Cây cầu làm từ... vật liệu phế thải
Dù đã tận mắt chứng kiến, thế nhưng nhìn chiếc cầu treo cao chênh vênh, nhưng làm quá tạm bợ bắc qua dòng sông Re (thôn Gọi Re, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ) chúng tôi cũng không khỏi rùng mình. Thật khó tin nhiều năm nay, 35 hộ dân của tổ 6 và 9 nằm ở bờ đông sông Re vẫn qua lại hàng ngày trên chiếc cầu này.
Theo ông Phạm Văn Nam- Trưởng thôn Re, do nằm ở đoạn bờ vực khá sâu cho nên dù là lúc cạn kiệt nhất, đoạn sông Re chảy qua 2 khu dân cư này nơi cạn nhất cũng sâu đến khoảng lưng người lớn. Vì vậy hàng ngày để qua lại mua bán, thăm bà con, người dân cởi quần dài lội sông. Chỉ tội cho lũ trẻ trong làng, mỗi lần đến trường, cha mẹ phải cõng qua.
>> Chùm ảnh: Rợn tóc gáy với cầu treo tự tạo cao 25m ở Quảng Ngãi
Vì vậy khoảng 10 năm trước, người dân trong thôn đã làm chiếc cầu này. Theo đó dù đã chọn điểm hẹp nhất của con sông thì chiều dài của cầu cũng trên 50m. Với đại đa số là hộ nghèo nên vật liệu làm cầu của người dân là những đồ phế thải, tìm kiếm được, hoặc mua với giá rẻ, gồm: Các đoạn sắt 6 nối với nhau để làm tay vịn ở 2 bên và bệ đỡ phía dưới, rồi quấn vào trụ là 4 gốc cây ở 2 đầu. Mặt cầu là những tấm ván đủ loại, với đủ kích cỡ và được cưa thành từng đoạn dài từ 50-60cm, đặt cách nhau 5-10cm.
“Hồi mới làm xong, nhiều người dân trong làng không dám đi qua cầu. Bởi lẽ phần vì cầu quá dài, lại nằm quá cao và phía dưới là đá lởm chởm. Tuy nhiên đáng sợ nhất là mỗi lần đi qua gặp gió, cây cầu đung đưa như nằm võng. Gặp lúc như vậy, không chỉ người già và trẻ con, mà ngay cả nhiều thanh niên cũng chỉ còn biết đứng lại và tay nắm thật chặt vào mấy sợi dây thành cầu để khỏi bị gió hất rơi xuống phía dưới”- ông Phạm Văn Đê (32 tuổi, người dân ở tổ 6) kể.
Hiểm họa rập rình
Qua quan sát thì sau một thời gian dài tồn tại, dù đã được người dân "tu bổ" thế nhưng cây cầu treo hiện đã trở nên rệu rã và xuống cấp trầm trọng. Riêng tại đầu cầu phía tây, gốc cây được quấn dây làm trụ đỡ bắt đầu bị mục nên khó có thể nói trước được điều gì mỗi khi có người qua lại. Được biết cách đây chưa lâu, sau khi kiểm tra và nhận thấy việc qua lại cây cầu này quá nguy hiểm, chính quyền huyện Ba Tơ đã treo biển cấm qua lại. Thế nhưng chỉ được vài hôm, tấm biển cấm đã bị người dân gỡ bỏ.
Ông Phạm Văn Hết (32 tuổi) bày tỏ: Biết là nguy hiểm nhưng nếu không đi cầu thì qua bằng gì. Mùa nắng còn lội, nhưng mùa mưa lũ đang về thì sao. Rồi còn chuyện học hành hàng ngày của lũ trẻ nữa.
Trước tình trạng trên, cách đây khoảng 1 tháng, đoàn viên thanh niên của huyện đã đưa sắt đến gia cố thêm mỗi bên 3 dây; đồng thời dùng dây kẽm nhỏ đan thành ô, với kích cỡ từ 30-40cm/ô để giảm nguy hiểm cho trẻ em khi qua lại.
Em Phạm Văn Sin (học sinh lớp 2 Trường TH Ba Xa) lắc đầu: Mùa nắng mỗi lần được anh chị dẫn qua cầu cũng không dám nhìn xuống. Còn mùa mưa gió to cầu lắc mạnh lắm nên ở nhà vì sợ.
Ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết: Để làm cầu mới thì phải cần số tiền hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng với huyện miền núi nghèo như Ba Tơ thì địa phương biết lấy đâu ra kinh phí mà đầu tư xây dựng. Việc này huyện cũng đã kiến nghị với tỉnh rồi.
Cầu mới thì chưa biết đến bao giờ mới có, vì vậy mà hàng ngày người dân và gần 60 học sinh vẫn phải qua lại trên cây cầu cũ, bất chấp hiểm họa rập rình.
Ông Lê Hàn Phong - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết: Để làm cầu mới thì phải cần số tiền hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng với huyện miền núi nghèo như Ba Tơ thì địa phương biết lấy đâu ra kinh phí mà đầu tư xây dựng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.