Quảng Ngãi: Bến đò liên tỉnh... trên non

Thứ bảy, ngày 05/04/2014 08:54 AM (GMT+7)
Theo ước tính, mỗi ngày có hàng trăm lượt đò, thuyền máy qua lại trên khu vực lòng hồ Thủy điện Đăkđrinh để vận chuyển người, hàng hóa... cho người dân 2 huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và Kon Plông (Kon Tum). Vấn đề an toàn đường thủy bắt đầu được đặt ra.
Bình luận 0
Tấp nập thuyền máy, ghe máy

Chúng tôi có mặt tại khu vực lòng hồ Thủy điện Đăkđrinh (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) vào một ngày đầu tháng 4, khi công trình này tích nước và xóa sổ con đường bộ ngắn nhất, nối liền với địa phương lân cận là huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đường thì hiện đã chìm sâu dưới lòng hồ, nhưng nhu cầu qua lại để sản xuất và giao lưu buôn bán của người dân 2 địa phương thì ngày càng tăng. Nếu đi đường bộ phải đi vòng, với quãng đường dài gấp 30-60 lần, tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí. Người dân ở các xã Sơn Dung và Sơn Liên, huyện Sơn Tây và xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, đã lập tuyến đường thủy, với phương tiện hoạt động là thuyền ghe máy để qua lại.

Thuyền máy chở khách từ Đăk Nên  (Kon Plông) sang huyện Sơn Tây.
Thuyền máy chở khách từ Đăk Nên (Kon Plông) sang huyện Sơn Tây.

Cứ 15-40 phút lại có một chuyến đò xuất phát chở người, xe máy, hàng nông sản... chạy từ xã Đăk Nên sang huyện Sơn Tây, hoặc ngược lại. Bà Đinh Thị Nhòe (41 tuổi), chủ tiệm tạp hóa ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, cho biết: So với đến trung tâm huyện Kon Plông thì đi thuyền máy sang Sơn Dung, rồi chạy xe máy đến trung tâm huyện Sơn Tây gần hơn rất nhiều. Bên cạnh đó các mặt hàng ở đây còn đa dạng và phong phú hơn so với trung tâm huyện Kon PLông. Vì vậy gia đình tôi đã mua chiếc ghe máy 15 triệu đồng để làm phương tiện đi chở hàng về bán; đồng thời chở khách qua lại…

Nỗi lo tai nạn đường thủy

Ngoài số hộ tự mua sắm ghe thuyền để làm phương tiện đi lại, rất nhiều hộ đầu tư 30 triệu đến 200 triệu đồng để đóng thuyền, ghe kinh doanh vận tải. Ông Đinh Văn Đáo (SN 1960, ở xã Sơn Dung) đã đầu tư khoảng 200 triệu đồng đóng 4 thuyền máy để chở người và nông sản qua lại. Giá tiền từ điểm bến ở Đăk Nên sang xã Sơn Dung và ngược lại là 70.000 - 75.000 đồng/người; 80.000 -100.000 đồng/xe máy, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày ông cũng kiếm được 200.000-500.000 đồng.

"Cùng với cấp áo phao, chúng tôi đang cùng các cấp ngành địa phương và tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng để cấp phép cho các chủ thuyền, ghe hoạt động kinh doanh vận tải của huyện”.
Thiếu tá Đinh Xuân Dương

Cùng với ông Đáo, hàng chục hộ khác cũng đầu tư mua ghe, thuyền máy để chở người, hàng hóa trên lòng hồ. Theo Công an huyện Sơn Tây, đến thời điểm này đã có khoảng 50 chiếc ghe, xuồng máy hoạt động trên khu vực lòng hồ thủy điện Đăkđrinh.

Trao đổi với PV NTNN, thiếu tá Đinh Xuân Dương - Đội trưởng CSGT huyện Sơn Tây, cho biết: Tuyến đường thủy Sơn Dung, huyện Sơn Tây-Đăk Nên, huyện Kon Plông, mới hình thành được vài tháng nay. Vì vậy các chủ phương tiện chưa có những thủ tục theo quy định. Tuy nhiên phần lớn các chủ ghe, tàu là gia đình nghèo, trong khi nhu cầu qua lại của người dân ở 2 huyện lại cao nên tạm thời chấp nhận hoạt động này. Đến thời điểm này chưa xảy ra tai nạn nào nghiêm trọng, an ninh trật tự tạm thời được đảm bảo.

Công Xuân (Công Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem