Quảng Bình: 2 người sốc phản vệ sau khi ăn mì tôm vì có tiền sử dị ứng

Trần Anh Thứ năm, ngày 27/01/2022 17:57 PM (GMT+7)
Đã có 2 người ở Quảng Bình nhập viện điều trị vì sốc phản vệ sau khi ăn mì tôm, những người này có tiền sử bị dị ứng bột mì.
Bình luận 0

Ngày 27/1, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết, đơn vị vừa kích họat báo động đỏ toàn viện cấp cứu một trường hợp sốc phản vệ sau khi ăn mì tôm (mì ăn liền).

Cụ thể, bệnh nhân V.Th.M.N. (21 tuổi) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tay chân lạnh, mạch quay khó bắt, huyết áp không đo được, phù mặt, vùng cổ và tay chân nổi mẩn đỏ rải rác, khó thở, SPO2 thấp, phản xạ nuốt kém, tim nhịp nhanh, khó nghe tần số 120 đến 130 lần/phút.

Cảnh báo sốc phản vệ sau khi ăn mì tôm vì có tiền sử dị ứng - Ảnh 1.

Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) kích hoạt báo động đỏ toàn viện để cấp cứu chị N. vì sốc phản vệ sau khi ăn mì tôm (mì ăn liền). Ảnh: BVCC

Theo người nhà bệnh nhân, trước đó chị N. có ăn mì tôm, sau khoảng 30 phút có biểu hiện bất thường, mệt, khó thở, nổi mẩn đỏ ngứa toàn thân, phù mặt. Được biết, chị N. có tiền sử dị ứng với bột mì.

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định chị N. bị sốc phản vệ độ III do thực phẩm. Sau khi được xử trí cấp cứu kịp thời, chị N đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo tiếp xúc được, huyết áp ổn định, không khó thở...

Cảnh báo sốc phản vệ sau khi ăn mì tôm vì có tiền sử dị ứng - Ảnh 2.

Bé gái ở huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) nhập viện cấp cứu vì sốc phản vệ sau khi ăn mì tôm. Ảnh: BVCC

Trước đó, tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Quảng Bình cũng xử trí cấp cứu kịp thời bệnh nhi N.T.G (8 tuổi, ở xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nhập viện cấp cứu trong tình trạng người mẩn ngứa, đau bụng, khó thở, nôn, huyết áp không đo được. 

Theo người nhà bệnh nhân, trước đó, cháu G có ăn sáng bằng mì tôm và bị phản vệ độ III.

Theo các bác sĩ, dị ứng thực phẩm là một phản ứng hệ thống miễn dịch xảy ra ngay sau khi ăn một loại thức ăn nhất định. Ngay cả khi với một lượng nhỏ thức ăn gây dị ứng cũng có thể kích hoạt các dấu hiệu và triệu chứng như vấn đề tiêu hóa, nổi mề đay hoặc đường thở bị sưng. 

Ở một số người dị ứng thực phẩm có thể gây nên triệu chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí là phản ứng có thể đe dọa đến tính mạng - sốc phản vệ như bệnh nhân ở trên.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) khuyến cáo, lưu ý tối quan trọng để phòng tránh sốc phản vệ đó là nếu bạn có tiền sử bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó thì tốt nhất nên tránh vì một lượng nhỏ thức ăn cũng đủ để phản ứng dị ứng xảy ra.

Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa sốc phản vệ là tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng đã biết cũng như các chất thường gây ra phản ứng dị ứng nặng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem