại Kinh Môn (Hải Dương), Công an tỉnh Hải Dương cho rằng Vũ Thị Thúy (SN 1987) ở Mỹ Đức, Hà Nội là nghi can đã tử vong nên không khởi tố vụ án.

Theo luật sư Trịnh Anh Dũng, nếu đối tượng cung cấp và hướng dẫn sử dụng thuốc nổ biết người đó đem đi để phạm tội giết người thì kẻ đó được coi là đồng phạm. Trường hợp không biết mục đích của người ta mà cung cấp và hướng dẫn thì được coi là đồng phạm về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ được quy định tại Điều 232 – Bộ luật Hình sự.

Theo LS Ngô Ngọc Thủy (nguyên Trưởng khoa Luật Hình sự - Trường ĐH Luật Hà Nội), trước một vụ việc xảy ra nếu thấy có dấu hiệu hình sự, cơ quan điều tra phải khởi tố vụ án. Còn sau đó khởi tố bị can hay không là chuyện khác. LS Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích: Trong 2 vụ việc trên, dấu hiệu hình sự ở đây là rất rõ, cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án.

Việc điều tra không phải buộc tội nghi can đã chết mà tránh bỏ lọt tội phạm. Thuốc nổ không phải là loại hàng hóa thông thường mà thuộc sự quản lý độc quyền của Nhà nước, việc nghi can như chị Thúy, anh Long có được là từ đâu, ai cung cấp, ai hướng dẫn sử dụng, phải điều tra.

Lỏng lẻo quản lý vật liệu nổ

Theo dự kiến vào ngày 21.5, TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ nổ mìn cướp tiệm vàng Hoàng Tín ở phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình. Có đến 14 người bị thương khi đối tượng kích nổ mìn. Tạ Văn Thanh (SN 1987, Bắc Giang) kẻ chủ mưu trong vụ án, khai nhận việc mua mìn từ Bùi Thanh Khá (SN 1990) là công nhân khoan, nổ mìn khai thác đá ở huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn với số lượng 36kg và 20 kíp nổ.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTATXH (Bộ Công an) cho rằng, để làm tốt công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cần thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ trong công tác xét xử; sự phối kết hợp giữa các cấp chính quyền cơ sở, giữa các địa phương; thêm biên chế, nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng làm công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem