Quảng Nam: Hình ảnh sản phẩm nhà nông tại ngày hội khởi nghiệp Duy Xuyên
Quảng Nam: Hình ảnh sản phẩm nhà nông tại ngày hội khởi nghiệp Duy Xuyên
Trương Hồng
Thứ sáu, ngày 22/09/2023 11:26 AM (GMT+7)
Ngày 22 đến 24/9, UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp, chuyển đổi số, kết nối việc làm và giao thương sản phẩm OCOP, du lịch huyện Duy Xuyên năm 2023” với chủ đề “Quê lụa – khởi tạo, sẻ chia cùng cộng đồng”.
Trong sáng 22/9 cùng với nhiều hoạt động của Ngày hội khởi nghiệp, hội chợ triển lãm, giao thương hàng hóa với quy mô trên 60 gian hàng đến từ 81 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm làng nghề, các sản phẩm đặc sản vùng miền, chế biến, sản xuất thực phẩm và đồ uống của các tổ chức, doanh nghiệp, chủ thể trong và ngoài huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cùng tham gia đã chính thức đưa vào hoạt động.
Cùng với đó là các gian hàng quảng bá, tuyên truyền các giải pháp chuyển đổi số như thanh toán điện tử, tín dụng, logistics và kết nối việc làm...
Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, Quảng Nam chia sẻ: Trong thời gian qua huyện đã tập trung chỉ đạo và chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng địa phương có thương hiệu; các ngành chức năng, địa phương ưu tiên phát triển những sản phẩm có vùng nguyên liệu đặc trưng, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân địa phương.
Đi kèm theo đó là quảng bá bằng nhiều hình thức, kênh truyền thông đối với các sản phẩm có tiềm năng gắn với du lịch địa phương như, nước mắm Duy Trinh (làng nghề nước mắm Duy Hải), khăn lụa Mã Châu (làng nghề Dệt Mã Châu), Sen sấy khô Trà Lý (đồng sen Trà Lý); gạo tím than lò gạch cũ (Lò gạch cũ, Duy Vinh)... vì vậy các địa điểm này đã được rất nhiều khách du lịch biết đến, thăm quan, du lịch.
Ngoài ra, Ban quản lý di sản Mỹ Sơn cũng xây dựng một điểm bán sản phẩm OCOP bước đầu đem lại hiệu quả quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP đến các du khách trong và ngoài nước.
"Bên cạnh kết quả đạt được thì việc phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP trong thời gian gặp rất nhiều thách thức, khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài làm lượng du khách sụt giảm nghiêm trọng.
Các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch du lịch chồng chéo dẫn đến các tổ chức, cá nhân không thể đầu tư, mở rộng nhằm thu hút, níu chân du khách; chưa có quy định, chính sách hỗ trợ cụ thể về phát triển du lịch nông nghiệp; công tác quy hoạch, phát triển du lịch nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều vướng mắc; các cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện... tại một số địa điểm du lịch nông nghiệp chưa có nguồn kinh phí để được nâng cấp", ông Phúc chia sẻ.
Theo ông Phúc, để phát triển các sản phẩm OCOP cùng nhiều loại sản phẩm khác trên địa bàn, UBND huyện Duy Xuyên phấn đấu và tăng cường đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm.
Trong thời gian qua các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện tham gia nhiều hội chợ triển lãm lớn như, "Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2023"; Chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng – Đà Nẵng 2023; "Sắc màu Việt Nam" tại Hà Nội… tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP trên các phương tiện truyền thông như, trang thông tin điện tử địa phương; đài truyền thanh – truyền hình, báo chí; facebook…
Bên cạnh đó, các chủ thể phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.