Quảng bá văn học Việt Nam: Không khéo ăn mày lại gặp ăn mày

Thứ hai, ngày 09/03/2015 10:46 AM (GMT+7)
Đó là chia sẻ của nhà văn Đỗ Chu về Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam vừa diễn ra.
Bình luận 0

img
Nhà thơ Neeva Mukova (Slovakia) đọc thơ Hồ Xuân Hương bằng tiếng Việt tại Văn Miếu.

Nước mắm trong không gian thơ

Lần thứ 13 tổ chức, Ngày thơ Việt Nam năm 2015 trở thành một trong ba chương trình lớn: Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương và Hội nghị quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam.

Ngày thơ năm nay quy tụ 151 đại biểu quốc tế đến từ 43 quốc gia và các vùng lãnh thổ; các nhà văn, nhà thơ, dịch giả tiêu biểu đến từ khắp các vùng miền trên cả nước. Liên hoan kéo dài gần một tuần tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Ninh. Đa số ý kiến của các nhà văn đều khẳng định thành công về mặt tổ chức và ghi nhận sự quan tâm của Nhà nước dành cho các văn nghệ sĩ.

Một thực tế diễn ra là các hoạt động mang tính trình diễn hay tổ chức sinh hoạt ngoài lề dành cho đoàn như tham quan vịnh Hạ Long, thưởng ngoạn Quan họ Bắc Ninh, hay dâng hương danh nhân Cao Bá Quát, cùng những tiết mục văn nghệ... đó là những chuyện rất phụ mà lại tiêu phí không ít tiền bạc, công sức và thời gian. Trong khi trọng tâm của quảng bá văn học thì Ban tổ chức lại thiếu và yếu.

Tại Văn Miếu năm nay, không gian các panô thơ chỉ xuất hiện các nhà thơ thế hệ chống Mỹ tiêu biểu mà không thấy tác giả đương đại cũng như các nhà thơ trẻ nổi lên trong thời gian vừa qua.

Không có tham luận trong Hội thảo (tại nhà khách quân đội về cả văn xuôi và thơ), không có giao lưu trực tiếp và chuyên sâu như tổ chức bàn tròn để các bên cùng trao đổi về tác phẩm, ý tưởng, dự án dịch thuật và xuất bản. Thậm chí, Ban tổ chức còn hy sinh cả Sân thơ trẻ để cho các bạn quốc tế trình diễn thơ của mình, nhưng bạn chưa biết nhiều về ta và ta cũng chỉ bập bõm về bạn.

Nghĩ cho cùng, đã dính vào một đám đông thì không thể tránh được sự nhếch nhác. Nhưng nhếch nhác đến nỗi liên hoan thơ tại Văn Miếu, nơi cửa Khổng sân Trình, đại diện cho học vấn của cả một quốc gia, trong ngày hội lớn là ngày thơ Việt Nam mà đem cả nước mắm vào gian hàng thơ để quảng cáo sản phẩm, hoặc gian hàng đại diện cho văn hóa Nga và tính cách Nga là rượu Vodka thì không biết giấu nước mắt trào phúng vào đâu nữa?

Nỗi lo: ăn mày lại gặp ăn mày

Qua toàn bộ các chương trình liên hoan, chúng ta giới thiệu thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế nhiều hơn là quảng bá văn học nghệ thuật. Nhà thơ Inrasara, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam, bình luận: “Trong khi khách ngoại quốc muốn nhìn tận mắt các tập thơ của các nhà thơ tiêu biểu nhất, cũng không thấy. Ở Hà Nội không, ở Bắc Ninh hay Quảng Ninh cũng không. Phần thơ được đọc thì đến một nửa là thơ trung bình và thậm chí – yếu”.

Và chính nhà thơ Inrasara cũng đặt ra câu hỏi: “Festival thơ để làm gì nếu không tạo được mối liên kết bền chặt qua sự giới thiệu được nền thơ độc đáo của dân tộc, trình làng quốc tế các khuôn mặt thơ Việt Nam tiêu biểu, và nhất là giới thiệu được các giọng thơ hay, để họ hào hứng “đưa” thơ Việt ra thế giới?”

Còn nhà văn Đỗ Chu (tác giả đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học) cho rằng, người đọc thơ của chúng ta đã cũ mà thơ lại càng cũ. Những bài thơ người đọc xúc động nhưng người nghe chưa xúc động. Người đọc nhắm mắt, nhắm mũi, nói rất to, tiếng Tây tiếng ta đủ cả, nhưng ai đọc người ấy nghe.

“Ở đây người ta thấy liên hoan còn phải phấn đấu nhiều để có một đẳng cấp xứng với sự mong muốn của Nhà nước và nhân dân”, nhà văn Đỗ Chu nói. Vẫn theo nhà văn Đỗ Chu, hiện nay làm cái gì cũng khó chứ không riêng thơ ca. Nếu không cẩn thận, thì dù có chuẩn bị và lo lắng đến đâu, văn học nghệ thuật cũng không thể cất mình bay lên được trong một tình hình lam lũ của dân tộc ta.

Nền thơ của chúng ta bằng bằng quá, ai cũng làm được, đi đâu cũng thấy có thơ. Đây có thể là một cái họa, nhìn cho kỹ thì không dễ lấy gì làm vui và yên tâm. Bởi vì thơ mang phong trào quần chúng thì lại thiếu tính hàn lâm và thiếu những chuẩn mực đáng tin cậy cần phải có. Vì thế, xin dẫn ra suy nghĩ của nhà văn Đỗ Chu để làm cái kết cho bài viết này: “Trong những ngày này, có lúc tôi chợt nghĩ thấy buồn cho thân phận của một nền văn học. Chúng ta sẽ đưa thi ca của chúng ta đi đến đâu? Chính tôi cũng phải hỏi tôi câu hỏi này. Không khéo nó là chuyện ăn mày lại gặp ăn mày”.

(Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem