UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2019. Theo đó, năm 2019, Chương trình OCOP trở thành một Chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh Quảng Nam.
Chương trình từng bước phát triển các sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường; phấn đấu xây dựng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP trở thành thương hiệu có uy tín, chất lượng; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, các doanh nghiệp vừa và nhỏ) là động lực quan trọng trong triển khai Chương trình OCOP theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, đem lại lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương.
Dệt thổ cẩm Za Ra (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) hướng đến mô hình sản phẩm OCOP ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Nam.
Theo Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, phấn đấu 100% đơn vị cấp huyện củng cố, kiện toàn Bộ máy tổ chức OCOP cấp huyện, cấp xã và hình thành bộ máy tham mưu giúp việc Chương trình OCOP các cấp; 100% cán bộ OCOP cấp huyện, cấp xã được tham gia tập huấn các nội dung cơ bản của Chương trình, nhất là nội dung cụ thể của các bước trong chu trình OCOP.
Quảng Nam sẽ xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, gắn với chế biến từ củ đẳng sâm huyện Tây Giang.
Đặc biệt, Chương trình OCOP năm nay tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, củng cố, phát triển các sản phẩm đã tham gia Phương án thí điểm phát triển sản phẩm OCOP năm 2018. Hỗ trợ phát triển/nâng cấp khoảng 120 sản phẩm mới/sản phẩm đã có, phấn đấu trong năm 2019 có trên 80% số sản phẩm đã đăng ký tham gia đạt hạng 3 sao trở lên…
Cây tiêu ở huyện Tiên Phước sẽ thành sản phẩm OCOP.
Trong đó, hỗ trợ củng cố, nâng cấp/thành lập mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế (Doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX) tham gia OCOP. 100% chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác...đảm bảo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, lưu thông, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Chương trình hỗ trợ xây dựng/nâng cấp được 4 - 6 điểm bán hàng OCOP, 2 - 3 Trung tâm OCOP cấp huyện. Tổ chức 1-2 cuộc Hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh. Tham gia tích cực các sự kiện quốc gia theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Từ năm 2019-2020, với vai trò là tỉnh điểm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn, tỉnh Quảng Nam quyết tâm xây dựng 3 mô hình OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Chi cục phát triển nông thôn, ngoài các mục tiêu trên, từ năm 2019-2020, với vai trò là tỉnh điểm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn, tỉnh Quảng Nam quyết tâm xây dựng 3 mô hình OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong số này, 1 mô hình liên kết chuỗi sản xuất, gắn với chế biến từ củ đẳng sâm huyện Tây Giang; Mô hình liên kết chuỗi sản xuất, gắn với chế biến từ cây quế huyện Bắc Trà My và huyện Nam Trà My và mô hình làng du lịch cộng đồng gắn với phát triển sản phẩm thổ cẩm xã TaBhing, huyện Nam Giang; Xây dựng 1 mô hình làng du lịch cộng đồng (làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước); Xây dựng 1 mô hình Trung tâm OCOP cấp vùng tại thành phố Hội An và một số gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại các khách sạn lớn trên địa bàn Hội An…
Chương trình OCOP theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, đem lại lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương.
Được biết, Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 (gọi tắt là Chương trình OCOP). Chương trình triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP đảm bảo đúng tiến độ, thời gian và đạt hiệu quả cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.