Bão số 1 gây mưa to, sóng lớn

Nhóm PV Thứ tư, ngày 27/07/2016 12:42 PM (GMT+7)
Bão số 1 có xu hướng dịch chuyển thấp về phía nam, cường độ mạnh lên và tốc độ di chuyển nhanh hơn hướng vào vùng Quảng Ninh – Nam Định.
Bình luận 0

Chiều tối nay (27/7), bão số 1 đã bắt đầu ảnh hưởng đến vùng biển Hải Phòng gây mưa to, gió lớn, sóng biển cao 2-3 mét.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của bão số 1, lúc 18h30 chiều nay (27/7), ở Thái Bình và Văn Lý (Nam Định) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10.

Hồi 19 giờ ngày 27/7, tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông; ngay trên vùng biển các tỉnh Thái Bình-Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 10-11.

Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào các tỉnh Thái Bình-Nam Định và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh từ Nam Quảng Ninh đến Bắc Thanh Hóa.

img

Mưa lớn và giông gió xuất hiện trên nhiều địa phương ven biển của tỉnh Nam Định ngay trong sáng 27/7 (ảnh: Báo Giao thông)

Tiếp tục ra công điện khẩn

Ngày 27/7, Bộ trưởng Cao Đức Phát – Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục chủ trì cuộc họp bàn về các phương án ứng phó với những diễn biến mới của cơn bão số 1.

Bộ trưởng Phát cho hay, tình hình diễn biến của con bão có nhiều thay đổi so với dự báo hôm qua, đặc biệt là tâm bão dịch xuống nam, cường độ mạnh lên và tốc độ di chuyển nhanh hơn hướng vào các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định.

Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục ra công điện khẩn yêu cầu các địa phương chủ động theo dõi và có phương án đối phó với các diễn biến của bão nhằm hạn chế tối thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 16 giờ ngày 27/7, tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông; ngay trên vùng biển các tỉnh Thái Bình-Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 10-12.

Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào các tỉnh Thái Bình-Nam Định và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh từ Nam Quảng Ninh đến Bắc Thanh Hóa.

Từ chiều tối nay, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh ven biển đồng bằng Bắc Bộ, ảnh hưởng trực tiếp khu vực từ nam Quảng Ninh đến Bắc Thanh Hóa.

Dự báo trong 6-12 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Tại Hà Nội có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 và từ tối nay đến hết đêm 28/7 có mưa rất to, lượng mưa khoảng 100-200mm.

Các địa phương chủ động đối phó bão số 1

Theo báo cáo của các tỉnh chịu ảnh hưởng của cơn bão số 1, hiện công tác chỉ đạo theo công điện khẩn của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đang được gấp rút thực hiện nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.

Tại Hải Phòng

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, vào lúc 15h, mưa to, sóng lớn kèm theo gió giật cấp 10, cấp 11 đã hoành hành khu vực Đồ Sơn. Sóng đánh cao vài mét. Dọc tuyến đường quanh bờ biển khu I, sóng đã đánh vượt bờ kè tràn lên đường.

Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, từ trưa nay đã có gió giật cấp 11, cấp 12. Hiện có 19 phương tiện được neo đậu trong âu cảng, 44 phương tiện gắn máy đã được đưa lên bờ.

Các tuyến đê đã được gia cố, duy chỉ còn 10 km đê biển ở Cát Hải đang xây dựng là có khả năng gặp nguy hiểm.

Theo báo cáo của UBND huyện Kiến Thụy, tính đến 9 giờ ngày 27/7, 139 tàu thuyền trở về các bến neo đậu phòng tránh bão. Tuy nhiên, vẫn còn 52 phương tiện với 148 lao động vẫn trên biển. Hiện toàn bộ bãi nuôi ngao trên địa bàn có 119 chòi canh với 109 lao động, có 87 người vào bờ, còn 19 người còn ở trên các chòi. Sau 20 giờ, nếu số lao động này vẫn ở trên chòi, huyện sẽ cử ca-nô buộc vào bờ. Ngoài ra, huyện Kiến Thụy chủ động rút nước đệm bảo vệ diện tích lúa đã cấy cũng như khu vực nuôi trồng thủy sản.

img

Tại Đồ Sơn, sóng biển đánh cao 2-3m

img

Đường ven biển Đồ Sơn (Hải Phòng), sóng lớn và gió to đã làm một số cây ven đường gãy cành.

UBND quận Đồ Sơn báo cáo, tính đến 10 giờ sáng 27/7, toàn bộ 280 phương tiện khai thác trên biển thuộc địa bàn quận và 109 tàu, thuyền của địa phương khác hoạt động tại vùng biển Đồ Sơn và khu vực lân cận trở về nơi tránh trú an toàn. Toàn bộ 22 lao động trên 11 chòi canh ngao cũng trở về đất liền.

img

img

Biển hiệu nhà hàng, quán bị gió làm bật tung

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Đức Hòa, Chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) cho hay, hiện tại trên huyện đảo đang bắt đầu có mưa lớn. Gió giật cấp 10.

“Hiện tại, hơn 100 người gồm cán bộ, bộ đội trực 24h/24h để ứng phó với bão khi đổ bộ vào đất liền”, ông Hòa thông tin.

Theo ông Hòa, hiện tại, trên địa bàn chưa có ghi nhận thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 1. Các bác sĩ ở bệnh viện cũng được huy động túc trực, cấp cứu cho người dân khi gặp nạn. 

Tại Quảng Ninh, sáng 27/7, đồng chí Nguyễn Đức Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp xuống 1 số huyện để kiểm tra, đốc thúc các đơn vị hoàn thành công tác ứng phó với cơn bão số 1.

Hiện các huyện Vân Đồn, Bình Liêu, TP.Hạ Long, Cẩm Phả, Tiên Yên, Đông Triều, Móng Cái… đang tích cực thông tin cho các phương tiện tàu thuyền về nơi neo đậu, tránh bão an toàn, gia cố nhà cửa, di dời dân khỏi vùng có vị trí xung yếu…

img

Đến 11 giờ ngày 27/7, tại Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu đã không còn tàu du lịch đỗ, các tàu được di chuyển đến nơi tránh trú an toàn (ảnh: Báo Quảng Ninh)

Tại Thái Bình, tính đến 10 giờ ngày 27/7, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.293 tàu, thuyền với 3.523 lao động hoạt động khai thác thủy, hải sản, tất cả các phương tiện đều liên lạc được; đã có 1.156 tàu/2.972 lao động đang neo đậu tại bến an toàn, còn 85 tàu/231 lao động đang hoạt động tại ven biển Thái Bình.

img

Tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn tại cảng cá Tân Sơn (huyện Thái Thụy, Thái Bình) - Ảnh: Báo Thái Bình.

Ông Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống tiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình cũng vừa có công điện khẩn gửi Ban chỉ huy phòng chống tiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp các ngành yêu cầu tập trung mọi biện pháp, khẩn trương ứng phó với bão số 1.

Thái Bình cấm các tàu thuyền ra khơi từ 16h ngày 27/7. Hiện, tại TP Thái Bình đang xuất hiện mưa lớn, có gió nhẹ .

Tại Nam Định

Bắt đầu từ 10h sáng nay, Nam Định cũng xuất hiện mưa khá lớn. Để ứng phó với cơn bão số 1, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện cấm biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 11h ngày 27/7 cho đến khi bão tan.

Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh đã ký công điện khẩn yêu cầu hoãn tất cả các cuộc họp không cấp thiết để tập trung triển khai phòng chống bão từ chiều 27/7.

Đến 13 giờ ngày 26/7, đã có 832 tàu thuyền với 1.696 ngư dân neo đậu tại cảng cá và các bến cá trong tỉnh; 25 tàu thuyền với 152 lao động neo đậu tại Hải Phòng. Có 1.177 tàu thuyền với 3.277 lao động đang hoạt động trên biển.

Hiện số phương tiện này đã nhận được thông báo về bão số 1, các đồn biên phòng và gia đình đã liên lạc được với các tàu cá. Khu vực ven biển có 732 lều, chòi với 881 lao động trông coi đầm bãi tại vùng nuôi trồng ngoài đê; các đơn vị đã thông báo để nhân dân nắm và theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 1, sẵn sàng vào tránh trú khi có lệnh. 

Tại Ninh Bình: Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình ra công điện khẩn yêu cầu các địa phương kiểm tra đảm bảo an toàn cho các tuyến đò ngang, đò dọc và tạm ngưng hoạt động các tuyến đò kể từ 14 giờ ngày 27/7.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 126 tàu/374 ngư dân hoạt động đánh bắt cá trên biển. Tính đến trưa ngày 27/7, đã có 60 tàu/274 ngư dân đã về nơi trú ẩn an toàn; còn 66 tàu/100 ngư dân đang tìm về nơi tránh trú bão an toàn trong chiều 27/7.

Ngoài khu vực ven bờ Bình Minh II đến Cồn Nổi (huyện Kim Sơn) có 274 lều/392 người đang hoạt động khai thác, nuôi trồng hải sản đã được lực lượng chức năng thông báo vị trí, hướng di chuyển của bão đến từng ngư dân. Đến 17h chiều cùng ngày, toàn bộ số ngư dân đang hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản đã về nơi tránh trú bão an toàn.

img

Ninh Bình yêu cầu các tàu thuyền đang hoạt động đánh khai thác, đánh bắt ở vùng biển cần vào nơi trú tránh bão an toàn (ảnh: Báo Giao thông)

Tại Thanh Hóa: Thông tin từ Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh, đến ngày 27/7, các lực lượng chức năng đã liên lạc được với toàn bộ 7.049 phương tiện nghề cá với 24.973 lao động của tỉnh thường xuyên khai thác trên biển.

img

Tàu thuyền vào tránh trú bão tại âu thuyền Quảng Tiến (Sầm Sơn, Thanh Hóa) - Ảnh Lê Đồng/ Báo Thanh Hóa.

Đến 15 giờ cùng ngày, còn 45 phương tiện với 255 lao động vẫn đang nằm trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của cơn bão, nhưng cũng đang trên đường vào tránh trú tại các nơi an toàn của các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh.

img

Hình ảnh vị trí và đường đi của bão số 1, hình ảnh cập nhật lúc 14h30 ngày 27/7 (Nguồn: TT Dự báo KTTV TƯ)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 1, ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 12. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8. 

Đến 14 giờ ngày 27/7, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Thái Bình-Ninh Bình 100km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 10-12. 

Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Như vậy từ chiều tối nay, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh ven biển đồng bằng Bắc Bộ, ảnh hưởng trực tiếp khu vực từ Nam Quảng Ninh đến Bắc Thanh Hóa. 

Dự báo trong 6-12 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-12. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-11. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng các tỉnh thuộc Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Việt Bắc.

Hà Nội có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 và từ tối nay đến hết đêm 28/7 có mưa rất to, lượng mưa khoảng 100-200mm.

img

Đường đi và hướng di chuyển của cơn bão số 1. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1, khu vực vùng núi phía Bắc đã có mưa vừa đến mưa to. Từ 19 giờ ngày 26/7 đến 7 giờ ngày 27/7, một số nơi có lượng mưa lớn như Đào Viên (Tuyên Quang) 65 mm, Định Hóa (Thái Nguyên) 50 mm.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 5 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 3 mét.

Đặc biệt, trong đợt lũ này mực nước thượng lưu sông Thao và sông Hoàng Long có khả năng lên mức báo động 1, các sông suối nhỏ có khả năng lên mức báo động 2.

Lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất có khả năng xảy ra tại tất cả các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt một số tỉnh như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang.

Ngập úng tại vùng trũng và các đô thị có nguy cơ cao xảy ra, đặc biệt tại các tỉnh: Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội.

Tại Thanh Hóa cũng đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt do bão số 1 gây ra phổ biến 100-200mm, có nơi trên 200mm.  Trong 12-24 giờ tới, trên các sông ở Thanh Hóa sẽ xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 2-5m, ở hạ lưu từ 1-3m.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp địa phận tỉnh Thanh Hóa.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn trung ương cho hay: “Khả năng bão số 1 sẽ có 2 lần tăng tốc. Lần thứ nhất, trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão có thể mạnh lên cấp 9, sau khi qua đảo Hải Nam sẽ mạnh cấp 8; trước khi đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ, bão mạnh trở lại cuối cấp 8”.

Ông Cường đưa ra hai khả năng bão đổ bộ, trong đó khả năng cao nhất là bão đi vào Quảng Ninh - Hải Phòng với cường độ 60-75 km/h, tương đương cấp 8, gió giật cấp 9-10. Phương án 2 ít xảy ra là bão đổ bộ đồng bằng Bắc Bộ cũng với cấp 8. Trong cả hai khả năng, bão đều suy yếu nhanh và tan ở vùng núi phía bắc.

Theo dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Như vậy, khoảng đêm nay, bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Tâm mưa được xác định là Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang... với tổng lượng mưa cả đợt 200-300 mm, có nơi 400 mm.

Để đối phó và hạn chế rủi ro do bão số 1 gây ra, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương bão có thể đi qua phải hoàn thành công tác ứng phó bão trước 18 giờ chiều nay (27/7).

Video: Bão số 1 đã gây mưa lớn ở nhiều tỉnh, thành. (Theo VTV)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem