Ngày 18/7, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình 135, Đề án 196, Đề án 2085 và tổng kết Phong trào thi đua "Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135" trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020.
Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kinh tế, xã hội vùng dân tộc miền núi của Quảng Ninh gặp không ít khó khăn, sự phát triển còn chậm so với bước phát triển chung của toàn tỉnh. Sau Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh có 20 xã (trong đó có 17 xã đặc biệt khó khăn và 3 xã biên giới khu vực II) thuộc Chương trình 135 và 208 thôn (trong đó có 154 thôn thuộc 17 xã đặc biệt khó khăn và 54 thôn thuộc xã khu vực II) thuộc Chương trình 135.
Để giúp các hộ khó khăn thoát nghèo, nâng cao đời sống cho người dân khu vực này, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt trong ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo, mục tiêu đề ra…
Qua nhiều năm thực hiện Chương trình 135, đồng thời có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo thông qua Đề án 196, Quảng Ninh đã đạt được những hiệu quả đột phá.
Đến hết năm 2019, 100% xã, thôn thuộc Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK); hoàn thành mục tiêu Đề án 196 (về đích trước 1 năm); 8/8 nhóm mục tiêu cụ thể của đề án đều hoàn thành và hoàn thành vượt.
Tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình 135, Đề án 196 giai đoạn 2016-2020 là trên 1.770 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là trên 1.500 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa là gần 270 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016-2020, Chương trình 135, Đề án 196 đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 696 công trình hạ tầng thiết yết vùng ĐBKK, biên giới của tỉnh. Đến nay, 100% xã ĐBKK trên địa bàn Quảng Ninh có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn; 100% số hộ dân ở các xã, thôn ĐBKK được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 97,82% số hộ dân tại xã, thôn ĐBKK được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, Đề án 196 đã thực hiện hỗ trợ 9.431 lượt hộ nghèo, cận nghèo, với 283 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với Chương trình OCOP...
Những chương trình đầu tư bài bản đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 61,99% năm 2015 xuống còn 13,38% cuối năm 2019.
Phong trào thi đua “Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 - 2020 đã được triển khai sâu rộng từ cơ sở, nhận được sự đồng thuận cao trong các cấp, các ngành, cộng đồng, xã hội và đem lại hiệu quả thiết thực.
Từ năm 2017 - 2019, thông qua phong trào thi đua và các đợt vận động đã kêu gọi được sự tham gia hưởng ứng, ủng hộ của trên 1.000 lượt tổ chức, cá nhân, với tổng kinh phí huy động được là trên 96 tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ trên, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho 1.389 hộ, xây dựng 3 công trình trường học và hỗ trợ thực hiện các tiêu chí, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, văn hóa xã hội đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK.
Thành quả đến từ sự nỗ lực, vào cuộc của toàn hệ thống chính trị
Đối với Đề án 2085, sau 2 năm thực hiện, đề án đã thực hiện hỗ trợ 4.210 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo tại các xã, thôn, bản ĐBKK trên địa bàn tỉnh về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vốn vay sản xuất kinh doanh, với tổng kinh phí trên 59 tỷ đồng.
Qua thực hiện đề án đã góp phần giải quyết căn bản việc thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và một phần nhu cầu về vốn vay phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, tạo sinh kế bền vững cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người dân ở địa bàn ĐBKK.
Ông Võ Văn Bảy - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 (Uỷ ban Dân tộc) đánh giá: "Chúng tôi đánh giá rất cao những thành tựu, kết quả mà tỉnh Quảng Ninh đạt được đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối với Chương trình 135, đối với chính sách dân tộc trong thời gian qua... Có những kết quả đạt được như vậy, tỉnh Quảng Ninh đã huy động tất cả hệ thống chính trị vào cuộc, tất cả các tổ chức, vận động tất cả tầng lớp và sự nỗ lực rất lớn của người dân tại các thôn, bản, xã".
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu, cho biết tỉnh Quảng Ninh kiên quyết xóa tư tưởng không muốn thoát nghèo, trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ từ nhà nước của người dân. Chính vì vậy, Quảng Ninh đã triển khai những cách làm chủ động, sáng tạo, đột phá.
Đó là nhà nước hỗ trợ xây dựng hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo dựng các mô hình kinh tế, tạo điều kiện giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, người dân phải vào cuộc, vươn lên, phải làm giàu, thoát nghèo chính bởi bàn tay của mình...
Ông Đặng Huy Hậu cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất, chú trọng xây dựng, nhân rộng các dự án, mô hình phát triển sản xuất với quy mô hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra các sản phẩm nông lâm nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, gắn với thực hiện Chương trình OCOP; củng cố, thành lập và phát triển các hợp tác xã liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp.
Nhân dịp này, 101 tập thể, 103 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 135, Đề án 196, Đề án 2085 và phong trào thi đua “Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo
Tin cùng chủ đề: Truyền thông về giảm nghèo năm 2020
Vui lòng nhập nội dung bình luận.