Quảng Ninh: Dân vùng lụt thấp thỏm với bão

Nguyễn Quý - Anh Tuấn - Hồng Đức Thứ tư, ngày 27/07/2016 17:04 PM (GMT+7)
Tới 16h ngày 27.7, dù cơn bão số 1 đã chuyển hướng, tiến về khu vực các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, tuy nhiên do sức gió ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 10-11 vì thế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ bị ảnh hưởng, có mưa to đến rất to.
Bình luận 0

Có mặt tại tổ 29, khu 3, phường Hà Trung, TP.Hạ Long (khu vực bị coi là có nguy cơ số 1 về sạt lở của TP.Hạ Long), Dân Việt ghi nhận hình ảnh những khuôn mặt âu lo, cũng với việc khẩn trương chống chọi với bão và mưa lớn. Người dân trong tổ hô hào nhau cùng ra khơi thông cống rãnh, với sự góp sức của các phương tiện do chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng FLC Hạ Long điều tới. Dù dự án này triển khai bị người dân cho là nguyên nhân chính gây nên sạt lở, lụt lội ở khu vực, nhưng để đối phó với cơn bão số 1, họ chấp nhận phương án tạm thời này.

img

Người dân tổ 29, khu 3, phường Hà Trung, TP.Hạ Long (khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt cao nhất tại TP. Hạ Long) phòng chống bão bằng những biện pháp thô sơ nhất.

Những phương án chống lụt thô sơ, nhưng có vẻ như là lựa chọn duy nhất lúc này được người dân áp dụng. Đó là chuẩn bị các bao cát để ngăn nước và chằng buộc các vật dụng để chống trôi. Bà Bùi Thị Phương (tổ 29, khu 3, phường Hà Trung) cho biết: “Sáng nay nhà tôi phải mua 2 khối cát, chất vào các bao dứa, thế mà chỉ đủ số bao để ngăn nước ở thềm và cổng nhà. Còn đoạn tường rào bị đổ sập hôm trận mưa ngày 5.7, đến lúc này cũng chịu bó tay đứng nhìn nếu nước tràn vào”.

img

Người dân chặn cát tại các cổng.

Gần nhà bà Phương, bà Bùi Thị Đào khi nghe có bão là chở bố chồng (96 tuổi) đi sơ tán. Sau đó, bà về nhà cùng chồng con gấp gáp chuyển những đồ đạc dễ bị hỏng hóc khi ngập nước đi gửi.

TP.Cẩm Phả, điểm có nguy cơ ngập lụt số 2, sau thành phố Hạ Long, nhưng lại là nơi có nguy cơ sạt lở cao nhất bởi tồn tại nhiều núi đổ thải của các công ty than. Nhà bà Trần Thị Dung (tổ 1, khu 4, phường Mông Dương) chỉ cách chân bãi thải than của Công ty CP than Cọc 6, Công ty than Mông Dương vài trăm mét. Nhớ lại trận mưa năm ngoái, bà Dung vẫn còn vẻ hoảng sợ.

img

Người dân chặn cát tại các cửa ra vào phòng tránh bão.

Bà kể:“Nhìn lên núi thải, thấy đất đá ùn ùn trôi xuống, nhiều hòn đá to bằng cái bàn lao xuống, tưởng như đâm thẳng vào nhà mình. Cơn bão này dự báo sẽ có mưa lớn, dân chúng tôi lo lắm!”.

Hiện tại, thành phố Cẩm Phả đã yêu cầu các phường, xã nạo vét, khơi thông suối thoát nước, cống rãnh, di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn và yêu cầu các đơn vị thuộc Tập đoàn CN Than, Khoáng sản Việt Nam; Tổng Công ty Đông Bắc có phương án cụ thể phòng chống bão.

img

Tàu thuyền của ngư dân neo đậu vào khu vực an toàn ở Hạ Long và Cẩm Phả.

Theo tin bão cập nhật lúc 14 giờ của Trung tâm dự báo KTTV trung ương, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ vĩ Bắc; 107,4 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thái Bình - Ninh Bình 100 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 10-12.

Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Như vậy từ chiều tối nay, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh ven biển đồng bằng Bắc Bộ, ảnh hưởng trực tiếp khu vực từ Nam Quảng Ninh đến Bắc Thanh Hóa.

Dự báo trong 6-12 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 1 giờ ngày 28.7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, trên khu vực trung tâm đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9.

Do ảnh hưởng của bão sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-12. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-11. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng các tỉnh thuộc Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Việt Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Clip phóng viên Dân Việt ghi nhận tại nơi cơn lũ lấp phẳng con suối ở phường Hà Lầm 

Mưa lớn trong ngày 5.7 vừa qua gây ra lũ đất đá dội từ đồi cao dự án sân Golf FLC Hạ Long xuống vùi lấp hoàn toàn thượng nguồn suối khe nơi sâu nhất đến chục mét ở khu 7, phường Hà Lầm, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Dân Việt ghi lại hình ảnh trước cơn bão lũ.

Thanh Hóa: Vẫn còn 255 lao động và 45 tàu, thuyền ở ngoài khơi

Chiều nay (27.7), thông tin từ Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, cho biết; tính đến 14h cùng ngày, vẫn còn 255 lao động tham gia đánh bắt hải sản trên 45 phương tiện tàu thuyền hoạt động ở vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình... chưa tìm được nơi tránh trú bão an toàn. Hiện tại, số tàu thuyền nêu trên đều nhận được tin báo về cơn bão số 1 và đang khẩn trương tìm nơi tránh trú; tất cả các lao động trên 2.156 chòi canh thủy hải sản đã vào đất liền an toàn.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, hiện tại đã có 7.004 tàu, thuyền với 24.973 lao động vào bờ hoặc tìm được nơi neo đậu an toàn.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành công điện nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, nghiêm cấm người dân ở lại các chòi canh thủy hải sản ngoài khơi.

Để ứng phó với cơn bão số 1, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 1, đồng thời rà soát phương án sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở, xuất hiện lũ ống, lút quét tại các huyện miền núi; kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn cho các công trình hồ đập…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem