Quảng Nam: Trồng những cây mít ra trái to bự, ai cũng thích mua

Thứ tư, ngày 01/04/2020 18:43 PM (GMT+7)
Sau hơn 3 năm xây dựng và đi vào hoạt động, từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp Hồ Lộc của gia đình chị Hồ Thị Lộc ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) với mô hình trồng cây ăn trái, trong đó có trồng mít đang thu hút được nhiều đoàn khách du lịch đến vui chơi, tham quan và học hỏi kinh nghiệm phát triển.
Bình luận 0

Đến với Hợp tác xã nông nghiệp Hồ Lộc, mọi người sẽ rất ngạc nhiên trước một không gian Nam bộ đặc trưng nơi đây. Hơn 5 ha cây ăn trái: ổi, mít, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, mận (miền Bắc thường gọi là quả roi) chanh… tốt tươi tỏa bóng mát.

img

Chị Hồ Thị Lộc đang chăm giống mít siêu sớm trong Hợp tác xã Hồ Lộc.Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN.

Cùng với đó, là hệ thống ao hồ, kênh mương đặc thù của người đồng bào Nam bộ cũng đã được vợ chồng chị tái hiện nơi đây qua hơn 500 m2 ao hồ nuôi cá, 300 gà cỏ thả vườn và hệ thống kênh mương chống úng dài hơn 480 m được vợ chồng chị quy hoạch tại đây.

Bên cạnh đó, để tạo cảnh quan và điểm vui chơi cho du khách khi đến tham quan hợp tác xã, anh chị đã thuê nhân công dựng 4 lều tranh và hệ thống cầu tre đúng với cảnh quan của miệt vườn Nam bộ trong mô hình để du khách thưởng thức những đặc sản nơi đây.

Du khách thoải mái đắm chìm trong không gian sinh thái đặc trưng của miệt vườn Nam bộ mà ít ai biết rằng, bao đời nay, mảnh đất này được coi là một trong những diện tích canh tác khó khăn của các tỉnh miền Trung do bị ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn.

Theo nhiều hộ dân ở đây cho biết, do thời tiết khắc nghiệt, nên trước đây sản xuất nông nghiệp (trồng lúa) chỉ đạt doanh số khoảng 20 triệu đồng/ha/năm.

img

Anh Nguyễn Tống đang chăm sóc ổi lê Đài Loan trong Hợp tác xã Hồ Lộc.Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN.

Anh Nguyễn Tống, chồng chị Hồ Thị Lộc cho biết, hợp tác xã nông nghiệp của gia đình được nhen nhóm từ cuối năm 2017. Quê chị ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam có những điều kiện tự nhiên đất đai bị nhiễm phèn, hạn hán và lũ lụt quanh năm nên làm nông nghiệp rất khó khăn. Nhiều diện tích lúa bị bỏ hoang do người dân canh tác kém hiệu quả.

Là một người con của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều năm gắn bó với đồng ruộng, anh Nguyễn Tống nhận thấy điều kiện tự nhiên của mảnh đất quê xã Đại Ninh có thể phát triển mô hình vườn - ao - chuồng với các giống cây ăn quả của Nam bộ. Năm 2018, anh cùng với chị trở về quê nhà thuê đất thành lập hợp tác xã để phát triển kinh tế.

Tuy mới mở cửa cho du khách đến vui chơi và tham quan từ cuối tháng 12/2019 đến nay, nhưng nhìn chung bình quân hiện nay, mỗi ngày hợp tác xã thu hút hơn 100 du khách đến vui chơi, tham quan học hỏi kinh nghiệm.

Theo anh Nguyễn Tống, ngày đầu về lập trang trại, anh đã đầu tư thuê 5 ha đất canh tác nông nghiệp kém hiệu quả của người dân trong xã để thành lập mô hình với giá thành 20 triệu đồng/ha/năm, cộng với tiền nhân công và trồng xen kẽ 3.000 cây ổi lê Đài Loan (Trung Quốc) và ổi nữ hoàng, 500 cây bưởi da xanh, 500 cây chanh, 500 cây mít siêu sớm, 200 cây chôm chôm Thái, 50 cây mận, 100 cây sầu riêng, 200 cây mãng cầu...

img

Cầu tre đặc trưng văn hóa của đồng bằng Nam bộ được dựng làm cảnh quan trong Hợp tác xã Hồ Lộc. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN.

Chị Hồ Thị Lộc cho biết, do được chăm sóc chu đáo và đúng kỹ thuật, sau hơn 1 năm trồng và đi vào khai thác, với 3.000 cây ổi lê Đài Loan cho thu hoạch quanh năm, bình quân mỗi tháng đạt sản lượng khoảng 5 - 7 tấn, với giá cả trên thị trường hiện nay khoảng 20.000 đồng/kg cho chị đạt doanh số khoảng 120 triệu đồng/tháng; 500 cây chanh cho anh chị sản lượng khoảng 1,5 - 2 tấn/tháng, với giá cả trên thị trường hiện nay khoảng 25.000 đồng/kg cho chị đạt doanh số trên 43 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, toàn bộ cây trái đều được chăm sóc hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo mức cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra, với khoảng 100 khách du lịch đến tham quan vui chơi, thưởng thức các món ăn đặc sản tại đây cũng cho chị doanh số khoảng 10 triệu đồng/ngày, sau khi trừ đi các chi phí còn lãi trên 2 triệu đồng/ngày.

Theo vợ chồng chị Hồ Thị Lộc tính toán, tới năm 2021, toàn bộ cây ăn quả trong hợp tác xã sẽ đạt sản lượng khoảng 50 tấn/tháng, với doanh số khoảng 1 tỷ đồng/tháng, 1 năm đạt doanh số khoảng 12 tỷ đồng, sau khi trừ đi tất cả các chi phí: phân bón, nhân công, tiền thuê đất, thuốc bảo vệ thực vật…, vợ chồng anh chị còn lãi trên 1,3 tỷ đồng/năm

Để mở rộng quy mô, hiện nay, vợ chồng chị Hồ Thị Lộc đã hợp đồng thuê thêm 10 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả của người dân tại địa phương để phát triển sản xuất. Dự kiến, đến năm 2024, khi tất cả 15 ha đất đi vào khai thác, vợ chồng chị sẽ đạt doanh số khoảng 36 tỷ đồng/năm, sau khi trừ đi tất cả các chi phí, vợ chồng chị Hồ Thị Lộc còn lãi khoảng 4 tỷ đồng/năm.

Để tạo điều kiện cho gia đình chị phát triển sản xuất, trong thời qua, ngoài việc hỗ trợ người dân hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cho tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, hiện nay xã Đại Minh đang phối hợp với Sở Công Thương tiến hành hoàn tất các hồ sơ để công nhận các sản phẩm của mô hình đạt tiêu chí OCOP.

Trịnh Bang Nhiệm (TTXVN)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem