Quảng Ngãi: Đầu tư nhiều tỷ bảo tồn gen quý giống nếp tiến vua Sa Huỳnh
Quảng Ngãi: Đầu tư nhiều tỷ bảo tồn gen quý giống nếp tiến vua Sa Huỳnh
Thảo Nguyên
Thứ ba, ngày 20/09/2022 15:37 PM (GMT+7)
Cấp thẩm quyền Quảng Ngãi đồng ý đầu tư, với tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng, để Sở KH&CN tỉnh điều tra, thu thập, đánh giá và bảo tồn nguồn gen quý giống nếp ngự Sa Huỳnh (còn gọi là nếp tiến vua); nếp Cút địa phương trên địa bàn.
Chiều 20/9, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện chính quyền Quảng Ngãi xác nhận, đã phê duyệt nhiệm vụ triển khai thực hiện đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) "Điều tra, thu thập, đánh giá và bảo tồn nguồn gen quý giống nếp ngự Sa Huỳnh; nếp Cút địa phương" trên địa bàn tỉnh.
Theo đó Sở KH&CN Quảng Ngãi được giao nhiệm vụ, ký kết hợp đồng thực hiện với tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài;lập dự toán chi tiết theo từng nội dung cụ thể, làm cơ sở thẩm tra, cấp phát, kiểm soát chi và thanh quyết toán kinh phí đúng quy định hiện hành.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan theo dõi, giám sát, kiểm tra quá trình triển khai thực hiện; tổ chức đánh giá nghiệm thu kết quả đề tài KH&CN theo quy định.
Sở Tài chính, chịu trách nhiệm phối hợp với Sở KHCN và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh, xem xét trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện đề tài "Điều tra, thu thập, đánh giá và bảo tồn nguồn gen giống nếp Ngự Sa Huỳnh và nếp Cút địa phương tại tỉnh Quảng Ngãi".
Như bù lại cho vùng đất hẹp bị kẹp giữa núi và biển, thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cánh đồng Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh và vùng lân cận, xã Phổ Châu, TX.Đức Phổ giống nếp ngự có hương vị thơm ngon khó nơi nào sánh bằng.
Giống nếp ngự Sa Huỳnh có nguồn gốc từ đâu không ai biết rõ, nhưng từ bao đời nay loại nếp này đã trở thành đặc sản của vùng đất này.
Không như cùng loại, hạt nếp ngự có hình bầu tròn và to gấp đôi hạt lúa, gấp rưỡi so với nhiều loại nếp khác và được chế biến thành nhiều món khác nhau.
Thời vụ trồng nếp ngự ở Sa Huỳnh gồm vụ chính từ giữa tháng 10 năm trước, đến cuối tháng 2 âm lịch thu hoạch; vụ phụ từ tháng 5-8 âm lịch.
Theo lời người dân nơi đây, ngày trước chỉ khi nào nhà có cúng, giỗ, tết hay có khách quý đến thăm thì mới mang nếp ngự ra để nấu xôi, làm bánh. Còn không thì để dành chờ tết đến mang ra bán cho thương lái, lấy tiền mua sắm trong gia đình.
Nếp ngự Sa Huỳnh dù đồ xôi, nấu cháo, gói bánh tét, bánh chưng hay xay rang làm bánh, nổ, bánh in…vẫn tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt mà khó loại nếp nào có được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.