Messi Việt Nam, Nguyễn Quang Hải và Messi Thái, Chanathip Songkrasin được xem là 2 cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại. Bộ đôi cũng nhận về nhiều kỳ vọng ở mùa giải 2022 khi khoác áo các đội bóng nước ngoài.
Thế nhưng, Quang Hải và Chanathip lại có chung số phận. Trong khi Quang Hải chật vật tại Pau FC ở giải hạng Nhì của Pháp, thì Chanathip cũng chẳng khá khẩm hơn trong màu áo Kawasaki Frontale ở giải VĐQG Nhật Bản - J.League 1.
Kawasaki Frontale đang xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng và chỉ kém đội đầu bảng Yokohama F.Marinos đúng 3 điểm (52 so với 55). Trong bối cảnh giải đấu còn 7 vòng nữa, Kawasaki Frontale còn nguyên hy vọng vô địch J.League.
Nếu điều này xảy ra, Chanathip sẽ là cầu thủ Thái Lan thứ hai đăng quang tại giải đấu cao nhất Nhật Bản sau Theerathorn Bunmathan. Tuy nhiên, Messi Thái không quá vui mừng trước viễn cảnh này bởi bản thân đang dần mất chỗ đứng ở Kawasaki Frontale.
Trận đấu gần nhất với Sanfrecce là lần đầu tiên Chanathip có tên trong danh sách đăng ký sau 3 trận liên tiếp "mất tích". Thế nhưng, anh cũng chỉ được vào sân ở phút… 90+3, chỉ 1 phút trước khi hết giờ. Tính từ đầu giải, Chanathip cũng chỉ đá 14/27 trận tại J.League 2022, chưa ghi được bàn thắng nào và có vỏn vẹn 1 pha kiến tạo.
Từng ghi dấu ấn lớn ở Consadole Sapporo song Chanathip gặp rất nhiều khó khăn ở Kawasaki. Gia nhập đội bóng này vào đầu năm 2022, ngôi sao Thái Lan không thể hoà nhập. Vốn quen đá “số 10” trong sơ đồ 4-2-3-1 ở Consadole Sapporo, anh trở nên lạc lõng trong hệ thống 4-3-3 tại Kawasaki. Sắp tới, khi Oshima Ryota, một cầu thủ cùng phong cách và có thâm niên 10 năm ở CLB trở lại sau chấn thương, Chanathip còn khó hơn gấp bội.
Câu chuyện tương tự xảy đến với Quang Hải. Pau FC vừa có chiến thắng đầu tiên ở Ligue 2 mùa giải 2022/23. Thế nhưng, Quang Hải không tham gia vào thắng lợi đó. Đây là trận đấu thứ 2 liên tiếp, Quang Hải phải ngồi dự bị mà không được ra sân một phút nào.
HLV Didier Tholot tiếp tục triển khai hệ thống 5-3-2 với bộ ba tiền vệ yêu thích Sessi D’Almeida, Steeve Beusnard và Henri Saivet, bên trên là cặp tiền đạo Mohamed Yattara, Pape Ibnou Ba. Với cách tiếp cận này, Pau FC có được sự cân bằng giữa tấn công và phòng ngự, cầm bóng tốt hơn và tạo ra nhiều cơ hội hơn hẳn. Tất nhiên, khi sơ đồ này đang phát huy hiệu quả, không có lý do gì để HLV Tholot quay trở lại 4-2-3-1 với Quang Hải ở vị trí “số 10”.
Thật ra, Quang Hải cũng không lạ gì sơ đồ 5-3-2, đồng thời chơi tốt ở vị trí tiền đạo hoặc tiền vệ. Nhưng đó là ở ĐTQG Việt Nam. Còn tại Pau FC, Quang Hải có quá nhiều bất lợi so với đồng đội. Anh không có được thể hình tốt và thường xuyên thất thế trong các cuộc tranh chấp (chỉ thắng 40% khi tranh chấp tay đôi, 29% ở những pha không chiến).
HLV Tholot không muốn tiếp tục mạo hiểm đã đành, các đồng đội cũng chưa hoàn toàn tin tưởng Quang Hải. Trong 6 lần ra sân với 210 phút thi đấu, cầu thủ sinh năm 1997 chỉ chạm bóng 81 lần, tức trung bình 13,5 lần mỗi trận. Số phút Quang Hải góp mặt trên sân cứ giảm dần và rồi chạm mốc 0.
Rõ ràng, bản hợp đồng với mức giá kỷ lục 3,5 triệu euro đã không giúp ích gì cho Chanathip, cũng như cơn sốt truyền thông không thể mang lại cho Quang Hải suất đá chính. Cả hai cập bến Kawasaki Frontale và Pau FC với mong muốn nâng tầm sự nghiệp nhưng đều đối mặt với thực tế khốc liệt ở môi trường mới, nơi năng lực cạnh tranh có tiếng nói duy nhất.
Chanathip từng thành công khi chứng minh năng lực ở Sapporo. Quang Hải cũng là mẫu cầu thủ không bao giờ đầu hàng trước khó khăn và luôn chấp nhận thử thách. Việc bộ đôi này khả năng cao không tham dự AFF Cup 2022 vào cuối năm nay cho thấy mục tiêu và quyết tâm xác lập chỗ đứng tại CLB. Quang Hải và Chanathip sẽ không bỏ cuộc một cách dễ dàng và có thể tỏa sáng để một lần nữa trở thành niềm tự hào của Đông Nam Á.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.